"Bố ơi mình đi đâu thế" có trục lợi trẻ em?

20/04/2016 - 17:00

PNO - "Hơn ai hết, bố mẹ hãy là người đồng hành của con, phát huy tài năng thật sự ở trẻ. Hãy ngưng tạo những lầm tưởng nơi chúng”.

Truyền hình thực tế với sự tham gia của người nổi tiếng cùng người thân đang là trào lưu trong làng giải trí nhiều nước trên thế giới. Nhưng tại Trung Quốc, ngày 17/4 vừa qua, Cục Quản lý báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình quốc gia Trung Quốc (SAPPRFT) đã ban hành quyết định cấm con các nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế.

Ngay lập tức, đài Hồ Nam hủy sản xuất mùa thứ tư của chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế sau ba mùa “thắng lớn” với số người xem lên đến 75 triệu. Ngoài ra, chương trình Bố đã trở lại, Mẹ con là siêu nhân cũng phải “gác máy”. Trước đó, SAPPRFT siết chặt quản lý các chương trình giải trí tại Trung Quốc, bao gồm việc cấm sản xuất, chiếu các chương trình có nội dung mê tín, đồng tính, yêu sớm, ngoại tình...

Giải thích về quyết định khá đột ngột áp dụng với đối tượng trẻ em, SAPPRFT cho biết, việc cho trẻ em (con của nghệ sĩ nổi tiếng) xuất hiện quá sớm trên truyền hình vô tình tạo áp lực quá lớn với các em. Trẻ bị theo dõi, phán xét, bình luận trong khi bản thân chưa đủ kỹ năng sống cần thiết và góc nhìn còn hạn hẹp, chưa hiểu thấu đáo nhiều vấn đề trong xã hội. Trở thành người nổi tiếng nhờ “ăn theo” bố mẹ, các em nghiễm nhiên nhận được những khoản tiền cát-sê rất cao dù chưa đến 18 tuổi. Về lâu dài, nổi tiếng và kiếm tiền bằng cách này dễ khiến các em bị xoáy vào đam mê danh tiếng hão huyền mà không có đủ trải nghiệm, không nhận ra tài năng thực thụ của mình là gì.

SAPPRFT khẳng định, khai thác cuộc sống riêng tư, lăng xê con cái người nổi tiếng là cách tiếp cận phản giáo dục. Người được lợi nhất chắc chắn là nhà đài, vì thời lượng quảng cáo tăng theo độ nổi tiếng của người tham gia. Với Bố ơi, mình đi đâu thế, nhân vật càng nổi tiếng, càng được yêu thích thì lượng người xem càng cao, đài Hồ Nam càng dễ thu hút quảng cáo. Dù những hình ảnh đến với khán giả truyền hình rất đẹp, gần gũi và nhân văn, nhưng phía sau đó là động cơ trục lợi không thể chối bỏ của nhà đài và các nhà tài trợ.

Trẻ em có nên tham gia chương trình truyền hình thực tế? Trên trang India Parenting, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, trẻ em nên học cách đối diện với thất bại cũng như ý kiến trái chiều nhắm vào mình trước khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Khi trẻ nhận nhiều chỉ trích, gia đình phải là điểm tựa tức thời, không gây áp lực, không quay lại trách tội con vì không có màn biểu diễn đúng kỳ vọng của bố mẹ.

Diễn viên Lâm Chí Dĩnh và con trai Kimi tham gia chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế - Ảnh: SHANGHAIIST

Năm 2010, bé gái Neha Sawant (11 tuổi) ở Ấn Độ treo cổ tự sát sau khi bị bố mẹ cấm, không cho em tham gia một chương trình thực tế về nhảy múa vì lo con mình xao nhãng việc học hành. Một trường hợp đau lòng đủ để đặt ra câu hỏi: các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế đã chuẩn bị tâm lý cho thí sinh và người nhà đến mức nào, hay chỉ chạy đua tìm kiếm nhân vật mà quên đi mối dây ràng buộc của đứa trẻ ấy với cuộc sống hiện tại?

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ ở độ tuổi chưa đủ nhận thức về các mối quan hệ xã hội, không nên thi thố vì các em rất dễ mất bình tĩnh, dễ bị “hạ gục” chỉ với vài câu nhận xét không hay hoặc lời trêu đùa không đúng mực của giám khảo. Cậu bé Mir Money bảy tuổi đã bật khóc ngay trên sân khấu Tìm kiếm tài năng Mỹ vì bị giám khảo Howard Sterm bấm nút X loại thẳng chỉ sau vài câu đọc rap của em.

Hành động của vị giám khảo này khiến khán giả có mặt ở trường quay và hàng triệu khán giả xem ti vi vô cùng thất vọng. Họ lên án thái độ thiếu tôn trọng thí sinh nhỏ tuổi của Howard Sterm. Trước khi thi, cậu bé đã chia sẻ rất chân tình rằng mình thi vì cần tiền lo cho gia đình. Nhiều nhà hoạt động xã hội đặt vấn đề việc trẻ em tham gia các chương trình truyền hình thực tế được trả cát-sê quá sớm liệu có phải các em đang bị bán sức lao động của mình?

Người hâm mộ tỏ vẻ tiếc nuối khi chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế bị ngưng phát sóng. Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng “Đừng cướp mất tuổi thơ những đứa bé bằng chiêu trò thương mại và dàn dựng hậu trường. Hơn ai hết, bố mẹ hãy là người đồng hành của con, phát huy tài năng thật sự ở trẻ. Hãy ngưng tạo những lầm tưởng nơi chúng”. 

Thiên Như (Theo Shanghaiist, India Parenting, India Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI