Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ thông tin có tiêu cực trong quản lý xuất khẩu gạo

20/04/2020 - 17:06

PNO - Ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ thông tin có tiêu cực trong công tác quản lý xuất khẩu gạo.

Theo đó, Bộ Tài chính đã nêu lại quá trình thực hiện xuất khẩu gạo theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau khi Bộ Công thương có quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 với 400.000 tấn, Tổng cục Hải quan đã thiết lập các chỉ tiêu trên hệ thống dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện tiếp nhận mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo theo hạn ngạch tháng 4, trên nguyên tắc trừ lùi hạn ngạch đến khi đủ.

Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin, đặt nghi vấn về việc có tiêu cực trong tổ chức triển khai hoạt động xuất khẩu gạo và có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch; để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc quản lý xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên, nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ các thông tin
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ các thông tin cho rằng có tiêu cực trong xuất khẩu gạo

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng ký văn bản gửi Tổng cục Hải quan, trong đó yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung thông tin về những nghi vấn trong việc can thiệp của công chức hải quan, cơ quan hải quan đối với việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Tổng cục Hải quan báo cáo kết quả trước ngày 30/4.

Đấu thầu lại để bảo đảm mua đủ số lượng gạo dự trữ theo quy định

Cũng trong ngày 20/4, ông Lê Văn Thời - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước - đã có trả lời về việc Tổng cục Dự trữ Nhà nước chưa mua đủ 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, do có hiện tượng doanh nghiệp trúng thầu mua gạo DTQG năm 2020 nhưng từ chối ký hợp đồng.

Theo ông Lê Văn Thời, đến nay, đã có tổng cộng có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo DTQG năm 2020 với số lượng 178.000 tấn, trong đó có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, 24/28 doanh nghiệp còn lại từ chối ký hợp đồng.

Trong tổng số 190.000 tấn gạo tổ chức đấu thầu, hiện các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn), còn lại 182.300 tấn không ký được hợp đồng và phải tổ chức đấu thầu lại (bao gồm 12.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu và 170.300 tấn nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng).

Trong trường hợp nhà thầu trúng thầu từ chối ký hợp đồng, theo quy định của Luật Đấu thầu thì chủ đầu tư sẽ thu bảo đảm dự thầu của nhà thầu theo quy định để nộp ngân sách nhà nước (số tiền từ 1% đến 3% giá gói thầu tùy theo quy mô, giá trị gói thầu).

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, những năm trước đây việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia cũng đã có tình trạng một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi được phê duyệt trúng thầu, nhưng với số lượng rất ít. Năm 2020 mới xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như báo cáo của các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các doanh nghiệp, nguyên nhân các nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của các doanh nghiệp, người dân trong nước tăng cao.

Mặt khác trong những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đi các nước: Philippines, Malaysia, Trung Quốc... tăng mạnh, dẫn đến thị trường giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động (nhất là đối với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia), giá gạo liên tục tăng từ 1.200 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm mở thầu (ngày 12/3/2020) nên nhà thầu không thực hiện được và có văn bản từ chối ký hợp đồng.

Việc này dẫn đến việc Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ phải tổ chức đấu thầu lại số gạo còn lại theo kế hoạch. Vì thế, để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu mua gạo năm 2020, thời gian nhập gạo sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu từ 15 đến 30 ngày.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI