Bộ quy tắc ứng xử có đủ làm Hà Nội thanh lịch?

05/11/2014 - 11:04

PNO - PNO - Nhiều người dân cho rằng, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa trình UBND TP khó có thể lay chuyển được cách ứng xử đang ngày càng tệ đi ở Thủ đô ngàn năm văn hiến.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bo quy tac ung xu co du lam Ha Noi thanh lich?

Xếp hàng ăn phở trong Phố cổ Hà Nội, khách hàng không cẩn thận là ăn mắng như chơi - Ảnh: Thúy Hằng.

Hãi hùng với văn hóa của người bán hàng

Đinh Sang bạn tôi, 35 tuổi, người Mỹ gốc Việt không thể quên kỷ niệm du lịch Hà Nội 3 ngày cuối tuần vừa qua: “Chúng tôi đi ăn kem Hồ Tây, xe máy đỗ tràn lan hết đoạn đường Thanh Niên, đang loay hoay tìm chỗ dựng xe trên vỉa hè thì mấy bác gái bán nước chè gần đó nhào ra mời vào uống nước. Khi biết chỉ dừng xe mua kem, bà thay giọng luôn: “Vậy thì cho xe ra chỗ khác, để lấy chỗ bán hàng”. Chúng tôi nói đây là vỉa hè, ngay lập tức bà và 2 người phụ nữ khác gần đó lao ra: “Làm sao? Làm sao? Bây giờ bọn mày muốn làm sao? Tao nói là bọn mày đứng gọn ra lấy chỗ bán hàng, được không?”. Chúng tôi sợ quá, chạy xe luôn”.

Ám ảnh Sang là những tiếng chửi bới bằng những từ ngữ rất phản cảm của những người phụ nữ bán hàng tại tất cả các con phố và các chợ của Hà Nội. Đó là lý do anh không thích đến chợ Đồng Xuân và không bao giờ dám ghé lại gần các cửa hàng trên phố Hàng Mã chụp hình, dù trước Halloween họ trang trí khá đẹp.

“Tôi hỏi đường từ Hàng Cót ra đường Yên Phụ. Ông xe ôm chỉ ra yên xe máy và bảo, đấy, yên sau là yên phụ. Có người chỉ tay lòng vòng lên không trung rồi bảo, đi mà tìm. Ôi Hà Nội”, Sang ngán ngẩm.

Bo quy tac ung xu co du lam Ha Noi thanh lich?

Khách hàng chen lấn mua kem Tràng Tiền, ăn xong bỏ lại túi nilon khắp sàn - Ảnh: Thúy Hằng.

Không bao giờ chờ đến đèn xanh

Cô bạn tên Ngọc Oanh, 25 tuổi, người dân gốc Đà Nẵng trước khi ra Hà Nội chơi phải hỏi đi hỏi lại tôi Hà Nội có lạnh không để mang theo áo len, và “mặc áo như thế nào là hợp thời tiết”.

Oanh kể: “Có lần ra Hà Nội, trời lạnh, mình mặc áo khoác da, mấy cô gái đi xe máy bên cạnh liếc nhìn tôi rồi cười phá lên với nhau rằng mình bị điên. Mình choáng quá”.

Oanh và 2 người bạn Đà Nẵng của cô từng ăn một suất bún đậu lên tới gần 100.000 đồng trong một con ngõ ở Phố cổ, vì họ nghe giọng cô là người miền trong. Khi nghe cô thắc mắc, chủ quán còn quắc mắt lại “Làm sao?” khiến các cô sợ chết khiếp.

Oanh cũng rất sốc trước việc chờ đèn đỏ rất thiếu văn hóa ở Hà Nội. Còn 5 giây nữa đèn mới chuyển xanh nhưng những người phía sau thúc còi loạn xạ. Đoàn người phóng xe đi hết khi vẫn còn 3 giây đèn đỏ.

Thói quen luôn đi trước khi đèn chuyển xanh đã “nhập” vào từ thanh niên đến người già ở Hà Nội, cũng khiến những sinh viên mới chân ướt chân ráo đến thành phố này phát hoảng.

“Một người đàn ông đeo khẩu trang, kiếng đen gầm lên khi thấy tôi vẫn chờ đèn chuyển màu: “Mày mù à, xê ra cho bố mày đi”. Tôi hãi đến tận bây giờ”, bạn tôi kể.

Mất văn hóa từ trong gia đình

“Chẳng thơm cũng thể hoa lài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, có câu ca như thế thật. Người ta cũng bảo, những người dân nhập cư đang làm Hà Nội bẩn đi, nhếch nhác đi, vô văn hóa hơn. Nhưng tại sao, cũng là đô thị có tỉ lệ dân nhập cư lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, con người nơi đây lại sống văn minh, lịch thiệp và nhân ái hơn. Họ sẵn sàng chỉ đường, cho người lạ đi nhờ xe, cười tươi vui vẻ khi mời chào mà khách không mua gì.

Có vào Đà Nẵng mới thấy người dân ở đây chấp hành luật giao thông nghiêm đến mức nào. Những ai ra đường không đội mũ bảo hiểm bị người đi đường nhìn chằm chằm như nhìn một kẻ vô học. Đèn xanh đến 1 - 2 giây xe mới đi. Đường phố lúc nào cũng sạch loáng, hiếm khi gặp người dân đổ rác bừa ra gốc cột điện…

Hôm qua, tôi đến hàng trà sữa, miếng nước đang uống suýt sặc khi cô học trò bàn bên, chừng 15 tuổi hỏi tôi giật giọng: “Này chị, tầng trên còn bàn không? Nắng vãi!”.

Còn hôm nay, vừa ngồi xuống quán bia vỉa hè trong Phố cổ Hà Nội, tôi thấy cô con gái bán hàng giật tờ menu đánh xoạch từ tay bố đẻ rồi quát lên: “Trời ơi, nhanh lên không, không phải cái này”. Ông cụ gần 80 tuổi tay run run, ngơ ngác. Ngoài kia là Hà Nội, đường đông, phố chật, bát nháo.

Có lẽ ý thức được văn hóa ứng xử trong cộng đồng ở Hà Nội đang quá báo động nên Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội đã trình UBND TP dự thảo Bộ quy tắc ứng xử.

Đây là một ý tưởng hay, nhưng e là không ăn thua. Văn hóa ứng xử cần được dạy và học từ khi con người còn trong bụng mẹ, lúc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay và gia đình là cái nôi để văn hóa ứng xử từ đó hình thành, lớn lên.

Nếu Bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội được đưa vào sử dụng, những ai làm trái, sẽ bị xử lý như thế nào?

Nó có đủ phép màu để thay đổi được văn hóa ứng xử của Hà Nội không khi ngay trong nhiều cơ quan hành chính nhà nước ở Hà Nội, người dân đến làm việc (dù cao tuổi) vẫn bị hạch sách, quát nạt (từ những người bằng tuổi con mình) như đi xin bố thí?

NGUYỄN THUÝ HẰNG (Hà Nội)

Lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội cho hay dự thảo bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội gồm các chuẩn mực ứng xử chung và các chuẩn mực ứng xử cụ thể được áp dụng cho 6 nhóm đối tượng khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội như cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng.

Đề án từng được trao giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội (giải thưởng Bùi Xuân Phái) năm 2013.

Bộ quy tắc ứng xử được xây dựng dựa trên 50.000 trang tài liệu thu thập được, bao gồm 130 đầu sách, 10 luận văn tiến sĩ, hơn 100 bài báo và tạp chí, 30 bộ tài liệu pháp lý và nội quy cơ quan có liên quan bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Ngoài ra, còn có 6.000 bảng hỏi chọn mẫu từ 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP và nhiều cuộc hội thảo lớn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI