Bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm: Cần hợp lý, đừng làm đại trà

23/11/2021 - 06:04

PNO - Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tầm vóc và sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cần tính toán bổ sung như thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng “thà bổ sung thừa còn hơn bỏ sót”

Thực phẩm biến màu, đổi vị vì bổ sung i-ốt?

Sau nhiều năm đeo đuổi, kiến nghị, mới đây, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TPHCM tiếp tục kiến nghị bỏ quy định bắt buộc phải bổ sung i-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm của Bộ Y tế. Theo đó, quy định này đã gây ra hàng loạt cản trở cho doanh nghiệp như làm biến đổi sản phẩm, tăng chi phí sản xuất, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, bất tiện trong việc xuất khẩu các đơn hàng ra nước ngoài chẳng hạn như thị trường Nhật Bản không chấp nhận các sản phẩm có chứa i-ốt...

Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng thắc mắc, i-ốt, kẽm, sắt đều là những vi chất vô cùng cần thiết cho cơ thể, có khả năng giúp phòng, chống một số bệnh và tăng chiều cao. Như vậy, ngoài các vấn đề kinh tế với doanh nghiệp, sự cần thiết của quy định phải bổ sung vi chất vào thực phẩm của Bộ Y tế là như thế nào? 

Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên yêu cầu bổ sung vi chất như i-ốt, sắt, kẽm một cách đại trà trong các sản phẩm mà cần phù hợp theo tính chất hàng hóa cũng như đối tượng và khu vực
Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên yêu cầu bổ sung vi chất như i-ốt, sắt, kẽm một cách đại trà trong các sản phẩm mà cần phù hợp theo tính chất hàng hóa cũng như đối tượng và khu vực

Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành khẳng định, sắt, kẽm, i-ốt đều có vai trò quan trọng với cơ thể con người. Cụ thể, i-ốt cần thiết để tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp, nếu thiếu i-ốt, trẻ chậm tăng trưởng, kém phát triển não ở thai nhi và trẻ em. Nếu thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu hay nếu thiếu kẽm sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc bổ sung như thế nào cho hợp lý lại là câu chuyện cần lưu tâm. 

Cụ thể như với vấn đề bổ sung i-ốt, Bộ Y tế quy định doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải dùng muối i-ốt trong tất cả thực phẩm mà không xem xét đặc điểm chế biến của loại thực phẩm đó là điều không hợp lý. Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống đã nhiều lần “than trời” về quy định này bởi sau khi bổ sung i-ốt, sản phẩm bị đổi màu, trở nên tối sậm và ảnh hưởng tới mùi vị, làm mất đặc trưng vốn có. Do i-ốt là chất oxy hóa mạnh, các sản phẩm rau củ quả sấy khô, các sản phẩm ăn ngay, ăn liền… dễ dàng có phản ứng, làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, màu sắc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Đồng quan điểm, tiến sĩ - bác sĩ Từ Ngữ - chuyên gia dinh dưỡng - cho hay: “Không ai bổ sung i-ốt vào nước mắm truyền thống mà chỉ có thể vào nước chấm, hay còn gọi là nước mắm công nghiệp”. Ủng hộ việc quy định bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể vào thực phẩm, song bác sĩ Từ Ngữ lưu ý, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm phải đảm bảo yếu tố không làm biến đổi mùi vị, tính chất đặc trưng của sản phẩm, chứ không thể áp dụng chung đối với tất cả mặt hàng. Ông cho rằng, chỉ nên quy định bắt buộc bổ sung i-ốt trong muối.

Không nên khiên cưỡng bổ sung đại trà

Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố cuộc tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019. Bác sĩ Từ Ngữ cho rằng, hoàn toàn có thể sử dụng những số liệu điều tra này để xác định phương pháp bổ sung một cách hợp lý.

Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng có thể chia làm ba biện pháp: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, nếu xác định khu vực nào thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng, các đối tượng có biểu hiện lâm sàng, như trẻ em miền núi, bà mẹ mang thai ở vùng cao… có thể áp dụng việc bổ sung các viên vi chất dinh dưỡng. Phương pháp này trước đây chúng ta đã từng áp dụng với bổ sung i-ốt. Về trung hạn, bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến. Về dài hạn, tăng cường sử dụng vi chất dinh dưỡng qua thịt, rau củ quả…

 

Các gia đình nên chú ý tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hằng ngày
Các gia đình nên chú ý tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hằng ngày

Trong đó, về giải pháp trung hạn, bác sĩ Từ Ngữ nhấn mạnh phải tập trung hướng tới các đối tượng, vùng miền thiếu vi chất dinh dưỡng như trong khảo sát. Nếu bổ sung tràn lan vào tất cả thực phẩm chế biến, sẽ có nhiều sản phẩm chỉ sử dụng cho một nhóm đối tượng nhỏ, như người dân của thành phố, không thiếu sắt hay i-ốt… có thể gây tình trạng thừa vi chất dinh dưỡng. 

Cùng quan điểm, chuyên gia Vũ Thế Thành nêu: Những người bị bệnh cường giáp phải hạn chế ăn những thực phẩm giàu i-ốt như sữa, thủy hải sản, rong biển… Nếu tất cả thực phẩm chế biến đều phải bổ sung muối i-ốt thì những bệnh nhân cường giáp phải chọn lựa thế nào? Ông dẫn chứng, tại Nhật Bản, do thực phẩm chủ yếu là cá biển, đáp ứng đủ nhu cầu về i-ốt nên nước này không cho phép bổ sung i-ốt vào thực phẩm. Đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang Nhật phải thay đổi dây chuyền sản xuất, gây phức tạp, tốn kém. 

Do đó, chuyên gia Vũ Thế Thành khuyến nghị không nên khiên cưỡng áp dụng việc bổ sung vi chất đại trà vào tất cả ngành chế biến thực phẩm, nên có sự chọn lọc tùy theo ngành. Theo ông, với i-ốt, có thể bổ sung vào bột nêm, nước mắm công nghiệp, bánh mì… Với kẽm và sắt có thể là bổ sung vào bột nêm.

Tại miền cao, các vùng khó khăn có tỷ lệ thiếu hụt kẽm cao, thay vì yêu cầu bổ sung kẽm vào bánh mì, loại thực phẩm rất hiếm khi sử dụng, chuyên gia Vũ Thế Thành đề xuất có thể bổ sung sắt, kẽm vào gạo, bởi gạo mới là sản phẩm được sử dụng thường xuyên. 

Trong khi đó, bác sĩ Từ Ngữ cho biết, nếu ở nhiều khu vực xảy ra tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng, có thể sử dụng phương pháp ngắn hạn như ông đã phân tích, đó là cho người dân uống sắt, kẽm hay i-ốt để đáp ứng ngay nhu cầu cấp thiết của cơ thể. Ông cũng khuyến cáo các gia đình cần nắm, hiểu về vi chất dinh dưỡng để có thể bổ sung thông qua thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hằng ngày. 

Bổ sung sắt, kẽm, i-ốt từ thực phẩm tự nhiên

Theo các chuyên gia, kẽm có nhiều trong trai, ngao, sò, hàu… Kẽm cũng có trong thịt nạc đỏ (heo, bò, cừu), sữa, trứng, ngũ cốc thô, hạt bí ngô, hạt điều và các loại đậu (25 - 50mg/kg). Ngũ cốc qua sơ chế, gạo xát trắng, thịt mỡ chứa lượng kẽm vừa phải (10 - 25mg/kg). Cá, rau củ, rau lá xanh và trái cây cũng chứa kẽm nhưng ít. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu. Với nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. 

Thực phẩm giàu sắt có nhiều nhất trong tiết bò, 100g tiết bò có tới 52,60mg sắt. Xếp sau đó là các loại gan động vật (gan lợn, gan bò, gan gà), bầu dục lợn và bò, mực khô, lòng đỏ trứng vịt, tôm, cua… Một số thực vật cũng có chứa nhiều sắt gồm mộc nhĩ, nấm hương khô, cùi dừa già, các loại hạt, cần tây… Một số nhóm đối tượng được khuyến cáo tăng cường thực phẩm sắt gồm có trẻ em gái ở độ tuổi kinh nguyệt, người ăn chay, người sử dụng thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hoóc-môn…

Với i-ốt, ngoài thực phẩm thông dụng là muối i-ốt, các chuyên gia cho hay, vi chất này có nhiều trong hải sản (mực, cá ngừ, cua, sò điệp…), rong biển, sữa và sản phẩm từ sữa, trứng. Lượng i-ốt được khuyến nghị hằng ngày là 150mcg ở nam giới và phụ nữ trưởng thành. Đối với phụ nữ mang thai cao hơn đáng kể, ở mức 220mcg.

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI