edf40wrjww2tblPage:Content
Dài 30 tập, đã đoạt được 3 giải vàng tại Giải Cánh diều 2012, Thái sư Trần Thủ Độ, bộ phim có kinh phí trên 56 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, đến nay vẫn chưa biết ngày nào sẽ được phát sóng.
Giải vàng cũng chịu
Cất kho phim Thái sư Trần Thủ Độ một thời gian dài sau khi hoàn thành, đầu tháng 8/2013, UBND TP. Hà Nội quyết định giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP phát hành bộ phim này bằng cách “biếu không” cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), chỉ với mong muốn duy nhất là nó được phát sóng cho công chúng cả nước thưởng thức.
Trước đó, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã kiến nghị lãnh đạo UBND TP. Hà Nội quan tâm, cho trình chiếu bộ phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ trên sóng truyền hình. Người đứng đầu ngành điện ảnh cho biết bộ phim đã được cấp phép, ngoài ra còn giành tới 3 giải vàng ở Giải Cánh diều, vậy mà đến giờ vẫn chưa được phát sóng nên anh em nghệ sĩ cũng tâm tư.
Cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Phim Thái sư Trần Thủ Độ được UBND TP. Hà Nội đặt hàng để chiếu trong dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với kinh phí gần 57 tỉ đồng từ nguồn ngân sách (cho 30 tập). Với kinh phí này, tính trung bình mỗi tập phim ngốn tới gần 2 tỉ đồng - chi phí thuộc hàng “khủng” đối với các bộ phim truyền hình được thực hiện ở thời điểm hiện nay chứ chưa nói đến 3-4 năm về trước.
Ngay khi khởi quay, phim đã nhận được sự chú ý đặc biệt của công luận. Nhất là sau khi giành giải vàng ở Giải Cánh diều 2013, phim này càng khiến khán giả háo hức chờ xem. Thế nhưng, từ đó đến nay, bộ phim rơi vào im lặng. Thậm chí, ngay cả khi được biếu không, VTV cũng chưa lên kế hoạch phát sóng. Nhà đài này đang có nhiều phim bộ đang trình chiếu và khó có thể xen ngang để chiếu một bộ phim được tặng, dù là “vàng”.
Cho cũng không lấy!
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết vì phim được làm từ ngân sách nên thành phố đã tìm mọi phương án để đưa đến khán giả. Thậm chí, Hà Nội cũng đã tính đến phương án gửi tặng từng tỉnh, thành phố để phát sóng...
Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng thích món quà này bởi phim lịch sử tương đối kén khán giả và đương nhiên, kén cả người muốn quảng cáo. Đó là chưa nói đến sóng giờ vàng đã được đối tác của các đài mua trọn từ lâu để đổi quảng cáo cho phim của họ.
Việc “biếu không” hàng chục tỉ đồng của UBND TP. Hà Nội khiến nhiều người xót xa bởi cả “núi tiền” bỏ vào thinh không, đặc biệt tiền ở đây là từ ngân sách, tiền thuế của dân. Lãng phí tiền của dân như thế là điều khó có thể chấp nhận, nhất là khi phim rơi vào cảnh “cho cũng không lấy” và không biết bao giờ mới phát sóng.
Nhiều người đặt câu hỏi khi quyết định duyệt kinh phí sản xuất bộ phim này, UBND TP. Hà Nội có nghĩ đến “đầu ra” hay chưa (chiếu ở đâu)? Một đạo diễn có tiếng nhận xét chua chát: “Hình như Hà Nội chỉ tập trung vào việc làm thế nào để cho ra một bộ phim, còn tất cả những gì sau đó - kể cả việc phim có phải nằm kho - cũng không ai tính đến”. Đạo diễn Tất Bình, Giám đốc Hãng phim Truyện I, khi đó đã nhiều lần trả lời rằng hãng này chỉ lo phần sản xuất theo đúng đơn đặt hàng của UBND TP. Hà Nội, còn phim phát sóng vào lúc nào không phải việc của hãng!
Đạo diễn nổi tiếng Đặng Nhật Minh cho rằng điện ảnh là một ngành đặc thù nên đầu tư, chi tiêu cho nó thường là những khoản tiền khổng lồ. Thế nhưng, sản phẩm được đầu tư từ những khoản tiền khổng lồ ấy lại bị vứt lăn lóc không thương tiếc. Không cơ quan hay cá nhân nào chịu trách nhiệm về số phận hẩm hiu của những bộ phim ngốn tiền tỉ ấy. Theo bà Ngô Phương Lan, chỉ có nghệ sĩ buồn lòng, tâm tư khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình bị lạnh nhạt, mãi không được ra mắt.
Nhiều phim cùng cảnh ngộ
Phim Thái sư Trần Thủ Độ không phải là trường hợp duy nhất bị lãng phí. Nhiều bộ phim từng được khán giả đánh giá là hấp dẫn: Người con của rồng - phim hoạt hình công nghệ 3D “dài hơi” đầu tiên của Việt Nam về đề tài lịch sử, liên quan tới vua Lý Công Uẩn - và trước đó là Trung úy - bộ phim cháy vé trong 2 suất chiếu ra mắt khán giả Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam hồi năm 2010 - đến nay vẫn còn cất kho.
Rất nhiều bộ phim do nhà nước bỏ tiền đầu tư, từ vài tỉ đến cả chục tỉ đồng, bị lãng phí theo nhiều cách khác nhau. Mỗi năm, nhiều bộ phim được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất đã âm thầm ra rạp rồi nhanh chóng bị các chủ rạp đẩy khỏi lịch chiếu vì không có khán giả, điển hình là Đời cát (đạo diễn: Lê Hoàng). Sau Tâm hồn mẹ của đạo diễn Nhuệ Giang, phim do nhà nước đặt hàng gần đây nhất - Đam mê (đạo diễn: Phi Tiến Sơn) - cũng chỉ xuất hiện trong phạm vi hẹp của Giải Cánh diều vào tháng 3/2013 mà chưa có bất cứ thông tin phát hành thương mại nào ngoài rạp.
Theo HOÀNG LAN ANH
(Người Lao Động)