Bổ sung vi chất vào thực phẩm: Khó khăn cho doanh nghiệp, mất quyền lựa chọn của người tiêu dùng

15/07/2024 - 21:11

PNO - Tại hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm” chiều 15/7, ý kiến từ đại diện các ngành hàng cho rằng, Bộ Y tế quy định nhiều loại thực phẩm phải bổ sung vi chất đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và mất quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Tăng chi phí, mất cạnh tranh cho sản phẩm…

Theo đại diện các hiệp hội (Lương thực thực phẩm TPHCM; Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam...), trong 8 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã có nhiều ý kiến về bất cập trong quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt, kẽm”.

Các doanh nghiệp, ngành hàng dự hội thảo và chia sẻ những bất cập khi phải bổ sung I-ốt, kẽm vào thực phẩm
Đã nhiều lần các doanh nghiệp, ngành hàng bày tỏ chung quan điểm "thực phẩm phải bổ sung i-ốt, kẽm" là bất hợp lý. Ảnh

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: các hiệp hội ngành hàng ủng hộ chủ trương của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) ngày 29/01/2016 nhưng phải có tính chọn lọc theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế thới (WHO). Với ngành hàng thủy hải sản, có hơn 80% sản lượng chế biến tập trung cho xuất khẩu, thì việc áp dụng các quy định gây nhiều phiền toái cho DN

Ông Nam dẫn chứng, hầu hết sản phẩm tôm chế biến đều dùng muối, nhưng thị trường Nhật Bản lại không cho sử dụng muối i-ốt nên bắt DN phải cam kết mới xuất khẩu được. Bất cập hơn khi cá biển và tảo biển là nguồn cung cấp i-ốt nhưng vẫn phải dùng muối i-ốt để chế biến. “Hậu quả là thủy sản phải cạnh tranh không công bằng với sản phẩm nhập khẩu ở ngay thị trường nội địa (sản phẩm nhập khẩu không dùng muối i-ốt); làm tăng giá thành vì sử dụng muối i-ốt, còn sản phẩm xuất khẩu tăng chi phí vì phải vệ sinh dây chuyền và chứng nhận không sử dụng muối i-ốt…”- ông Nam nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Thành Tài - Phó Chủ tịch Hội sản xuất Nước mắm Phú Quốc - bổ sung: bản thân cá cơm đã có hàm lượng i-ốt tự nhiên và quy trình sản xuất đã được châu Âu bảo hộ từ rất lâu. Vì vậy đối với sản phẩm nước mắm Phú Quốc không thể áp dụng bổ sung i-ốt vào muối để chế biến thực phẩm là nước mắm theo như Nghị định 09 quy định. Ông cho rằng, chính sách nên xây dựng hướng đến việc bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối ăn trực tiếp và các gia vị dạng rắn như bột nêm, bột canh,...

Chỉ nên khuyến khích

Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành - thành viên Hội đồng tư vấn khoa học thuộc Sở An toàn thực phẩm TPHCM: việc bổ sung i-ốt, sắt và kẽm vào thực phẩm là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, người có bệnh cường giáp lại phải hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều i-ốt như hải sản.

“Nếu toàn dân phải dùng muối i-ốt thì chọn lựa của những bệnh nhân này thế nào? - ông Vũ Thế Thành nói.

Hạt điều rang muối phải bắt buộc phải sử dụng i-ốt khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này gặp khó vì nhiều thị trường nhập khẩu lại không cho phép
Hạt điều rang muối bắt buộc phải sử dụng muối i-ốt khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này gặp khó, vì nhiều thị trường nhập khẩu lại không cho phép. Ảnh: Mai Ca

Ông Vũ Thế Thành cho rằng: cần chọn giải pháp hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của DN cũng như quyền lựa chọn của người dùng. Các nước trên thế giới có chương trình sử dụng muối i-ốt khác nhau tùy theo thói quen ẩm thực và tình trạng sức khỏe người dân. Chẳng hạn như Nhật Bản không sử dụng muối i-ốt vì dân họ không thiếu. Còn tại Mỹ, Canada, Úc… khuyến khích người dân sử dụng muối i-ốt và trên thị trường cho phép bán đủ loại muối như muối i-ốt, muối tinh, muối biển…

Do đó, Bộ Y tế nên trao đổi với các DN, kể cả việc khảo sát lại việc thiếu hụt vi chất. Và sau cùng, nên áp dụng giải pháp nào, chẳng hạn muối i-ốt có thể bổ sung vào nước mắm công nghiệp, nước tương, hoặc sữa học đường. Kẽm, sắt có thể bổ sung vào bột nêm… hoặc “phủ tùy vùng”, thí dụ tập trung vào vùng cao nguyên hoặc nông thôn, nhất là những nơi mức sống thấp, có thể phun sắt kẽm vào gạo bán với giá trợ cấp, thay vì “phủ toàn diện” và tước đi quyền chọn lựa của người dùng.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI