Bộ khung để nghệ sĩ dựa vào
Dự thảo bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xây dựng đang được dư luận quan tâm. Ở thời điểm một số nghệ sĩ Việt liên tục có những phát ngôn, việc làm thiếu thận trọng, cần phải chấn chỉnh, sự xuất hiện của bộ quy tắc ứng xử cho thấy bước đi phù hợp, kịp thời từ phía cơ quan chức năng.
Bộ quy tắc ứng xử sẽ dùng chung cho nhóm nghệ sĩ thuộc sự quản lý của các đơn vị nhà nước và cả nghệ sĩ tự do. Nhóm quy tắc ứng xử sẽ được áp dụng khi nghệ sĩ xuất hiện trên các phương tiện báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng.
Cụ thể, bộ quy tắc có các quy định cho từng nhóm hành vi ứng xử khác nhau. Đơn cử trong hoạt động nghề nghiệp, nghệ sĩ phải nỗ lực sáng tạo các sản phẩm có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ. Trong ứng xử với đồng nghiệp, nghệ sĩ phải hỗ trợ, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Trong hoạt động xã hội, nghệ sĩ phải có trách nhiệm, tích cực đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng; có lối sống trong sáng, lành mạnh…
Đặc biệt, nghệ sĩ không được tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng, tuyệt đối không tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Chưa hết, nghệ sĩ phải luôn trung thực trong phát ngôn với báo chí, không đăng tải, lan truyền thông tin chưa kiểm chứng, nội dung vi phạm pháp luật hay công kích trên mạng xã hội…
|
Bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp các nghệ sĩ hạn chế những hành động không đẹp, sai trái |
Hiện bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của các hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ. Theo Bộ VH-TT&DL, đó sẽ là bộ khung để nghệ sĩ dựa vào, tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau. Nghệ sĩ nhìn vào đó để cân chỉnh hành vi sao cho phù hợp.
Kỳ vọng những hình ảnh nghệ sĩ đẹp hơn
Công chúng đang đặt kỳ vọng lớn vào bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, nhưng nhìn vào thực tế để thấy, ngoài vấn đề thời gian - yếu tố cần thiết để việc thực thi đi vào quy củ, thì “sức nặng” của từng quy tắc là điều quan trọng.
Còn nhớ tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tự do, xây dựng chuẩn mực đạo đức trên không gian mạng. Điều này từng được công chúng đặt kỳ vọng, nhưng sau gần ba tháng ban hành, thì việc thực thi vẫn chưa triệt để. Trong những tháng qua, trên mạng xã hội vẫn “đặc quánh” thông tin tiêu cực. Một nữ doanh nhân liên tục livestream tố nghệ sĩ “ăn chặn” hàng trăm tỷ đồng từ thiện, mặc sức chửi bới nghệ sĩ không cần biết đúng - sai. Đáng nói, người này không chia sẻ “những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy” (như bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội yêu cầu), mà chỉ nói mơ hồ là “theo giấc mơ”, theo thông tin cá nhân có được. Hay mới nhất, ca sĩ N.P.T. cũng vừa đăng lên trang cá nhân dòng trạng thái có từ ngữ nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm. Dường như, quy tắc “không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục” trong bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng chưa được nam ca sĩ hiểu rõ.
|
Bộ quy tắc yêu cầu nghệ sĩ phải có trách nhiệm, minh bạch trong hoạt động từ thiện. |
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hay bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ sắp được ban hành, chỉ mang tính định hướng hành vi, không có các chế tài như luật để xử phạt. Do đó, muốn hiệu quả, khâu tuyên truyền phải mạnh và quan trọng nhất là nghệ sĩ phải ý thức thực hiện. Tuy nhiên, lâu nay, không thiếu trường hợp nghệ sĩ cố tình không hiểu. Như việc mới đây, Angela Phương Trinh lại tiếp tục lan truyền thông tin sai sự thật và giới thiệu sản phẩm địa long trị được COVID-19.
NSND Đặng Xuân Hải, quyền điều hành Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết: “Tôi thấy vấn đề hành vi ứng xử của con người, không tính riêng nghệ sĩ đã được quy định từ lâu đời như làm sao sống đẹp, sống có trách nhiệm. Tôi đang chờ và hy vọng sẽ có những quy tắc cụ thể”.
Trong một lần trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cho biết: “Từ trước đến nay, những quy định chung nói về trách nhiệm của người nghệ sĩ trước công chúng đã có. Ví dụ như chuyện làm sao để nghệ sĩ giữ hình ảnh, làm sao sống đúng, sống đẹp cũng đã được nhắc đến nhiều lần”. Điểm khác mà ông thấy trong Dự thảo bộ quy tắc ứng xử đang dần hoàn thiện, là sẽ có nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động của nghệ sĩ trên môi trường mạng xã hội, như việc nghệ sĩ quảng cáo, làm từ thiện hay các nội dung mà họ đăng tải trên mạng.
Sự kỳ vọng về một bộ quy tắc ứng xử có thể đưa các hành vi của nghệ sĩ vào khuôn khổ, cư xử đúng mực, đạo đức là điều công chúng chờ đợi. Tuy nhiên, quy tắc làm sao để cụ thể, có hiệu quả là trách nhiệm của phía cơ quan chức năng, nơi ban hành bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ và các đơn vị được Bộ VH-TT&DL lấy ý kiến. Ví như quy tắc nghệ sĩ “phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện”, thì minh bạch bằng hình thức nào, trách nhiệm được thể hiện ra sao? Những điều này phải được cụ thể hóa, vì với con số quyên góp từ cộng đồng lên tới hàng trăm tỷ đồng như thời gian qua, thì không thể đưa ra quy tắc chung chung, sẽ khó để đánh giá nghệ sĩ đang làm đúng hay chưa tròn nhiệm vụ.
Hiện tại đang là thời gian quý giá để các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cùng hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Và các nghệ sĩ cũng chờ đợi ở những điều mà bộ quy tắc này quy định, bởi họ cũng luôn kỳ vọng hình ảnh của mình trong mắt công chúng luôn tốt đẹp, chuẩn mực.
Diễm Mi