Bỏ phố hay trụ lại: Nơi nào đất cũng lành

05/10/2021 - 10:30

PNO - Tôi tin xứ nào trên đất nước mình cũng là đất lành, để không sớm thì muộn, đàn chim sẽ bay về đậu.

Đến hôm nay, khi thành phố nới lỏng giãn cách được năm ngày, tôi vẫn không quen mắt khi nhìn dãy trọ năm phòng sát nhà mình trống trơn, vắng lặng.

Những người ở trọ đều là công nhân, hai phòng phía trong là hai gia đình. Hai phòng phía ngoài là tám thanh niên ở, họ là đồng hương của nhau, lúc lên thành phố sống thì người trước níu người sau.

Tôi vẫn tự nhận mình là bà chủ trọ hạnh phúc khi chưa từng phải đi đòi tiền trọ hay nhắc nợ, cũng không phải giải quyết những mâu thuẫn hay cãi cọ của những người thuê nhà.

Bốn tháng nghỉ dịch, là bốn tháng dãy trọ của tôi cửa lớn không mở, cửa nhỏ chỉ he hé. Tháng đầu tiên, họ nói: "Tụi em còn tiền, phần hỗ trợ nhường cho người khác đi chị".

Tháng thứ hai, tôi đọc được sự ngần ngừ trong mắt họ: "Tụi em xin có kỳ không chị? Toàn thanh niên khỏe mạnh thế này...". Tôi chỉ cười, ghi tên họ vào danh sách. Những khi nhận được những gói lương thực rau củ quả của những nhóm thiện nguyện, những Mạnh Thường Quân, tôi lặng lẽ đặt trước cửa phòng. Lâu lâu không có ai cho rau củ, tôi lại len lén đặt mua một ít mang chia...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng đến tháng thứ ba thì tôi đuối, tiền trọ tôi không thu (nếu thu người ta cũng không có mà đóng), tiền điện nước tôi tạm gánh giúp. Những tin nhắn đăng ký gói hỗ trợ, rồi khai báo đường link, rồi khai bằng giấy, rồi ký cam kết... gửi đi vô vọng. Chỗ chúng tôi không hề nhận được gói hỗ trợ nào.

Khi nghe thành phố gỡ chốt, bốn phòng trọ (trong đó có một phòng có con nhỏ tám tháng) quyết định về quê. Tôi đã thuyết phục họ rằng các công ty, xí nghịệp đã mở cửa hoạt động lại, sẽ có việc cho họ làm... nhưng họ vẫn khăng khăng về.

Thậm chí, tôi còn nói: "Mấy người phải đi làm mà trả tiền nhà, tiền điện nước cho tui chớ". Có người đã khóc, móc bóp lấy chứng minh nhân dân đưa tôi: "Tụi con đội ơn cô đã giúp mấy tháng nay. Con gửi cô cái này làm tin, về quê, con sẽ làm việc, kiếm tiền và trả cô sớm nhất!" 

Đến nước này thì tôi đành chịu thua. Tôi không có quê để về như họ, chứ thật lòng tôi cũng lo lắng và bất an với bệnh dịch. Bốn tháng qua, chúng tôi nương tựa vào nhau rau cháo, thu nhập của tôi lâu nay cũng dựa vào dày phòng trọ này, giờ đứt nguồn, tôi đã tiêu đến những đồng tiết kiệm cuối.

Nhìn mọi người xếp dọn đồ đạc, chất hết nồi niêu bát đũa lên cái xe máy, tôi thấy mắt cay cay. Đã chấp nhận tha phương để mưu cầu ấm no, phải thế nào mới nghĩ đến chuyện quay về. Ai chẳng muốn "vinh quy bái tổ", có ai muốn thất thểu về bấu víu cha mẹ.

Tôi len lén bán hai chỉ vàng, là hai cái nhẫn cưới, đưa cho mỗi phòng trọ một triệu đồng và ít bánh mì. 

Đi tới đâu, họ cũng nhắn tin cho tôi. Trên đường đi, họ được bà con hai bên đường tặng xăng, thức ăn, nước uống, cả khăn lạnh để lau mặt cho tỉnh táo. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sáng nay, tám thanh niên đã về tới quê, được tỉnh nhà sắp xếp vào khu cách ly. Chiều qua, hai gia đình trẻ cũng về tới quê, đang cách ly cách nhà hai cây số. Ông bà của đám trẻ đã hay tin, gửi thức ăn cho họ.

Một chàng trai nhắn cho tôi: "Về tới rồi, tụi con vẫn chưa tin là thật. Tụi con đã bị chặn lại, sau đó được các anh công an dẫn đường, phát bánh mì, nước uống và thu xếp chỗ nghỉ chân. Tụi con làm nhiều người vất vả quá. Hồi nãy con mang bánh mì ngọt của cô ra phát cho mấy em bé, con nói là của bà chủ trọ, ai cũng nói tụi con may mắn. Con thấy vậy thật, may là tụi con gặp được cô, may là tụi con đi qua mùa dịch một cách bình an, mạnh khỏe."

Khi tôi hỏi, mai mốt có lên lại Sài Gòn không, chàng trai nhắn: "Dạ, đất lành chim đậu cô ạ. Khi nào mọi việc ổn, tụi con sẽ lên. Tụi con sẽ tìm đến cô đầu tiên".

Còn hai mốt ngày nữa, những khách trọ của tôi mới chính thức về đến nhà cha mẹ, nhưng đêm nay tôi có thể buông xuống những lo lắng để ngủ một giấc thật ngon. Tôi tin xứ nào trên đất nước mình cũng là đất lành, để không sớm thì muộn, đàn chim sẽ bay về đậu.

 

Phương Thùy (TP. Thủ Đức, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI