Cuộc thi viết sáng kiến "Cả nhà vui đọc sách"

Bố ơi, mẹ của 7 chú lùn là ai?

14/07/2024 - 21:33

PNO - Cô con gái 5 tuổi từng hỏi tôi như thế khi hai cha con ngồi đọc truyện nàng Bạch Tuyết. Và không chỉ dừng lại ở câu hỏi đó, cô bé còn thắc mắc đủ mọi chuyện từ Mèo đi hia đến Ba chú lợn con hay Cóc kiện trời…

Thời gian đầu, khi phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi khó này tôi… phát bực, có lúc tôi chỉ muốn gấp sách lại, rồi đưa chiếc điện thoại để con xem YouTube. Nhưng rồi tôi nhận ra những câu hỏi này là một tín hiệu đáng mừng: Con đang tìm hiểu về thế giới chung quanh mình và tìm được niềm vui từ sách.

Đưa con đi mua sách ở đường sách TPHCM
Đưa con đi mua sách ở đường sách TPHCM

Sau gần 5 năm tập thói quen đọc sách cho con tôi nhận ra 2 điều quan trọng: (1) Đọc sách cho con là đọc cho chính mình, cha mẹ nên đọc bằng niềm vui, sự hứng thú; (2) Với con trẻ chuyện đọc nên bắt đầu từ… chuyện chơi.

Vì sao như thế? Vì nếu cha mẹ không tìm thấy niềm vui từ việc đọc sách với con thì quá trình đọc trở nên máy móc và vô nghĩa.

Trước khi bắt đầu, đừng vội nghĩ đến chuyện “đọc cho con” mà hãy nghĩ rằng đang “đọc cho mình” - mình thấy vui, thấy hứng thú với câu chuyện trong sách. Từ đó, niềm vui có trong cha mẹ sẽ trở thành một dạng năng lượng có thể lan tỏa, gắn kết và trao truyền cho con.

Hơn nữa, con trẻ như tờ giấy trắng, nên hãy xem chuyện đọc sách như chuyện chơi đồ chơi. Ở đó, cha mẹ tham gia cùng con, đọc chỉ là đọc, chỉ là chơi, và đừng ép trẻ đọc, đừng đặt ra những “mục tiêu cao cả” kiểu: Con rút được bài học gì, con có hiểu câu chuyện không… Bởi nếu đặt nặng vấn đề “được gì” thì việc đọc sách sẽ trở nên mệt nhọc với con trẻ.

Những “mục tiêu cao cả” đó rồi cũng sẽ đến, và đến vào thời điểm mà chính cha mẹ không nghĩ tới. Nhưng ngay tại thời khắc cùng con đọc sách thì hãy xem như là đang chơi đồ chơi.

Con có một giá sách nhỏ của riêng mình
Con có một giá sách nhỏ của riêng mình

Ngoài ra, khi quan sát thói quen của con hằng ngày, tôi thấy con nghĩ ra vô vàn trò chơi từ sách như vẽ, cắt, xé hoặc xếp làm lều, làm nhà… Lúc này, cha mẹ đừng vội bức xúc kiểu “con đang làm gì thế, phá sách vậy lấy gì mà đọc” nhé. Hãy để trẻ yêu quý sách bằng khám phá của chính mình!

Đến bây giờ tôi vẫn chưa thể trả lời cho con gái biết được “mẹ của 7 chú lùn là ai”. Nhưng tôi biết một điều, câu trả lời không phải là điều quan trọng, chính khoảnh khắc bên con, đọc sách và lắng nghe, kết nối với con mới là điều quan trọng nhất.

Tác phẩm dự thi “Sáng kiến cả nhà vui đọc sách” xin gửi về email: cuocthisangkiendocsach@nxbtre.com.vn. Tiêu đề ghi rõ: Tham gia “Sáng kiến Cả nhà vui đọc sách” - tên người dự thi. Trong email cung cấp nội dung bài thi và thông tin: Họ tên, số điện thoại, địa chỉ người dự thi.

Bài viết không quá 500 chữ (ưu tiên các bài viết có ví dụ cụ thể, có khả năng ứng dụng cao, kèm hình ảnh thực tế), định dạng file word. Hình gửi kèm có định dạng JPEG hoặc JPG, gửi rời, không dán trong file bài dự thi.

Mỗi người chỉ gửi 1 bài dự thi. Bài thi không được phép sao chép của người khác.

Cuộc thi dành cho mọi đối tượng bạn đọc là công dân Việt Nam, từ 14 tuổi trở lên. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 28/6 đến hết ngày 28/7/2024.

- Giải Nhất: Tủ sách gia đình trị giá 10 triệu đồng (do NXB Trẻ tài trợ), trong đó gồm sách trị giá 5 triệu đồng và voucher mua sách tự chọn từ cửa hàng, chi nhánh của NXB Trẻ trị giá 5 triệu đồng; cùng 1 năm báo Phụ nữ TPHCM giao tận nhà.

- Giải Nhì: Tủ sách gia đình trị giá 5 triệu đồng dưới dạng voucher mua sách tự chọn từ cửa hàng, chi nhánh của NXB Trẻ và 1 năm báo Phụ nữ TPHCM giao tận nhà.

- Giải Ba: Tủ sách gia đình trị giá 3 triệu đồng dưới dạng voucher mua sách và 6 tháng Báo Phụ nữ TPHCM giao tận nhà.

Đặng Đức Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI