Bỏ sao đành

05/10/2014 - 16:28

PNO - PNCN - Sáu năm làm vợ anh là sáu năm nỗi đâu chồng chất lên cuộc đời chị. Ấy vậy mà chị không một lời oán trách, vẫn tận tình chăm sóc chồng khi anh nằm liệt giường. Chị ví von, phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu. Chị...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bo sao danh

“Nhờ những thang thuốc Bắc, thuốc Nam của vợ mà tôi đã tự xúc được cơm”, anh Lưu Thế Dương chia sẻ

 HỌA VÔ ĐƠN CHÍ

22g, cả ấp Thạnh Hưng (xã Thạnh Phú, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đã chìm vào giấc ngủ, chị Nguyễn Thị Thúy Phương vẫn hì hục bên thau áo quần. Chị ái ngại: “Chắc phải sau 23g em mới nói chuyện với chị được” rồi đưa mắt về phía chồng chén đĩa. Giặt đồ xong, chị còn phải rửa chén, rồi vệ sinh cho chồng. Trên bộ ván, đứa con trai mới vào lớp 1 mắt nhắm mắt mở ôm quyển tập chờ mẹ kèm viết chữ. Từ ngày chồng bị tai nạn liệt hai chân, bao nhiêu gánh nặng dồn hết lên đôi vai chị. Vừa chăm chồng chăm con, vừa bươn chải kiếm tiền, chị già hẳn so với tuổi 26.

Năm 2007, qua mai mối, chị Phương về làm vợ anh Lưu Thế Dương. Khi ấy chị mới 19 tuổi, còn anh đã ngoài 30. Ngẫm nghĩ anh lớn tuổi sẽ chững chạc, chị yên tâm khoác áo cô dâu dù chưa biết mặt mũi chồng thế nào. Những ngày đầu về làm dâu, chị thất vọng não nề, anh Dương không lo làm ăn, sống ỷ lại vào cha mẹ. Có vợ nhưng anh thích đi thì đi, thích về thì về. Anh làm thợ hồ, tiền kiếm được anh tự chi tiêu, không đưa vợ một đồng. Trong nhà, đường, gạo, mắm muối đã có cha mẹ chồng lo liệu, nên dù buồn chồng, chị không dám kêu ca. Hiểu tâm trạng con dâu, cha mẹ chồng cho phép chị ra ngoài đi làm, không phải lo cơm nước. Từ đó, chị theo mấy chị em trong xóm đi nhổ cỏ, gặt lúa thuê. Tiền kiếm được chị dành dụm chờ đón đứa con vừa tượng hình. Đúng lúc chị chuyển dạ thì mẹ chồng lâm trọng bệnh, bao nhiêu tiền bạc đều đổ vào thang thuốc cho bà. Tiền hết, đất đai cũng không còn mà bệnh tình của mẹ chồng không thuyên giảm. Phần chị, đang phải chăm con nhỏ mới sinh nên không phụ giúp gì được cho nhà chồng. Một mình cha chồng phải gồng gánh lo cho cả nhà. Trong lúc mọi thứ đều phụ thuộc vào ông thì ông đột ngột qua đời sau cơn tai biến, cả gia đình rơi vào ngõ cụt. Đau buồn trước cái chết của ông, mẹ chồng chị cũng qua đời sau đó không lâu.

Từ ngày làm dâu, cha mẹ chồng luôn là chỗ dựa vật chất lẫn tinh thần cho chị, nên khi hai người mất đi, chị như rơi xuống vực. Trong lúc chị loay hoay tìm đường lo liệu thì may sao anh Dương như “choàng tỉnh”. Anh không còn la cà, mà chăm lo kiếm tiền phụ vợ nuôi con. Những ngày không theo công trình, anh cũng không nhậu nhẹt, ở nhà trông con cho chị đi nhổ cỏ thuê. Những tưởng cuộc sống sẽ bình lặng trôi qua, đâu ngờ tai ương thêm lần nữa ập xuống. Một hôm trên đường đi làm về, anh Dương bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Trong quá trình điều trị cho anh, bác sĩ phát hiện ngoài chấn thương do tai nạn, anh còn bị lao cột sống. Bệnh viện yêu cầu chuyển lên tuyến trên nhưng anh khăng khăng không đi. Chị biết chồng không chịu vì trong nhà chẳng còn đồng nào. Mãi đến khi thấy anh không thể đứng được nữa, chị mới bất chấp lời chồng, chạy vay xóm giềng đưa anh lên TP.HCM chữa trị. Mặc dù đã được mổ cấp cứu kịp thời, nhưng ca phẫu thuật chỉ giành lại sự sống cho anh, còn đôi chân thì vĩnh viễn bất động.

Gửi lại con trai mới hai tuổi cho mẹ ruột chăm sóc, chị ngày đêm túc trực bên chồng. Suốt ba tháng ở bệnh viện, chị kiên trì luyện tập cho anh, nhưng kết quả không khả quan, diễn biến bệnh tình của anh ngày càng xấu. Cuối cùng, bác sĩ khuyên chị đưa anh về. Chị ngậm ngùi: “Bác sĩ bảo đôi chân của anh không chữa trị được nữa, anh sẽ nằm một chỗ đến hết đời. Không chỉ vậy, bệnh sẽ còn biến chứng…”.

Từ ngày biết mình không thể hồi phục, anh Dương rơi vào trạng thái hụt hẫng, chán chường, thường xuyên quát tháo, cau có. Mỗi lần thấy mặt vợ là anh nạt nộ, chửi bới, cơm nước vợ mang đến, anh hất tung tóe. Hiểu rằng chồng trái tính vì buồn bực bệnh tật, chị luôn nín nhịn, nhẹ nhàng chăm sóc anh. Về sau, nhờ hàng xóm, anh chị em mỗi người một câu khuyên nhủ, anh mới chấp nhận hoàn cảnh bệnh tật của mình và thôi quát mắng chị.

Bo sao danh

22g, hàng xóm xung quanh đã ngủ say, chị Phương vẫn còn ngồi giặt giũ quần áo

MỘT NGÀY CŨNG NGHĨA VỢ CHỒNG

Nhắc lại thời gian qua, giọng chị nghèn nghẹn, bởi không sao đếm hết những vất vả, cơ cực chị đã trải. Chị vẫn nhớ như in cái ngày đưa chồng trở về, nợ nần chồng chất, con thì nhỏ dại. Việc làm thuê không thiếu, nhưng lấy ai chăm chồng, giữ con cho chị đi làm. Chị cứ loay hoay mai gửi con người này, mốt gửi con người nọ. Chị cũng không dám đi làm xa, chỉ nhận làm thuê vài ba công ruộng gần nhà để trưa còn tranh thủ chạy về cho anh ăn uống, vệ sinh. Nhưng đâu ai rảnh rỗi mà giữ con mãi cho chị, chị đành phải bỏ công việc vốn thuận tay để tìm kiếm công việc khác. Chị bế con lần dò ra thị trấn tìm việc, từ rửa chén, bưng bê cho đến bốc vác. Việc gì chị cũng làm, cơ cực chẳng ngại, chỉ mong sao có tiền mua cho con hộp sữa, cho chồng miếng thịt. Buổi trưa, chị tranh thủ về nhà nấu cơm cho chồng. Thương hoàn cảnh của chị, một chị bạn thuê chị dọn dẹp nhà cửa và giới thiệu chị cho một vài nhà khác. Từ đó, nghề giúp việc nhà theo giờ “bén duyên” với chị. Ba năm qua, mỗi ngày chị “chạy sô” từ 6g sáng đến tận 21g. Về đến nhà thì tất bật lo cơm nước, tắm rửa vệ sinh cho chồng con rồi dọn dẹp nhà cửa. Hôm nào cũng ngót nghét nửa đêm chị mới ngả lưng. Công việc tuy vất vả, nhưng mang lại cho chị nguồn thu nhập đủ để ổn định cuộc sống.

Dù bác sĩ khẳng định bệnh của anh không còn phương cứu chữa và sẽ ngày càng xấu đi, thế nhưng niềm tin và hy vọng anh hồi phục vẫn âm ỉ trong chị. Chị nghẹn ngào: “Tôi vẫn hy vọng có một phép màu nào đó giúp anh hết bệnh”. Chị không ngại vất vả, tìm kiếm sắc cho chồng từng chén thuốc Nam, thuốc Bắc. Nghe ở đâu có thầy thuốc hay, chị đều tìm đến. Chị bộc bạch: “Thì mình phải cầu may thôi, chứ đâu thể để anh nằm chờ chết. Nhìn anh như vậy, tôi đau lắm chứ!”.

Bà Phương Lam, thím dâu bên chồng của chị, chia sẻ: “Không biết những thang thuốc Bắc, thuốc Nam có tác dụng, hay nhờ tấm lòng của nó mà mấy năm qua bệnh tình thằng Dương không hề diễn biến xấu như bác sĩ tiên lượng, ngược lại Dương còn tự xúc cơm ăn, tự nghiêng người đi tiểu được, không cần vợ đỡ như trước”.

26 tuổi, cuộc sống phía trước của chị còn rất dài, hỏi chị có bao giờ chán nản hay có ý định bỏ rơi anh, chị cười hiền: “Anh bị như vậy, mình bỏ sao đành, một ngày cũng nghĩa vợ chồng. Hơn nữa mình còn có con cái, bỏ rơi chồng trong lúc bệnh tật thì biết ăn nói sao với con… Mà thật tình bây giờ tôi lại sợ mất anh hơn. Cứ nghĩ đến cảnh nhà cửa trống trước trống sau, hai mẹ con ra vào thui thủi là tôi sợ. Chỉ cầu mong một phép màu…”.

NHƯ PHONG

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI