Bó rau muống 10.000 đồng, phí xét nghiệm vài triệu đồng!

29/08/2018 - 07:00

PNO - Đại diện nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, muốn làm nông nghiệp “sạch” nhưng phải đối mặt với những quy định hết sức tréo ngoe.

Tại hội nghị “Gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp (DN) về việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức ngày 27/8, bà Lê Hà Mộng Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nấm Việt - cho biết, 2 năm nay, bà di chuyển giữa TP.HCM và TP.Hà Nội nhiều lần, tốn hàng trăm triệu đồng mà vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm nấm linh chi.

Với sản phẩm này, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế. Theo quy định, cứ 3 năm, phải làm chứng nhận một lần. 

Bo rau muong 10.000 dong, phi xet nghiem vai trieu dong!
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, có quá nhiều ràng buộc không cần thiết khi đầu tư vào nông nghiệp TP.HCM.

Bà Ngọc chia sẻ, bà muốn làm thủ tục một cách đàng hoàng, đúng quy trình và sẽ không chi một đồng “bôi trơn” nào. Kết quả là, sau gần 2 năm, vẫn chưa xin được giấy chứng nhận cho sản phẩm.

Bà Ngọc kể, theo hướng dẫn của cục, có thể nộp hồ sơ qua mạng, nhưng nhiều lần bà nộp trực tuyến, phía cục cứ nói chưa nhận được hồ sơ. Cuối cùng, bà Ngọc ôm cả máy tính ra văn phòng cục, nhờ nhân viên của cục thao tác tại chỗ. Nộp được hồ sơ rồi, cục lại cho biết đã thay đổi chính sách. 

Đại diện HTX Nấm Việt còn  bức xúc vì hàng loạt bất cập trong việc kiểm định sản phẩm. HTX của bà trước nay có khoảng 12 sản phẩm mang đi kiểm định, mỗi mẫu mất 3 triệu đồng; cứ 6 tháng, phải mang từng mẫu đi kiểm tra các chỉ tiêu một lần.

Sắp tới, số lượng sản phẩm lên đến gần 40, chỉ nghĩ đến phí kiểm định, đã thấy hoảng hồn. “Bó rau muống bán ra chỉ có 10.000 đồng mà mang đi kiểm định mất vài triệu đồng” - bà Ngọc than.

Cùng cảnh ngộ, ông Trần Nguyễn Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nguyễn Trần - cho biết, ông đang đầu tư vào trái cây sạch xuất khẩu. Muốn  đưa trái cây xuất khẩu đi Nhật, Mỹ, tất cả sản phẩm đều phải được DN kiểm tra các chỉ tiêu.

Mỗi thị trường lại yêu cầu những chỉ tiêu khác nhau, nhưng mỗi mẫu trái cây đem đi kiểm định, tốn ít nhất 3 triệu đồng. Chi phí này không thể khuyến khích DN và nông dân làm sản phẩm “sạch”.

Ông Lê Thế Khải - Giám đốc HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông (H.Củ Chi) - cho rằng, còn khá nhiều thủ tục hành chính làm vướng chân HTX. Tại HTX của ông, trong quá trình sản xuất loại bánh truyền thống, phải xét nghiệm nguồn nước, mẫu nước làm bánh tráng phải đáp ứng 109 chỉ tiêu, kinh phí xét nghiệm gần 20 triệu đồng, cứ 3 năm phải làm lại một lần.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, mục tiêu của TP.HCM là đến năm 2020, có khoảng 1.500 DN đầu tư vào nông nghiệp.

Trước rất nhiều khó khăn mà đại diện các DN nêu ra, ông Nguyễn Phước Trung - giám đốc sở này - cho rằng, có khá nhiều kiến nghị của DN vượt phạm vi của sở, nên sở sẽ kiến nghị lên UBND TP.HCM và các cơ quan chuyên trách ở cấp cao hơn.

Ông Khải cho rằng, việc này không cần thiết, gây tốn kém. Thấy bất cập, ông Khải lấy mẫu nước máy (nước thủy cục) từ hệ thống cấp nước quốc gia mang đi kiểm tra, kết quả cũng không đạt. Ông không biết phải lấy nước ở đâu để đủ tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất.

Không những vậy, mỗi năm, công nhân làm việc tại HTX phải dự tập huấn bắt buộc về an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều lần, trong khi nội dung tập huấn chỉ có một bài duy nhất là rửa tay, mang khẩu trang.

Đại diện một DN cho rằng, TP.HCM có khá nhiều chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng nền tảng nông nghiệp của TP.HCM lại chưa đáp ứng được yêu cầu của DN.

Chẳng hạn, DN trồng dưa lưới theo công nghệ cao khi chuyển trang trại từ Đồng Nai vào TP.HCM lại chẳng có đất; muốn thuê đất của nhà nước để làm dài hạn, lại không có. Tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, đất trống rất nhiều nhưng hầu hết là đất của tư nhân.

Từ khi dời về TP.HCM vào năm 2015, DN này đã phải hai lần di dời trang trại và hiện đang chuẩn bị di dời lần thứ ba, là do tư nhân đẩy giá cho thuê lên quá cao hoặc không cho thuê nữa vì đã chuyển đổi thành đất xây dựng, phân lô bán nền.Mỗi lần di chuyển, DN tốn hàng tỷ đồng.

Đại diện một số DN, HTX còn cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp hiện nay thường phải gắn với các cơ sở chế biến, sơ chế nông sản để đảm bảo chất lượng, nhưng luật lại không cho phép xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, nên nhiều nhà đầu tư phải bỏ ngang kế hoạch của mình. 

Đăng Thư
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI