Khi xã hội đang tràn lan những livestream, đăng tải thông tin thiếu chuẩn mực, ngôn ngữ phản cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tiết lộ đời tư người khác, nghệ sĩ quảng cáo không đúng sự thật... không ít người kỳ vọng, Bộ Quy tắc Ứng xử trên mạng xã hội mới được ban hành sẽ giảm thiểu những nội dung “rác”, độc hại trên mạng xã hội. Tuy nhiên, bộ quy tắc có thực sự giúp giải quyết được những vấn đề đang tồn tại?
Không dễ áp chế về mặt hành chính, luật pháp
Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an) cho biết: “Việt Nam hiện có 64 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 97 triệu dân. Nếu không có những định hướng cho việc sử dụng mạng xã hội, thì người dùng rất dễ vi phạm quy định của pháp luật. Việc ra đời Bộ Quy tắc Ứng xử trên mạng xã hội là hết sức kịp thời.
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để định hướng cho các bên ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với yêu cầu pháp luật. Bên cạnh các lợi ích như các hoạt động có ích cho cộng đồng, phản biện xã hội, thông đạt các vấn đề cá nhân đến với xã hội, thì mạng xã hội cũng đang ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, như dễ bị lôi kéo các cá nhân vào các hoạt động trái pháp luật, vô tình hoặc cố ý lan truyền các thông tin xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác”.
|
Nhiều nghệ sĩ livestream bán hàng, quảng cáo không đúng sự thật, gây bức xúc dư luận thời gian qua |
Không phủ nhận ý nghĩa của bộ quy tắc ứng xử, nhưng chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cung cấp một góc nhìn khác: “Có thể, bộ quy tắc đó là cần thiết, để thể hiện sự cùng quan điểm của xã hội về giá trị, nhưng sẽ không có tác dụng điều chỉnh hành vi của người tham gia mạng xã hội, cũng như không ràng buộc về mặt pháp lý”. Theo ông Vinh, chúng ta cần có những quy tắc được pháp lý hóa, đặc biệt là đối với các hành vi thóa mạ, bêu rếu, tiết lộ đời tư cá nhân…
Ông lưu ý: “Thay đổi thói quen để thay đổi hành vi sử dụng mạng xã hội không phải là vấn đề dễ áp chế về mặt hành chính, luật pháp; việc giáo dục, tuyên truyền trong cộng đồng, từng nhóm công chúng nhỏ, đều rất cần thiết. Điều chỉnh cách nghĩ của công chúng còn quan trọng hơn việc sử dụng các biện pháp hành chính và pháp luật”.
Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì tốt, song không phải vì không có bộ quy tắc đó mà các cá nhân muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. “Không gian mạng chính là không gian giao tiếp mở rộng, có những văn bản quy định đặc thù. Nhưng trong giao tiếp giữa người với người, vẫn phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau trong một xã hội tự do, thượng tôn pháp luật. Ở đó, mỗi công dân đều được pháp luật ghi nhận và bảo vệ về quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh, tự do bí mật đời tư, quyền về danh dự, nhân phẩm và uy tín”, luật sư Cường bày tỏ.
Cần sớm hoàn thiện luật
Theo Nghị quyết 100/2019/QH14 (được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2019), Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phải đến khi dư luận bức xúc trước những hiện tượng livestream “bóc phốt”, quảng cáo sai sự thật, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, xúc phạm người khác… liên tục xảy ra gần đây, Bộ Quy tắc Ứng xử trên mạng xã hội mới được gấp rút hoàn thiện và ban hành.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những yếu tố nhân thân phi tài sản, thể hiện phẩm chất, đạo đức và giá trị của mỗi cá nhân, là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình".
Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào, thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM)
|
Trong sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ thể hiện quyền tự do ngôn luận của người dân, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về xã hội và pháp lý. Đến lúc này, Bộ Quy tắc Ứng xử mới được ban hành, e rằng hơi trễ. Chưa kể bộ quy tắc đó chỉ mới mang tính điều chỉnh về mặt đạo đức, chứ chưa thể điều chỉnh về mặt pháp lý.
Ông Lê Quốc Vinh nhìn nhận, hiện chúng ta có các quy định pháp luật trong hoạt động thông tin trên mạng, song mức độ và tính thực thi chưa được đầy đủ, sắc sảo. Việc truyền thông để đạt được sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng đối với các quy định pháp lý cũng chưa tốt, nên hiệu quả thực thi chưa cao. Ví dụ, luật quy định không được nhục mạ, tiết lộ bí mật đời tư, nhưng chưa định nghĩa thế nào là nhục mạ cá nhân, hay tiết lộ bí mật đời tư. “Tôi nghĩ, những điều đó cần cụ thể, rõ ràng, minh bạch và thống nhất hơn. Chế tài xử phạt cần mang tính răn đe cao để tránh tình trạng nhờn luật”, chuyên gia Lê Quốc Vinh góp ý.
Cùng với sự cần thiết sớm cập nhật và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, trung tá Đào Trung Hiếu cũng nói thêm: “Công dân cần tìm hiểu và nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật về ứng xử trên không gian mạng, để tự kiểm soát những phát ngôn của mình trong khuôn khổ pháp luật, đồng thời biết cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nếu bị xâm hại. Mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần xác định rõ trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn, lường trước các hậu quả pháp lý có thể gánh chịu, để điều chỉnh hành vi phù hợp với khuôn khổ pháp luật cho phép”.
Cốc Vũ