Bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi nhan sắc: Giải quyết được gì?

11/06/2018 - 06:00

PNO - Cục NTBD đang xem xét việc bỏ đi phần thi bikini ở các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam. Nhưng, câu hỏi được đặt ra là động thái này sẽ giải quyết được vấn đề gì so với tình hình hiện tại?

Trước việc tổ chức Hoa hậu Mỹ - Miss America (phân biệt với cuộc thi Hoa hậu Mỹ - Miss USA, còn gọi là Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ) quyết định bỏ phần thi bikini từ mùa giải 2019, Cục NTBD (Bộ VH-TT-DL) cho biết sẽ đưa vấn đề này ra bàn luận, lấy ý kiến trong cuộc họp về dự thảo nghị định mới thay thế cho các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu động thái này có cần thiết, có giảm thiểu được cái nhìn thiếu thiện cảm của nhiều người trong việc đánh giá hình thể phụ nữ cũng như đánh đồng điều này với nhiều điều tiêu cực khác?

Bo phan thi bikini trong cac cuoc thi nhan sac: Giai quyet duoc gi?
Bikini - phần thi được nhiều người chờ xem tại Hoa hậu Việt Nam 2016

Vì sao các cuộc thi xưa nay luôn có phần thi bikini?

Hoa hậu từ lâu đã được xem là biểu tượng, giá trị của vẻ đẹp, trong đó có cả 2 yếu tố: hình thể và tri thức, tâm hồn. Tại các cuộc thi hoa hậu lâu đời nhất của thế giới như: Hoa hậu Mỹ - Miss America (1921), Hoa hậu Pháp (1921), Hoa hậu Thế giới (1951), Hoa hậu Hoàn vũ (1952)... phần thi áo tắm đã xuất hiện từ sớm để góp phần đánh giá vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ.

Cuộc họp diễn ra vào ngày 22/6 tới đây tại Huế. Sau khi lấy ý kiến, dự thảo này sẽ được trình lên Chính phủ vào tháng 11 tới. Nếu nhận được sự đồng thuận cao từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, không làm ảnh hưởng đến chất lượng các cuộc thi thì phương án bỏ phần thi bikini sẽ được áp dụng.

Thậm chí, tiền thân của 2 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh hiện tại: Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới đều là những cuộc thi về áo tắm. Trong phần trình diễn này, BGK sẽ đánh giá, chọn lựa được những cô gái có tỉ lệ hình thể tốt, góp phần vào kết quả chung cuộc.

Mỗi cuộc thi hoa hậu đều có mục tiêu riêng. Cụ thể, Hoa hậu Thế giới (mục tiêu sắc đẹp vì mục đích cao cả, hướng đến cộng đồng), Hoa hậu Hoàn vũ (thúc đẩy các hoạt động xã hội liên quan đến HIV/AIDS), Hoa hậu Quốc tế (cuộc thi với mục tiêu gắn kết, thúc đẩy thiện chí hợp tác... giữa các quốc gia) hay Hoa hậu Hoà bình Quốc tế (truyền đi những thông điệp, chiến dịch chấm dứt chiến tranh, nâng cao ý thức về hoà bình, hợp tác...). Dẫu rằng mục tiêu chung đều hướng đến các vấn đề xã hội nhưng từ đầu vào các cô gái cũng phải đáp ứng được tiêu chí vẻ đẹp toàn diện. Chính vì thế, phần thi bikini diễn ra như một thông lệ để đánh giá diện mạo của họ.

Hơn nữa, việc đánh giá, chấm chọn ở một cuộc thi người đẹp là sự tổng hợp của nhiều phần thi, quá trình. Cụ thể, tại các cuộc thi người đẹp trong nước, phần thi bikini cộng với kỹ năng trình diễn chỉ chiếm 10 hoặc 15% trong tổng số điểm của đêm chung kết. 

Bo phan thi bikini trong cac cuoc thi nhan sac: Giai quyet duoc gi?
Phạm Hương trong phần thi bikini tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015, tổ chức tại Mỹ

Tại Hoa khôi Áo dài Việt Nam, tổng điểm cho 2 vòng thi bán kết và chung kết là 120 điểm, trong đó chỉ 20 điểm dành cho phần hình thể và catwalk với áo tắm, chiếm 16,7% điểm chung cuộc.

Kết hợp với điểm quá trình, thi dạ hội, đặc biệt phần thi ứng xử chiếm tỉ lệ điểm gần như cao nhất mới cho ra kết quả cuối cùng. Tại Hoa hậu Hoàn vũ, cuộc thi luôn được biết đến khi đề cao vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, phần thi áo tắm cũng chỉ chiếm một phần điểm khiêm tốn. Chính vì thế không thể đánh đồng rằng việc xuất hiện của phần thi áo tắm là để định đoán người phụ nữ, quyết định giá trị của họ ở ngoại hình.

Về vấn đề này, ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người khai sinh ra cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chia sẻ: “Thi hoa hậu trước hết là phải đẹp về hình thể, mà bỏ phần thi bikini thì làm sao thẩm định một cách toàn diện được. Còn thi người tài giỏi thì đến Đường lên đỉnh Olympia mà thi! Người ta bảo đẹp như hoa hậu chứ có ai bảo tài như hoa hậu đâu. Tất nhiên đó phải là vẻ đẹp hài hòa: hình thể đẹp, có sự hiểu biết, văn hóa...”.

Á hậu Trịnh Kim Chi, người giữ vai trò giám khảo Hoa hậu Việt Nam 2016 từng cho biết tiêu chí chấm chọn hoa hậu như sau: “Tôi chọn hoa hậu trên khuôn mặt đẹp, số đo hình thể chuẩn, đương nhiên chọn ra người đầy đủ hết mọi thứ không dễ, nhưng nói về tổng thể vẻ đẹp đó phải hài hòa, đều đặn”.

Bo phan thi bikini trong cac cuoc thi nhan sac: Giai quyet duoc gi?
Phần thi bikini tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

Khi tồn tại gắn liền với thay đổi

Việc Hoa hậu Mỹ hay Hoa hậu Thế giới loại bỏ phần thi bikini không đơn thuần xuất phát từ những tuyên ngôn mang tính nhân quyền để bảo vệ phụ nữ, mà còn do những biến cố lịch sử nhất định buộc họ phải thay đổi để tồn tại.

Hoa hậu Mỹ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1921. Từ năm 1928 đến 1932, cuộc thi này đã bị dư luận phản đối kịch liệt, phải huỷ bỏ phần thi áo tắm. Đến năm 1935, các người đẹp mới thi bikini trở lại nhưng kèm theo nhiều thông điệp của cuộc thi về tri thức, nhân đạo như một cách để xoa dịu dư luận. Năm 2017 vừa qua, phong trào #Metoo liên quan đến việc quấy rối, lạm dụng tình dục phụ nữ bùng lên khiến xã hội Mỹ rúng động. Chính vì thế, các hoạt động nhằm phô diễn hình thể của phụ nữ cũng bị phản đối.

Trên tờ Time, Blain Roberts (nhà sử học kiêm tác giả cuốn Pageants, Parlors, and Pretty Women: ) nhận định việc BTC Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi bikini đơn thuần chỉ để tránh những luồng chỉ trích từ dư luận và để tồn tại so với tình hình xã hội hiện tại mà thôi.

Việc thuận theo dư luận cũng được cho là động thái để cuộc thi Hoa hậu Mỹ thu hút người xem trở lại sau nhiều năm bị đánh giá là kém chất lượng, lép vế hẳn so với cuộc thi Hoa hậu Mỹ - Miss USA (còn gọi là Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ).

Bo phan thi bikini trong cac cuoc thi nhan sac: Giai quyet duoc gi?
Hoa hậu Hoà bình Quốc tế - Miss Grand International 2017 tại Việt Nam

Hoa hậu Thế giới cũng từng đối diện với những tình trạng tương tự, thậm chí gay gắt và kéo dài hơn. Năm 1970, 400 người phụ nữ đã tụ tập để phản đối cuộc thi này khi MC yêu cầu các thí sinh đứng quay lưng để có thể ngắm trọn vẹn họ trong những bộ áo tắm.

Từ năm 1988 đến năm 2011, Hoa hậu Thế giới bị phản ứng ở Anh quốc, không được chiếu trong những khung giờ vàng. Vào 2 năm gần nhất 2011 và 2014, khi cuộc thi được tổ chức tại London cũng là lúc các cuộc biểu tình nổ ra để phản đối việc phụ nữ mặc bikini trình diễn trước nhiều người.

Năm 2013, Hoa hậu Thế giới được mang đến đảo Bali của Indonesia, một quốc gia về Hồi giáo, việc mặc bikini của thí sinh cũng bị chỉ trích kịch liệt, và phải thay thế bằng một loại trang phục khác. Sau hàng loạt những phản đối mạnh mẽ từ dư luận, BTC Hoa hậu Thế giới buộc phải có những thay đổi để tồn tại.    

Tại Việt Nam, tính từ cuộc thi nhan sắc đầu tiên sau ngày đất nước giải phóng (Hoa hậu báo Tiền Phong 1988 diễn ra, là tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam), phần thi áo tắm đã được diễn ra. Từ đó về sau, các cuộc thi nhan sắc đều có thi bikini như một thông lệ. Trong suốt 30 năm, đây là phần luôn được chờ đợi nhất tại các cuộc thi nhan sắc. Vậy vì sao phải đi tìm phương hướng để ngăn chặn, loại bỏ trong khi xã hội không nảy sinh vấn đề?

Bo phan thi bikini trong cac cuoc thi nhan sac: Giai quyet duoc gi?
Hoa hậu Mỹ - Miss America

Đó là chưa kể, dẫu loại bỏ phần thi bikini trên sân khấu trực tiếp nhưng tại Hoa hậu Thế giới 2014, các thí sinh vẫn có phần thi người đẹp biển với BTC. Các cô gái diện bikini để chụp ảnh, trình diễn nhưng mọi thứ đều không được chia sẻ ra ngoài. Vào năm 2016, trong dặn dò về trang phục, hành lý mà thí sinh mang theo, BTC Hoa hậu Thế giới cũng yêu cầu một bộ áo tắm một mảnh để phục vụ cho cuộc thi. Như thế, rõ ràng tiêu chí chấm chọn về hình thể vẫn là yếu tố cần thiết cho một cuộc thi sắc đẹp. Duy chỉ vì nguyên nhân nào đó mà bị thay đổi hoặc tồn tại dưới hình thức khác.

Hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Mỹ có cách tổ chức khác biệt so với các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam. Trước khi đến với 2 đấu trường này, các cô gái đều sẽ được chấm chọn tại các cuộc thi cấp quốc gia, hoặc cấp bang (với Hoa hậu Mỹ) được tổ chức với đầy đủ các vòng thi. 

Nghĩa rằng việc sàng lọc về hình thể đã được thực hiện nên những tổ chức như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Mỹ có thể an tâm về chất lượng thí sinh đầu vào. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc tuyển lựa thí sinh đều theo cơ chế tự do, không trải qua việc sàng lọc ở cấp đầu tiên.

Bo phan thi bikini trong cac cuoc thi nhan sac: Giai quyet duoc gi?
Hoa hậu Thế giới 2009, diễn ra tại Nam Phi, mặc bikini vàng cho phần thi Hoa hậu biển

Vẫn còn quá sớm, quá vội để tính đến chuyện loại bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam. Trong khi đó, suốt những năm qua có quá nhiều vấn đề tồn tại mà các cơ quan chức năng chưa thể giải quyết triệt để như: sự lách luật của các BTC, BTC hoạt động sai quy chế, ồn ào mua giải...

Đặc biệt, vấn đề tri thức, ứng xử của các người đẹp luôn gây nhức nhối trong dư luận. Cứ mỗi một cuộc thi người đẹp diễn ra đến phần thi ứng xử nếu không phải những câu hỏi sáo rỗng, cũ rích thì lại là một màn trò hề của thí sinh với sự hiểu biết nông cạn. Trong khi đó, đây mới thực sự là diện mạo, là điểm cốt yếu trong việc tìm ra các đai diện nhan sắc.

Việc bỏ phần thi áo tắm trong đêm thi chung kết cũng như trong lịch trình tổ chức đã khiến cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới trong những năm qua trở nên tẻ nhạt, nhàm chán. Đặc biệt, khi được tổ chức song song với Hoa hậu Hoàn vũ, cuộc thi có phần trình diễn bikini và đề cao hình thể của các người đẹp thì Hoa hậu Thế giới gần như lép vế hẳn. Năm 2016, Hoa hậu Thế giới được tổ chức ở Mỹ, rating chỉ đạt 0,07%, trong khi đó cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ có rating đạt mức 1,4% (mặc dù con số này đã giảm so với 2 mùa trước đó). Một trong những nguyên nhân được đưa ra là việc Hoa hậu Thế giới đã không còn sôi động với phần thi bikini, bên cạnh chiến lược tổ chức kỳ lạ khi không cho các đơn vị truyền thông tiếp cận.

Thành Lâm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI