Bất lực nhìn đất canh tác bị cuốn trôi
Kiểm tra những cây keo hơn 5 năm tuổi gãy đổ ngổn ngang bên bờ sông Lam, ông Võ Văn Kỳ - ở xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cho hay, chưa vào mùa mưa bão mà rừng keo hàng chục héc ta của ông đã bị sông Lam “bào mòn” mỗi ngày. Hàng trăm cây keo lớn bằng bắp đùi người lớn nằm ở mép sông bị đánh bật gốc, bị dòng nước cuốn trôi.
Hơn 10 năm canh tác trên bãi bồi này, ông Kỳ thấy mấy năm gần đây, bờ sông Lam lở ngày một nhanh và nặng hơn. Đặc biệt, mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về khoét hàm ếch dọc bờ. Khi nước rút, đất canh tác cứ thế ụp từng mảng lớn xuống sông. Đến nay, lòng sông Lam đã ăn sâu vào vườn keo của ông hơn 35m và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông nói: “Cứ tưởng trồng keo thì rễ nó bám chắc vào đất, đỡ sạt lở hơn trồng hoa màu, nhưng xem ra không ăn thua. Nhìn tiền bạc, công sức, đất đai bị cuốn trôi mỗi ngày, nóng ruột quá. Nhưng chúng tôi đành chịu, chỉ biết cầu mong mưa bão ít cho đỡ sạt lở thôi”.
|
Các hộ dân ở xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An thấp thỏm lo nhà đổ sập xuống sông Lam - Ảnh: Phan Ngọc |
Tiếp giáp rừng keo của ông Kỳ, cánh đồng trồng hoa màu của người dân xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Long Xá - cho biết, hơn 2km đất sản xuất nông nghiệp dọc bờ sông Lam bị thu hẹp dần. UBND xã phải nhiều lần dời biển báo khoảng cách an toàn. Bà nói: “Mỗi năm, có khoảng 10ha đất nông nghiệp bị cuốn trôi do sạt lở bờ sông. Những năm gần đây, tốc độ sạt lở nhanh hơn là bởi các tàu hút cát mạnh ở phía bên kia bờ”. Theo bà, chỉ có phương án làm kè, mới giữ được đất nông nghiệp.
Chỉ tay về phía cánh đồng lúa nằm sát mép sông Lam, ông Nguyễn Văn Hùng - ở xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - cho hay, trước đây, sát cánh đồng lúa là bãi bồi trồng hoa màu nhưng nay chẳng còn vết tích. Nước sông Lam đã cạp vào tới sát bờ ruộng, đe dọa nuốt luôn cánh đồng lúa kéo dài hơn 1,5km dọc bờ sông. “Mỗi năm, lòng sông lại lấn vào bờ vài mét. Cứ đà này, cánh đồng lúa ở đây sẽ sớm bị xóa sổ” - ông Hùng lo lắng.
Ông Đặng Văn Hoài - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam - cho biết, bờ sông Lam sạt lở mạnh khiến hơn 5ha đất trồng lúa có nguy cơ bị cuốn trôi. Mấy năm trước, bờ sông Lam ở xã này bị sạt lở nhiều nhưng gần đây có dấu hiệu chậm lại do dòng chảy thay đổi, sạt lở mạnh bên phía tỉnh Nghệ An. UBND xã Xuân Lam cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp làm bờ kè chống sạt lở nhưng chưa được chấp thuận do kinh phí quá lớn. “Nếu làm kè thì phải làm dọc cả bờ sông qua các xã chứ chỉ làm ở xã này thì xã khác bị sạt lở. Theo dự toán của các sở, ngành thì chi phí đầu tư lên đến 1.000 tỉ đồng” - ông nói.
Trồng tre ngăn sạt lở
Tranh thủ những ngày trời mưa, bà Nguyễn Thị Tín - ở xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An - mang những cây dứa, cây tre ra bờ sông Lam trồng để ngăn sạt lở khi mùa mưa bão cận kề. Gia đình bà trước đây có hơn 300m2 đất vườn và đất ở bên sông, có hàng tre gần mép nước nhưng 5 năm trước, hàng tre đã bị cuốn trôi. Đến nay, lòng sông ăn sâu vào vườn 20m. Tháng 10/2023, những đợt mưa lớn liên tiếp khiến nhà bà tiếp tục mất hàng chục mét vuông đất, cuốn trôi cả chuồng nuôi gia súc, gia cầm. “Nước lấn sát vào móng nhà rồi, giờ mưa lớn là lo nhà sập. Chẳng mấy chốc, nước lấn vào sân rồi vào nhà thôi” - bà thở dài.
12 hộ ở kế nhà bà Tín cũng chịu chung tình trạng mất đất. Điểm sạt lở có chiều dài 120m, rút ngắn khoảng cách từ bờ sông đến ngôi nhà còn 10 - 50m. Để đảm bảo an toàn, họ phải đóng cọc tre, phủ bạt lên những điểm sạt lở để tránh nước đổ xuống cuốn trôi đất, căng dây làm rào chắn để ngăn trẻ em lọt xuống sông. Ông Nguyễn Viết Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Lạng Sơn - cho biết, chính quyền xã đã đề xuất UBND huyện Anh Sơn làm kè bê tông chống sạt lở nhưng do kinh phí lớn nên UBND huyện chưa làm. “Khu vực này có nguy cơ sạt lở rất cao nên chúng tôi cắt cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, yêu cầu người dân sẵn sàng di dời sang nhà người thân khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn” - ông nói.
|
Người dân các xã ven sông Lam ở huyện Anh Sơn trồng tre, mét ngăn sạt lở - Ảnh: Đăng Khoa |
Đoạn sông Lam chảy qua xã Lạng Sơn dài 7km nhưng có đến 5km đang bị sạt lở nặng, nhiều đoạn nước ngoạm vào bờ hơn 30m. Theo ông Nguyễn Viết Dũng, sông Lam ngày càng sạt lở mạnh là do dòng chảy thay đổi và còn do nạn khai thác cát, sỏi: “Tàu hút cát lớn, vòi dài cả chục mét, lực hút rất mạnh; một số chủ tàu còn cho vòi thò vào gần bờ hút cát, tạo thành hố sâu nên khi mưa lớn, nước lên là bờ sông bị sạt”.
Xã Lạng Sơn nay chỉ còn khoảng 20ha đất sản xuất nông nghiệp dọc sông Lam, giảm hơn một nửa so với 10 năm trước. Để giữ đất, UBND xã đã kêu gọi người dân trồng được gần 500m cây tre, cây mét dọc bờ sông, đồng thời khuyến khích người dân tự trồng cây xanh để giữ đất, mỗi cây trồng sống được hỗ trợ 50.000 đồng.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn - cho biết, cây tre, cây mét là những loài cây dễ trồng, mọc thành bụi rậm, rễ bám chắc vào đất nên có khả năng ngăn sạt lở. Các loài cây này cũng có sẵn trong làng, người dân không mất chi phí mua nên rất thích hợp để trồng thay thế cho kè sông. Từ đầu năm đến nay, các xã đã trồng hơn 20.000 cây tre, cây mét và phấn đấu đến giữa năm sau, sẽ trồng được 50.000 cây.
Sông Lam dài khoảng 520km, bắt nguồn từ cao nguyên Xiêng Khoảng (Xiangkhoang) của Lào, đoạn chảy qua Việt Nam dài khoảng 360km, tạo thành ranh giới 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại Cửa Hội. Theo một cán bộ quy hoạch nông nghiệp và thủy lợi tỉnh Nghệ An, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông Lam: do địa hình, địa chất; do khí tượng thủy văn; do tác động của con người thông qua việc đào bới, san lấp, xây dựng các công trình dân sinh, khai thác cát sỏi, xây dựng các hệ thống thủy điện, khai thác rừng đầu nguồn đến cạn kiệt. Những tác động của con người là nguyên nhân chính của sạt lở, chúng vừa tác động trực tiếp lên bờ sông, vừa tác động gián tiếp lên các yếu tố địa chất và thủy văn một cách hữu hình hoặc vô hình, làm thay đổi quy luật dòng chảy và tăng sức công phá của lũ.
Phan Ngọc