Bố ở nhà chăm con

23/06/2015 - 20:29

PNO - PN - Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ mới đây công bố khảo sát cho thấy sự chuyển biến lớn trong 25 năm qua, khi số lượng ông bố ở nhà chăm con không ngừng tăng. Ở Mỹ, hiện có khoảng hai triệu ông bố chăm con tại gia, chiếm 16% số người trong độ tuổi lao động đang ở nhà.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nếu trong thập niên trước, họ được gọi là “những ông chồng làm mẹ”, với cách nhìn không mấy tích cực với chuyện nam giới làm việc nhà (lẽ ra thuộc về phụ nữ), thì giờ đây họ được gọi là “những ông bố nội trợ”.

Emily Peck, cây bút quen thuộc trên Huffington Post kể rằng, chồng chị, Rich chọn ở nhà để chăm con nên anh chỉ tập trung tìm những công việc tự do, thoải mái về giờ giấc. Lựa chọn của Rich hoàn toàn tự nguyện, khiến các con trở thành những đứa trẻ hạnh phúc khi bố mẹ coi trọng chúng hơn là đuổi theo công việc.

Rich không hề hối hận về lựa chọn này: “Trong sáu năm chăm sóc con, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu tâm lý trẻ, nắm bắt nhu cầu của hai con. Nhờ vậy tôi hiểu được nuôi dạy một đứa trẻ là phải biết phát triển năng lực cá nhân của chúng, nhưng không thể lơ là định hướng cho trẻ hòa nhập tập thể, rộng hơn là cộng đồng”.

Al Watts, Chủ tịch Hội những ông bố ở nhà của Mỹ cho biết, nhiều khảo sát được thực hiện gần đây phản ánh thực tế ngày càng có nhiều người đàn ông, nhất là người trẻ đặt mục tiêu trở thành ông bố tốt lên trên tham vọng công việc của mình. Trung tâm Gia đình và việc làm thuộc Đại học Boston cho biết, 77% số ông bố được hỏi đều mong ước mình không quá bị áp lực từ công việc và có thêm thời gian bên con. Một nửa nói rằng, nếu điều kiện kinh tế cho phép, họ sẵn sàng bỏ việc để ở nhà với con, nhất là trong những năm đầu của trẻ.

Bo o nha cham con

Ông bố của gia đình

Nhịp sống sôi động cuốn mọi người vào guồng quay công việc, bất kể là nam giới hay phụ nữ. Ý thức san sẻ việc nhà, từ chuyện chăm sóc con cái đến những việc “không tên” khác cũng được nâng cao. Những khảo sát gần đây cho thấy, phụ nữ có vẻ “lười” vào bếp hơn. Lời giải đáp thích hợp nhất là vì các ông chồng đã thay vợ “xông pha” chuyện bếp núc. Anh Joe Kreisberg (35 tuổi) sống ở New York (Mỹ), hàng ngày dẫu túi bụi với công việc, trong đầu anh luôn nhẩm tính sẽ nấu món gì cho vợ và cho cậu con trai bảy tháng tuổi.

Ở nhà, Joe phụ trách chuyện nấu nướng, điều trở thành bình thường kể từ khi lập gia đình, vì biết vợ cũng bận rộn không kém với sự nghiệp riêng. Còn với Derek Hartwick (55 tuổi), sống ở New Jersey (Mỹ), chuyện bếp núc nhà anh phụ thuộc thời gian thuận tiện của mỗi người. Hầu hết các ngày trong tuần Derek đi làm về sớm hơn vợ nên anh là người chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Anh tìm hiểu những món dễ nấu, hợp khẩu vị của cả nhà.

Với anh, chuyện này… nhẹ tênh. Hai ngày cuối tuần, vợ anh có thời gian hơn nên nấu ăn thay chồng. Cũng có lúc, cả hai đều bận rộn nhưng trên hết, họ thống nhất ăn gì không quan trọng bằng thời gian ngồi bên nhau nên họ có thể ăn ở ngoài hoặc cố gắng nấu vài món giản tiện. Derek ủng hộ quan điểm vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà là cách neo giữ mái ấm khi mỗi người đều có gánh nặng nghề nghiệp bên ngoài cánh cửa gia đình.

Số lượng ông bố ở nhà chăm con ngày càng tăng ở các nước phương Tây, nhất là Mỹ, Anh, Canada từ cuối thế kỷ XX. Ở châu Á, hiện tượng này nổi trội ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là xu hướng tích cực, cho thấy sự bình đẳng của nam giới và phụ nữ trong nhận thức và trách nhiệm với gia đình. Nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, trẻ từ 7-30 tháng tuổi dễ chịu ảnh hưởng từ người bố. Trẻ dễ tiếp nhận và bắt chước bố trong quá trình phát triển nhân cách, cảm xúc, nhận thức, kỹ năng về thể chất. Sự ân cần của người bố trong “giai đoạn vàng” này hết sức quan trọng với trẻ.

Một khi từng thành viên trong gia đình đều cố gắng chăm chút mỗi ngày, ở đó không còn sự phân định quá rạch ròi việc-nào-của-ai. Chính mỗi thành viên là người chủ thực sự trong tổ ấm của mình.

 ANH THÔNG

(Theo Pew Social Trends.org, Washington Post, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI