Bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới: Chưa mừng đã lo

18/09/2013 - 14:43

PNO - PN - Không cấm nhưng không thừa nhận hôn nhân đồng giới là điểm khiến nhiều chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 không có nhiều đổi mới so với trước, thậm chí sẽ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không cấm nhưng không thừa nhận

Tại hội thảo lấy ý kiến cộng đồng người đồng tính về Dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình (ngày 17/9), TS Bùi Minh Hồng - thành viên ban soạn thảo Dự luật cho biết, trong tháng 10 tới, Bộ Tư pháp sẽ trình Quốc hội Dự luật, trong đó có quy định liên quan đến việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Theo ông Hồng, điểm nổi bật trong Dự luật là sửa đổi quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5, điều 10, Luật Hôn nhân và gia đình thành “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Bo quy dinh cam ket hon dong gioi: Chua mung da lo

Một đám cưới đồng giới diễn ra vào tháng 5/2012, tại TX.Hà Tiên, gây xôn xao dư luận ở Kiên Giang. Nguồn ảnh: Ảnh: Minh Khánh (Báo Thanh Niên)

Những nhà làm luật cho rằng, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp, trên thế giới mới chỉ có 18 quốc gia thừa nhận quyền kết hôn của những người đồng giới. Hà Lan, Canada, Pháp… thừa nhận tính pháp lý khi chung sống, sau đó mới thừa nhận hôn nhân đồng giới. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân đồng giới cần phải xem xét, cân nhắc trên nhiều khía cạnh với lộ trình phù hợp.

Quan điểm của Việt Nam hiện nay là Nhà nước và pháp luật không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo khuynh hướng tình dục và tôn trọng việc cùng sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính. Thời gian qua, đã có không ít trường hợp chính quyền địa phương có những hành động can thiệp “thô bạo” khi những cặp đôi đồng tính tổ chức lễ cưới.

Cũng theo Dự luật, quan hệ của những người đồng giới được xác lập là “sống như vợ chồng” sẽ được pháp luật quy định về quyền giải quyết hậu quả quan hệ tài sản giữa các bên khi không có đăng ký kết hôn.

Quyền “treo”?

Việc xóa bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới, theo ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, là một bước đi cho thấy sự nhìn nhận tích cực của những nhà làm luật cũng như xã hội đối với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Đây được xem là “bước đệm” để tiến tới việc xác nhận mối quan hệ hôn nhân hợp pháp. Tuy nhiên, không ít thành viên trong cộng đồng LGBT cũng như các chuyên gia còn nhiều băn khoăn về “bước đệm” này.

Lê Việt Anh - thành viên của cộng đồng LGBT cho rằng: “Việc chuyển từ cấm sang không thừa nhận tuy đã có sự thay đổi nhưng không giải quyết được những vấn đề cho các cặp đôi đồng tính, không có gì đột phá ngoài ràng buộc quan hệ tài sản. Khi dự thảo còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đầy đủ thì những người trong cuộc thấy lo nhiều hơn mừng”.

Chu Thanh Hà, một thành viên khác cũng nêu ra bất hợp lý: pháp luật mới chỉ bảo vệ người đồng tính khi mối quan hệ “chung sống như vợ chồng” tan vỡ mà chưa tính đến các vấn đề phát sinh khi họ chung sống với nhau. “Trong Dự thảo, có tới 69 quyền và nghĩa vụ mà các cặp khác giới được hưởng từ quan hệ hôn nhân, trong khi đó, các cặp cùng giới chỉ được hưởng một quyền, nghĩa vụ duy nhất từ quan hệ “chung sống như vợ chồng”, Hà nhấn mạnh.

Đây cũng là điều những nhà nghiên cứu xã hội và các chuyên gia luật băn khoăn. Hiện nay, những vấn đề nổi cộm trong quá trình chung sống của các cặp đôi đồng tính như quyền mang thai hộ, quyền nhận con nuôi, quyền đại diện và ủy quyền cho nhau… đều không được pháp luật thừa nhận.

Cụ thể, quy định hiện hành không cho phép nhận nuôi con nuôi chung giữa hai người cùng giới tính, tức chỉ một trong hai người được pháp luật công nhận là cha hoặc mẹ nuôi của đứa trẻ. Vậy sau khi chia tay, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái xem như không được đặt ra, bởi mặc nhiên đó là trách nhiệm của một người? Điều này có thực sự đảm bảo được quyền lợi và sự phát triển của trẻ? Tương tự, nếu phải đến bệnh viện, cần tiến hành phẫu thuật với sự đồng ý của người thân, thì người bạn đời đồng giới cũng không thể đứng ra làm đại diện trừ khi có thỏa thuận ủy quyền.

“Bước tiến của Dự thảo vẫn còn rất khiêm tốn, có thể nói là không nhiều thay đổi so với với quy định cấm kết hôn của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000. Bản Dự thảo chưa có những quy định thể hiện rõ thái độ của pháp luật với hôn nhân đồng tính. Nên hiểu như thế nào cho đúng về việc Nhà nước không cấm nhưng cũng không thừa nhận, đặc biệt là khi luật pháp được thực thi tại cấp cơ sở?”, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) chia sẻ. Theo TS Hồng, quyền của người đồng tính có thể sẽ bị “treo” mãi nếu pháp luật không thừa nhận hôn nhân của họ như những người dị giới.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI