Bỏ phố hay trụ lại: Tôi chấp nhận chịu khổ, nhẫn nại chờ ngày quê hương đón về

04/10/2021 - 12:34

PNO - Phải chấp nhận chịu thiệt, nhẫn nại hơn, để vượt qua khó khăn này, chờ ngày quê hương bình yên đón chúng ta trở về.

Tháng 5, khi TPHCM bùng dịch và bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, vì còn việc làm nên dì cháu tôi chọn ở lại Sài Gòn.

Qua đến tháng 6, thành phố tăng cường cấp độ giãn cách xã hội, cửa hàng điện thoại mà cháu tôi làm thuê chính thức đóng cửa. Cháu thất nghiệp nhưng không kịp về với cha mẹ, còn tôi lay lắt với đồng lương bị cắt giảm.

Những tháng ngày sau đó, tôi vừa chống chọi nuôi mình vừa gói ghém gửi đồ ăn qua cho cháu.

Rồi đến lượt quê nhà cũng giãn cách xã hội. Xe trà sữa của chị gái không thể bán, anh trai đi mua ve chai cũng bó chân ngồi nhà trong khi tiền mắm muối gạo rau tăng giá từng ngày.

Bữa cơm quê càng nghèo nàn hơn. Vậy là tôi bất đắc dĩ trở thành “Mạnh Thường Quân” của cả gia đình. Chúng tôi ở lại Sài Gòn ngày ngày ngóng tin ở quê nhà, đếm số ca nhiễm COVID-19 và cầu mong quê hương bình an. 

Lý do về quê của một phụ nữ là không trụ nổi
Lý do về quê của một phụ nữ là "không trụ nổi"
Một gia đình dự tính đi xe máy về quê
Một gia đình bốn người cùng nhiều đồ đạc dự tính đi xe máy về quê

Đến tháng 9, nhiều người biết mình không thể trụ lâu ở TPHCM, trong đó có dì cháu tôi. Mấy hôm nay, hàng ngàn người lao động miền Tây đổ ra các cửa ngõ để mong được về quê. Chúng tôi cũng nóng lòng muốn về. Dẫu biết làm vậy là không đúng quy định, nhưng một khi người miền Tây đã nói “không thể trụ nổi” thì cái sự thật ấy thiệt hơn cả chữ “thật”.

Dịch bệnh đáng sợ, nhưng dịch đói gần hơn. Tôi may mắn vẫn còn công việc, còn chút ít thu nhập trong mấy tháng này, nhưng khát khao được về bên người thân gia đình luôn nung nấu.

Đó là phản xạ rất bản năng của con người. Lúc hiểm nguy, yếu đuối, khó khăn, bệnh tật chỉ muốn có người thân bên cạnh, chỉ mong nương náu chốn thân quen... Điều đó có gì sai? 

Chuyến hồi hương bất đắc dĩ này hẳn sẽ là nỗi ám ảnh trong lòng những đứa trẻ
Một gia đình mang theo bánh mì để ăn dọc đường tìm về quê
Có gia đình mang theo bình nước sôi để chế mì gói cho con ăn dọc đường
Có gia đình mang theo bình nước sôi để chế mì gói cho con ăn dọc đường. Có gia đình may mắn được người tốt đem tặng xôi, mì, bún...

Nhiều người kém may mắn hơn tôi, họ mất việc hoàn toàn, phải nợ tiền trọ, họ cố bám víu, vay mượn chắt bóp để sống suốt 4 tháng ròng, mong đến ngày hết dịch và thấy bầu trời sáng sau cơn mưa.

Nhiều người sống lay lắt, chờ các bữa ăn thiện nguyện, trông vào hàng cứu trợ của nhà nước và Mạnh Thường Quân… Nhưng đến ngày "trụ không nổi", họ phải chất nhau lên xe, lao ra hiểm nguy để tìm đường sống.

Về quê cũng chưa hẳn là đường sống, chưa hẳn sẽ đảm bảo có việc hay có tiền, nhưng ít ra sẽ không đói, sẽ có cha mẹ, anh em, bà con chòm xóm đùm túm nhau, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Rủi hơn, lỡ mắc bệnh hay có bề gì thì cũng được ở cạnh người thân trong những thời khắc nguy nan nhất. Có lẽ đó là chỗ dựa tinh thần, là niềm hi vọng của người lao động tha hương như chúng tôi.

Người ta về quê bằng bất cứ phương tiên gì: xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ
Người ta về quê bằng bất cứ phương tiên gì: xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ

Thế rồi hôm qua, nghe tin quê tôi và nhiều tỉnh nữa đề nghị hạn chế người từ tâm dịch tự phát về quê, cháu tôi buồn thiu nói: "Út ơi, quê mình từ chối mình rồi!".

Tôi cũng chạnh lòng, nhưng ngẫm lại cái lý do mình rời quê tha hương lập nghiệp cũng vì “quê mình còn nghèo quá”. Bây giờ mình và mọi người về, có những người mang theo cả virus bệnh, gánh nặng quê hương càng trĩu nặng.

Lên bản tin của tỉnh nhà đọc, tôi thấy thương quê mình hơn. Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh Trà Vinh đã mở các cửa ngõ vào tỉnh để đón nhận gần 30.000 công dân Trà Vinh từ các tỉnh thành về quê tránh dịch.

Với những người còn kẹt lại TPHCM, bà con gói ghém từ gạo, thực phẩm gửi lên cứu trợ, như cha mẹ gửi gạo nuôi con đi học xa nhà… Thế nhưng trong khả năng nguồn lực về cơ sở vật chất, dịch vụ y tế của tỉnh nhà còn hạn chế, lãnh đạo tỉnh mong công dân còn kẹt lại TPHCM cố gắng thu xếp ở lại.

Nhưng về tới cửa ngõ quê, chưa phải là về được nhà. Trong ảnh là đoàn người bị chặn lại trên cầu Cổ Chiêm, cửa ngõ vào Trà Vinh
Nhưng về tới cửa ngõ quê, chưa phải là về được nhà. Trong ảnh là đoàn người bị chặn lại ở cầu Cổ Chiên, cửa ngõ vào Trà Vinh

Tôi không nghĩ quê hương chối bỏ mình. Tôi tin rằng, nếu còn khả năng, không ai để mặc đồng hương bơ vơ bên ngoài. Và để bảo vệ sự bình yên cho tỉnh nhà, tôi chấp nhận chịu thiệt, chịu vất vả, nhẫn nại vượt qua khó khăn này, chờ ngày quê hương giang tay đón tôi về. 

Mỹ Mỹ (Q.11, TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI