Bỏ “ra lệnh” để hôn nhân dài lâu

24/01/2024 - 21:09

PNO - Ta vẫn gặp những đôi mái đầu đã bạc đi bên nhau ngời ngời hạnh phúc? Bí quyết của họ là gì?

Thuật ngữ “ly hôn xám” hay “ly hôn  hoa râm”, nói rõ hơn là ly hôn sau tuổi 50, không còn là chuyện lạ với nhiều người, nhất là ở các nước phát triển. Chỉ trong vài thập niên gần đây, tỉ lệ này tăng đột biến. Tạp chí Lão khoa của Mỹ cho biết, hiện ở quốc gia này, cứ 4 người trên 50 tuổi thì có hơn 1 người ly hôn, mà quá nửa trong số đó từng có trên 20 năm chung sống. Đó là thống kê từ năm 2017 và con số vẫn ở mức đó đến nay. 

Phải chăng có điều gì đó đang xảy ra giữa những người đã đi cùng nhau quá nửa cuộc đời? Người ta nhìn hiện tượng này từ nhiều phía và đưa ra nhiều lý giải khác nhau. Trước hết là ý nghĩa của hôn nhân đã thay đổi. Kỳ vọng của chúng ta đối với những gì tạo nên thành công trong hôn nhân đã thay đổi theo thời đại.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trước kia, người ta quan niệm phải sống có đôi rồi sinh con đẻ cái mới là hạnh phúc. Người độc thân, bất kể thành đạt hay không, vẫn bị xem là lẻ loi và thường bị nhìn bằng con mắt ái ngại. Nhưng bây giờ, một cuộc hôn nhân có tốt đẹp hay không được xác định bằng những câu hỏi như: Cuộc hôn nhân này có khiến tôi hạnh phúc hơn là sống độc thân không? Cuộc hôn nhân này có góp phần hoàn thiện con người tôi không? Nếu câu trả lời là “không” thì ly hôn là điều có thể chấp nhận được.

Ngày nay, đa số phụ nữ có khả năng độc lập về kinh tế, cho phép họ có những lựa chọn khác nếu hôn nhân không hạnh phúc. Điều này, các thế hệ trước hầu như không có, vì phụ nữ thời đó đi lấy chồng chỉ có 2 bàn tay trắng, sống hoàn toàn phụ thuộc vào nhà chồng. Điều họ sợ nhất là ly hôn thì sống như thế nào, sống bằng gì. Đa số họ ở nhà nội trợ, tuy vất vả, nhưng không được trả lương mà trông vào thu nhập của chồng. 

Có một nguyên nhân nữa mà các thế hệ trước không có là tuổi thọ của con người ngày nay cao hơn. Tuổi thọ trung bình thời trước chỉ vào khoảng 60 tuổi. Nếu 55 tuổi còn đưa nhau ra tòa ly hôn, người ta bảo “Sắp xuống lỗ rồi còn lắm chuyện”. Nhưng ngày nay, nếu  bạn đang ở tuổi 60, cuộc sống của bạn có thể còn kéo dài gần 20 năm nữa - một khoảng thời gian đáng kể của đời người. Bạn có muốn tiếp tục đồng hành với người mà bạn không còn hạnh phúc nữa hay bạn muốn tách ra để được làm những gì bạn thích theo cách của mình?

Vì thế nếu bạn muốn tiếp tục cuộc hành trình với người bạn vẫn còn yêu, bạn phải tôn trọng tự do của họ mà không được gây sức ép buộc họ phải sống theo ý mình. Ví dụ một người thích đi du lịch, người kia thích đi khiêu vũ thì một là bạn phải tự điều chỉnh mình có cùng sở thích với họ, hai là tôn trọng sở thích của nhau, không ngăn cản hay chế giễu người kia làm họ khó chịu, họ sẽ không muốn chung sống với bạn nữa.

Với cái nhìn tích cực, hiện tượng ly hôn của người lớn tuổi là dấu hiệu đòi hỏi hôn nhân phải có chất lượng hơn chứ không phải “méo mó có hơn không” như ngày xưa. Tuy nhiên, có một thực tế là 2 người sống cùng nhau nhiều năm tất phát sinh nhàm chán. Đó là quy luật bất khả kháng của tâm lý học.

Vợ chồng trò chuyện với nhau là hạnh phúc, nhưng chung sống lâu năm, nói mãi hết chuyện, gặp người mới lại có chuyện để nói, để nghe. Nhưng các nhà tâm lý lưu ý rằng, ở đời không có cái gì mới mà cứ mới mãi. Đến một lúc nào đó, cái lạ sẽ biến thành quen, lúc đó bạn lại khăn gói lên đường đi tìm cái mới khác hay sao? Nên biết rằng, mỗi lần ly hôn không đơn giản chút nào mà kéo theo nhiều hệ lụy cho cả những người thân yêu của bạn nữa. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Dù sao, ta vẫn gặp những đôi mái đầu đã bạc đi bên nhau ngời ngời hạnh phúc? Bí quyết của họ là gì? Phải chăng sợi dây liên kết giữa họ chính là sự quan tâm đến nhau? Họ không chỉ nghĩ đến “cái tôi” của mình. Họ luôn nghĩ đối tác mong muốn ở mình điều gì chứ không chỉ nghĩ ta cần gì ở họ.

Cuộc sống hôn nhân ngày nay luôn đòi hỏi những kỹ năng chứ không phải bản năng chỉ làm theo cái gì mình thích mà không cần biết người hôn phối có thích hay không? Khi 2 người sống với nhau bình đẳng, không ai có quyền “ra lệnh” mà chỉ có quyền “đề nghị”, kể cả ở chốn phòng the cũng không làm điều gì mà người kia không thích.

Những việc này, nói thì dễ nhưng làm không dễ, song cũng không vượt quá khả năng của người bình thường. Điều quan trọng là bạn có muốn làm không hay chỉ muốn chia tay đi tìm cuộc sống khác? 

Chuyên viên tâm lý Trịnh Trung Hòa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI