Bố ơi, cố lên!

16/04/2020 - 13:42

PNO - Sau tết âm lịch, bốn bố con anh Trần Văn Th. lại dắt nhau từ quê Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) vào lại huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Gần 20 ngày về quê, xưởng cơ khí nhôm kính của anh đóng cửa kín mít, kẻ gian cạy cửa phía sau vào nhà, lấy trộm mất năm chiếc máy cắt.

Khách hàng thấy anh trở lại, bắt đầu đặt hàng. Thấy việc thì mừng, là có tiền, nhưng anh Th. đối mặt với khó khăn mới là vừa làm thợ, vừa chợ búa, cơm nước cho ba đứa con nhỏ.

Đang thời kỳ các con nghỉ học tránh dịch COVID-19, anh gánh thêm việc bảo mẫu. Kẹt quá, anh phải thuê người phụ làm, để có thời gian ngó tới ba đứa con. 

Cuối năm ngoái, vợ anh dẫn thằng út về quê ngoại ngoài Bắc, để lại cho anh một đống nợ. Ở với nhau 15 năm nay, anh lạ gì tính vợ. Khi chồng đi học nghề về mở xưởng cơ khí, chị bỏ ruộng nương ra chợ buôn bán thịt lợn. Phiên chợ nào chị cũng khoe là bán thịt hết sớm.

Sau một thời gian, thấy chị hết cả tiền vốn, còn mang nợ, anh buồn quá, khuyên bảo hết lời mà chị không nghe. Thậm chí mấy lần vợ chồng cãi nhau suýt xảy ra xô xát. Đang làm ăn thuận lợi, nhưng để cứu vãn chuyện gia đình, anh bán hết đồ đạc trả nợ cho vợ, rồi đưa cả nhà vào Đắk Lắk sinh sống. Thuê đất, dựng nhà xưởng, anh lại làm nghề cơ khí.

Vốn tay nghề giỏi, nên khách dần đông, hai năm sau anh đã gỡ lại số vốn thâm hụt vì nợ. Chị vợ ở nhà lo cơm nước cho chồng con mãi thì sinh chán, xin chồng tiền vốn ra chợ buôn bán gà, vịt, với lời hứa sẽ chí thú làm ăn, không để công nợ nữa.

Nhưng "lời hứa gió bay", chị lại tiếp tục mắc nợ bạn hàng. Thấy vợ "bệnh cũ tái phát", ngày nào cũng có người tới nhà hỏi nợ, anh giận quá tát chị một cái. Chị có cớ, ôm thằng út về Bắc với ông bà ngoại, bỏ hai đứa con gái lớn lại cho bố.

Tết vừa rồi, ba bố con cũng về quê, sang thăm ông bà ngoại, khuyên vợ nên trở lại Đắk Lắk lo chuyện nhà cửa, con cái cho anh làm nghề, nhưng chị không nghe. Cầu cứu bà ngoại, thì bị chỉ trích vì tội đánh con gái bà. "Cứ để vợ mày ở ngoài này làm ăn. Vào trong ấy chỉ tổ đánh nhau". 

Vợ chồng mấy lần không xong, anh xuống nước xin lỗi ông bà ngoại về tội đánh vợ, mà vợ vẫn khăng khăng nói "để xem lại đã". Thằng út đang học lớp Một, không thể để con ngoài quê được, nên sau Tết, cả bốn bố con lại đùm túm dẫn nhau vào Tây Nguyên. Anh để lại lời nhắn với vợ: "Sau ba tháng nữa không vào lại với chồng con thì đường ai nấy đi".  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đã hai tháng trôi qua, chị vợ không thấy động tĩnh gì. Bốn bố con vẫn vừa làm vừa chăm sóc lẫn nhau. Đang mùa dịch Covid-19, bọn nhỏ được nghỉ học vô thời hạn, nên có thể trông lẫn nhau. Đứa con gái lớn học lớp Bảy, đã biết chợ búa, cơm nước cho bố và các em. Đứa con gái thứ hai học lớp Bốn trông em và quét dọn nhà cửa. Cậu út lớp Một thì chưa phải làm gì, cứ ăn ngủ, chơi đùa thật ngoan là được.

Khổ nhất là mỗi ngày đều có người tới đòi nợ. Những món nợ vặt ngoài chợ trước kia vợ mua thiếu gạo, mắm, thịt cá, mỗi chỗ năm trăm, một triệu, dồn lại cũng gần hai chục triệu. Anh Th. đem tiền đi trả vì nghĩ những thứ đó vợ mua về cho cả nhà ăn, còn mấy món nợ vợ thiếu của bạn hàng thì anh yêu cầu họ chờ chị vào giải quyết.

Anh lo lắng, sắp tới các con đi học lại, một mình anh sẽ xoay xở ra sao khi vừa đưa đón các con, vừa làm nghề, đi lắp ráp tại công trình cho khách. Cũng lạ là cả ba đứa con đều bám chặt bố. Mỗi khi khó khăn quá, anh bàn chuyện đưa bớt các con về quê với mẹ, chúng đều khóc lóc không chịu.

Đứa con gái lớn động viên bố: "Chúng con sẽ đỡ đần bố việc nhà. Bố phải cố lên!". Những buổi tối hiếm hoi bố con ngồi với nhau sau bữa ăn, anh xúc động nghe các con hát: "Bố là tất cả! Bố ơi bố ơi!". 

Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI