Bỏ phố hay trụ lại: Tôi hối hận vì làm gánh nặng cho bao người

05/10/2021 - 20:11

PNO - Ngày ba bốn lượt, mẹ tất bật vì vợ chồng tôi. Nhìn các anh công an, nhân viên y tế đẫm mồ hôi... tôi thấy có lỗi với họ.

 

Tấm ảnh người đàn ông bị nạn trên đường về quê, lả đi trên vai cô công an bé nhỏ được chia sẻ rầm rộ trên mạng. Nhìn cảnh ấy ai cũng thương cô công an, thương cả những người tha hương đang kiệt sức trên đường về nhà.

Tôi cũng vừa chạy từ Bình Dương để về quê, nhìn tấm ảnh, tôi không khỏi xót xa và thương cảm. Giờ nằm yên ổn trong khu cách ly, nghĩ lại hành trình hơn 200 km vừa trải qua, tôi không khỏi rùng mình.

Nữ công an cổng người về quê bị nạn trên đường ĐT 741 (Bình Phước)
Nữ công an cõng người về quê bị nạn trên đường ĐT 741 (Bình Phước)

Trước ngày 30/9, nghe các nhóm đồng hương rủ nhau về quê, vợ tôi háo hức: “Mình cũng về đi anh”. Tôi lắc đầu. Mẹ tôi vừa gửi gạo, thực phẩm. Nhà đủ đồ ăn, lại sắp đi làm trở lại, sao phải về. Điều lấn cấn duy nhất của tôi là nhớ con. Bé Bún đã được gửi về nhà nội tránh dịch hơn 4 tháng. Ngày nào vợ chồng tôi cũng gọi về trò chuyện với con. Nhưng nỗi nhớ con, muốn chơi với con, bảo ban này nọ thì đâu có cuộc gọi nào thỏa mãn được.

Ngày 1/10, nghe tin chốt Bình Chánh đã mở, cả xóm trọ rục rịch dọn đồ về. Vợ tôi lại nôn nóng muốn về. Từng gia đình lần lượt rời đi. Nhiều người hành lý nhẹ nhàng vì họ xác định sẽ còn trở lại. Người không trụ nổi thì gom cả gia tài chở về. Chị Tâm, anh Hòa gửi tôi chiếc tivi và tủ lạnh. Anh Hòa nói: “Anh không lên nữa thì cho luôn”. Tôi trông theo những chuyến xe lặc lè và những cái vẫy tay tạm biệt, lòng dạ rối bời.

Tối muộn, còn lại bốn gia đình. Anh Sang ở cạnh nhà, hỏi: “Tính sao?”. Vợ tôi sợ hãi: “Mọi người về gần hết rồi, ở lại sợ ma lắm anh”.

Ba vợ tôi gọi: “Vợ chồng con về đi. Nhà mình ở giữa vườn, tự cách ly là ngon lành”. Nhìn vợ ngồi khóc thút thít ở góc nhà, tôi nói như người ngủ mơ: “Ừ, mình cũng về đi em”. Lúc đó là 22 giờ đêm 2/10.

Tôi rất sung sức nên chạy khá nhanh. Vừa qua khỏi Sài Gòn tôi bắt đầu buồn ngủ, tay lái thỉnh thoảng lạng đi. Vợ đập vai tôi, hốt hoảng: “Đừng có ngủ anh ơi”. Vài cú té của bạn đồng hành, khiến cả đoàn dừng lại. May, các anh chỉ bị xây xát nhẹ, lại gắng gượng lên xe chạy tiếp. Chúng tôi động viên nhau ráng lên, sắp về tới nhà rồi.

 

Người dân tiếp tế cho đoàn người về quê (Nguồn facebook)
Người dân tiếp tế cho đoàn người về quê (Nguồn facebook)

Dọc đường đi, người dân mang nước uống, bánh mì ra tiếp tế, cả xăng và mì gói, nước sôi để sẵn. Những cánh tay vẫy chúng tôi với nhiều thương cảm. Ánh mắt sau khẩu trang thì đầy xót xa. “Đi bình an nghe mấy đứa”, câu nói nghe dội cả lồng ngực…

Chúng tôi chỉ kịp chậm tay ga, nhận quà mà như giật lấy bởi không dám chậm lại hành trình. Tách khỏi đoàn lúc này, e rằng không đủ sức để đi một mình.

4 giờ sáng vào địa phận tỉnh nhà. Mọi người dồn lại, kẹt cứng, chờ được test nhanh và khai báo y tế. Chúng tôi vạ vật, nằm la liệt bất cứ chỗ nào nằm được, tranh thủ chợp mắt để lấy lại sức.

Chúng tôi về tới tỉnh nhà
Chúng tôi về tới tỉnh nhà (Ảnh Mai Kim Cúc)

1 giờ chiều, công an địa phương dẫn đường, đưa chúng tôi vào khu cách ly. Lúc này tôi mới dám gọi về cho mẹ. Mẹ bật khóc, giọng thảng thốt: “Trời đất ơi, mẹ đã dặn vợ chồng con ở yên trên đó rồi”.

Chỉ lát sau, mẹ đã đứng ở cổng khu cách ly, mang theo lỉnh kỉnh trái cây, bánh ngọt, cả bình cà phê cho vợ chồng tôi. Nhìn dáng mẹ còm cõi nơi cổng rào, nhìn tôi lo lắng, tôi thấy nghèn nghẹn nơi ngực. 30 tuổi rồi, tôi còn để mẹ nặng lòng thế này.

Tối hôm đó y tế thông báo đoàn chúng tôi có 4 F0, xe bệnh viện tới đưa đi ngay. Chúng tôi nhìn theo, lòng dạ rối bời. Vợ tôi khóc thút thít: “Vợ chồng mình không biết có bị gì không”. Tôi không thể trả lời vợ, bởi hình dung nếu cả hai thành F0, không biết khủng khiếp thế nào.

Mẹ gửi bình đun nước, bọc chanh, dầu xông, nước muối… căn dặn vợ chồng tôi súc họng, rửa mũi, phòng vệ cẩn thận. Tôi biết mẹ đang lo đứng lo ngồi.

Dù ngày nào khu cách ly cũng được cung cấp ba bữa ăn, nhưng mẹ không yên lòng, nấu thêm đồ ăn gửi vào. Ngày ba bốn lượt, mẹ tất bật vì vợ chồng tôi. Mỗi lần nghe mẹ gọi ra cổng nhận đồ, tôi nghe lòng trĩu nặng. Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ, không dám nhìn dáng mẹ đứng ngóng đầy xót xa...

Sắp về nhà nhưng tôi không vui, trong tôi tràn ngập cảm giác có lỗi. Các anh dân quân và cả giáo viên được huy động để nấu ăn cho chúng tôi. Ngày ba bữa, nấu mấy trăm phần ăn, tôi biết họ đuối lắm. Các anh công an thì mệt lả vì phải thu xếp cho lượng người quá lớn, nhân viên y tế thì mồ hôi nhiều tới nỗi trông họ như vừa nhúng dưới nước lên… tôi thấy có lỗi với họ.

Sáng nay nghe tin lãnh đạo tỉnh thông báo sẽ miễn phí tiền cách ly, chúng tôi vỡ òa cảm xúc.

Tôi hối hận vì đã làm gánh nặng cho xã hội, cho gia đình. Nếu suy nghĩ chính chắn hơn, tôi sẽ không về như thế này. Tôi nợ mẹ tôi, nợ xã hội một lời xin lỗi.

                                                                                                                                                                                                                                                                  Đặng Đồng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI