Bộ sách lớp Một mới với chủ trương “thực học, thực nghiệp”

18/12/2019 - 07:49

PNO - Với bộ sách giáo khoa mới, những người biên soạn hướng tới phát triển các năng lực cốt lõi của học sinh. Sau khi học xong, học sinh làm được những gì là điều mà nhóm tác giả quan tâm nhất.

Đó là thông tin được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1, cho biết tại buổi giới thiệu bộ SGK lớp Một (bộ SGK Cánh Diều) theo chương trình giáo dục phổ thông mới chiều 17/12. 

Thực sự giảm tải

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới được xác định nhằm phát triển đầy đủ các năng lực, phẩm chất người học.

“Ngay từ những bài học đầu, sách đã có nhiều bài tập đọc thú vị, hấp dẫn dựa trên những chữ và vần mới học. Nhờ đó, học sinh không quên chữ, vần đã học, đồng thời đọc, viết nhanh và chính xác hơn. Ở phần luyện tập tổng hợp, sách có thêm các bài hướng dẫn học sinh tự đọc sách, tạo lập các văn bản đa phương thức, tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm học tập...”, giáo sư Thuyết nói.

Bo sach lop Mot moi voi chu truong  “thuc hoc, thuc nghiep”
Sách giáo khoa lớp Một - bộ sách Cánh Diều

Trong khi đó, đối với môn toán, giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên SGK Toán 1, cho rằng: “Giáo dục toán học ở chương trình hiện hành, nhất là với tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức hiểu được nó phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt”.

Giáo sư Thái ví dụ, trẻ sáu tuổi, đọc, viết chưa được, các cô phải đút cho ăn nhưng phải xây dựng tập số tự nhiên bằng cả hai tiên đề. Một loại là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở  đếm một con bò, một con gà, một con mèo ra con số 1. Hai bông hoa, hai cốc nước thì ra con số 2. Đồng thời có hệ tiên đề đằng sau đó là số liền trước, số liền sau. 

Trưởng khoa Toán - Tin Trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng cùng nhận định: “Bây giờ tôi đố giáo viên dạy toán cấp I có thể trả lời đúng hết. Thế mà học sinh điềm nhiên phải học như thế. Học hình học trẻ phải học biểu tượng cụ thể sờ nắm được, quan sát được rồi mới tới các khái niệm trừu tượng, nhưng học sinh của ta học ngay đường thẳng. Có ai giao cho học sinh đường thẳng để cầm? Điều đó dẫn đến thực tế, môn toán trở thành nỗi khiếp đảm với rất nhiều bạn nhỏ”.

Giáo sư Thái khẳng định: “Chúng ta phải thực hiện chủ trương thực sự giảm tải và giảm tải một cách hợp lý. Toàn bộ bộ sách Cánh Diều, chúng tôi muốn mở toang cánh cửa nhà trường để cuộc sống tràn vào và nó phải gắn vào cuộc sống, biến thành năng lực để giải quyết được vấn đề thực tiễn sau này”. Do đó, SGK Toán 1 được viết trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học sinh học được dưới sự giúp đỡ của cha mẹ, bạn học.

Gắn với thực tế cuộc sống

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Tổng chủ biên sách tự nhiên và xã hội, cho hay SGK mới tổ chức dạy học theo mô hình dạy học tích cực, gắn với cuộc sống hằng ngày của học sinh. Các em học từ những cái gần gũi nhất với cuộc sống.

“Để thực hiện cho các em tìm tòi, khám phá, chọn chủ đề phù hợp thì chúng tôi đưa ra những tình huống, cho các em nhận ra đâu là đúng, đâu là sai để nhận biết được đúng, sai. Chúng tôi xây dựng hai tuyến nhân vật, cho học sinh tự giải quyết tình huống. Chúng tôi lựa chọn chủ đề an toàn, bài học nào cuối cùng các em cũng phải đi đến cái kết là an toàn”, ông Tuấn giới thiệu.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuyến, Tổng chủ biên môn mỹ thuật, chia sẻ trước đây với môn mỹ thuật, học sinh chỉ được học vẽ tranh và nặn tượng, nhưng ở bộ sách Cánh Diều, tất cả trong đời sống hằng ngày đều hiện diện. Ví dụ học sinh được học thiết kế thời trang ở phương diện nhận diện, thay vì phải đọc chữ, học sinh được nhìn hình, nội dung kênh chữ dành cho học sinh và giáo viên hỗ trợ thêm. Học sinh có quyền học nghệ thuật, sau này lập nghiệp, chứ không đơn giản là một khối kiến thức.

Theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc nhà xuất bản Đại học Sư phạm (thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội), Cánh Diều cũng là bộ SGK duy nhất hiện nay đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mỹ thuật 1, Giáo dục thể chất 1 và hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1). Bộ sách được biên soạn trên cơ sở thực hiện chủ trương “thực học, thực nghiệp” và bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước khi bộ sách ra mắt, đã có một số giáo viên, học sinh được dạy và học thực nghiệm (ví dụ Trường tiểu học Thăng Long…). Đa số giáo viên và học sinh cho biết, bộ sách đã đem lại nhiều hứng thú cho việc dạy và học. Sách có nhiều hình ảnh sinh động, gắn với thực tế cuộc sống… 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI