"Bố ơi! Mình đi đâu thế?" giúp Phạm Anh Khoa bớt "đáng sợ" trong mắt con

19/06/2016 - 06:00

PNO - Phạm Anh Khoa cực đoan, Phạm Anh Khoa nóng tính, Phạm Anh Khoa khắt khe với chính mình đến mức nghiệt ngã… Bất cứ ai từng biết đến Khoa qua âm nhạc đều cảm nhận được như thế.

Nhưng, không chỉ với âm nhạc. Ông bố Phạm Anh Khoa cũng khắt khe không kém với hai đứa trẻ của mình.

Khoa không gần con - Cào Cào tám tuổi và Châu Chấu bốn tuổi, đó là điều Khoa tự nhận. Cào Cào và Châu Chấu rất sợ bố, đến mức không dám lại gần, đó là điều Khoa không giấu. Dường như, đôi lần, vào những ngày cuối tuần, dắt hai con đến quán cà phê của mình là khoảng thời gian dài nhất Khoa dành cho con. Ở nhà, Khoa có một phòng làm việc và khi Khoa đã bước vào rồi khép cánh cửa lại, bất kỳ ai cũng không được mở ra nếu chưa nhận được tín hiệu cho phép từ Khoa.

Vợ - người mà Khoa dành tặng một hình xăm nơi ngực trái hay hai con với hai hình xăm trên hai cánh tay Khoa, hay bất kỳ ai thân thiết khác cũng phải tuân theo điều luật đó. Không phải ngẫu nhiên mà nhắc tới Khoa, bạn bè trong giới thường bảo đó là một kẻ có “máu khùng”. Khoa có thể “cắm mặt” suốt ngày ở phòng thu, nhưng khi về nhà, không gian chính của Khoa cũng vẫn là căn phòng ấy.

Chăm sóc Châm Chấu

Khoảng thời gian anh dành cho con rất ít. Chất nghệ sĩ trong Khoa quá mạnh, âm nhạc lấy đi gần hết thời gian của anh, mà anh thì một khi đã đam mê và theo đuổi, sẽ tập trung ở mức cao độ nhất. Khi ấy, những tiếng gọi bố khiến Khoa mất tập trung có thể mang đến những cơn giận dữ ngay tức khắc.

Khoa biết hết những ưu khuyết trong vai trò một người bố của mình. Anh yêu con theo một cách riêng và cũng không bào chữa gì cho mình. Anh không tự hào về nó. Khi chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? mời anh cùng Châu Chấu tham gia, anh từ chối. Khoa không muốn con người quá đỗi xù xì, thiếu dịu dàng ngay cả trong từng động tác chăm con đó được nhìn thấy.

Thùy Trang, vợ anh, cũng là người quản lý của anh hiện tại, ngồi xuống và phân tích. Chị cho rằng đây là cơ hội rất hiếm hoi để Khoa gần con mình, điều mà trước nay Khoa chưa làm. Và rồi, Khoa cũng cần để mọi người hiểu về Khoa hơn, ở một góc độ gần gũi chứ không phải chỉ là như một “quý ông hát trên sân khấu”. Năm lần bảy lượt như thế, Khoa đồng ý, để rồi từ đó có một cái gì đã khác trong anh, sau những ngày một mình chăm sóc con, một mình làm thay bao công việc của mẹ đứa con mình.

Nô đùa cùng con gái

Thật ra, ở những khoảnh khắc đầu tiên, Khoa vẫn cứ là Khoa và bất kỳ ai xem chương trình đều không quá khó để nhận ra đây là một ông bố nghiêm khắc đến mức cực đoan. Khoa không cần tìm hiểu lý do, không cần biết thực hư, khi được mách là “Châu Chấu đánh bạn”, vẻ mặt lạnh băng của Khoa sẽ ngay lập tức giáng xuống con cùng hình phạt khoanh tay tựa tường. Những khoảnh khắc đó khắc họa rất rõ đòi hỏi khắc nghiệt của Khoa về bản thân lẫn người khác. Một sự cân nhắc hiếm hoi mà Khoa có trong những tình huống ấy, chính là việc khoanh tay tựa tường.

Khoa nói, đó là khoảng thời gian để Châu Chấu phân tích, nhận ra được lỗi lầm của mình, nhưng thật ra đó cũng là khoảng thời gian anh trấn tĩnh, phân tích để biết mình cần gì trước khi có thể đưa ra hình phạt nặng nề hơn. Nhưng, cũng Khoa, khi Châu Chấu yêu bố đến mức quên đi nỗi sợ hãi to lớn của mình để bảo vệ bố, đã không dằn được sự xúc động. Đó là lúc hai bố con đi trong bóng đêm, ra cánh đồng để tìm chiếc xe đạp mà Châu Chấu bỏ quên. “Bình thường Chấu sợ bóng tối lắm, đến mức nếu hai cha con đá banh ở nhà và banh văng vào phòng, dù phòng cũng có ánh điện, Chấu vẫn không dám vào nhặt. Vậy nhưng khi nghe ba nói ba sợ bóng tối nên không dám đi, Chấu lại bảo sẽ dắt ba đi. Chấu muốn bảo vệ ba. Tôi rất bất ngờ” - Khoa nói với sự xúc động trong ánh mắt.

Cuộc hành trình nhiều ngày đó đã mở ra trong Khoa một cảm giác anh chưa từng có. Nếu như ngày trước anh không hề biết Châu Chấu cần gì, vẫn tưởng một món đồ chơi sẽ đáp ứng những nhu cầu của con, thì giờ đã khác. Anh biết con cần gì ở mình, cần được hiểu như thế nào, được gần gũi và sẻ chia như thế nào, dù con vẫn là một đứa trẻ. Với con, anh đã trở thành một ông bố không còn quá đáng sợ để mỗi khi lại gần đứa trẻ phải luôn tự hỏi liệu có bị bố mắng không. Tất cả những điều đó đã khiến Khoa nhận ra trước nay anh đã thiếu sót thế nào, bỏ lỡ bao nhiêu điều hạnh phúc khi không gần con.

Dành thời gian cho gia đình

Không còn gương mặt lạnh băng mỗi khi con mắc lỗi, giờ anh cúi xuống hỏi con vì sao. Việc phải lo cho con từ cái áo cái quần đến miếng ăn không khiến Khoa buồn bực như anh đã nghĩ mà lại trở thành một niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà phải sau một khoảng thời gian dài anh mới có.

Khoa cũng không ngại ngần thừa nhận, việc gần con trẻ hóa ra giúp anh học được nhiều điều. Những ký ức ngủ quên thuở niên thiếu với ba mẹ trở về. Những tình cảm giữa người với người. Những điều mà bao lâu nay anh quan niệm, anh cho là đúng và hành động như mình nghĩ… đột nhiên bị tác động và anh suy nghĩ cần phải thay đổi. Hóa ra, thời gian gần Châu Chấu lại giúp anh tìm được điểm giới hạn trong mình. Con đã giúp anh nhìn lại tất cả, và trong anh, sự bao dung, bớt nghiệt ngã, trở lại lớn dần lên, từng ngày, từng ngày...

Khoa không nghĩ, gần con mình lại học được nhiều điều đến thế!

Khoa cũng nói, anh không phải người cha tồi, nhưng nếu yêu thương con, hiểu con đúng cách, thì bây giờ anh mới nhận ra. Mà thương con trai chưa đủ đâu, anh còn nói đến cô con gái của mình, đầy chắc chắn, rằng, anh biết tương lai mình sẽ biết đối xử như thế nào với con.

Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI