Bộ NN-PTNT đề xuất hàng loạt Bộ, ngành vào cuộc chống dịch tả lợn châu Phi

13/05/2019 - 10:15

PNO - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cảnh báo, với 40% số tỉnh mắc dịch tả lợn châu Phi, tình hình dịch tả lợn vẫn còn nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh. Hiện đã có hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy trên cả nước

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, sáng nay, 13/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, lịch sử thế giới và VN chưa bao giờ phải đối diện với dịch bệnh nào nan giải, tốn kém, thiệt hại kinh tế lớn như DTLCP.

Theo đó, tại VN, bệnh đã lan ra quy mô rộng trên 29 tỉnh (chiếm 40% số tỉnh trên cả nước), 204 xã đã mắc DTLCP. Tổng số lợn bị tiêu hủy hiện đã hơn 1,2 triệu con. Bộ trưởng Cường cho biết, dù số lợn tiêu hủy chiếm 4% tổng đàn lợn tuy nhiên con số này vẫn vô cùng nguy hiểm vì tốc độ lan truyền của bệnh còn nhanh.

Bo NN-PTNT de xuat hang loat Bo, nganh vao cuoc chong dich ta lon chau Phi
Xác lợn xả hàng loạt trên kênh tại Bắc Giang (ảnh: Danviet)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, với thời tiết khí hậu chưa năm nào diễn biến phức tạp như năm nay, dịch bệnh dự đoán tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực tế, đối phó với dịch bệnh, còn có những địa phương và khâu làm chưa tốt cần phải siết lại.

Đề cập cụ thể tới những tồn tại, bất cập này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, nổi cộm là việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, triệt để.  

Có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường. Cụ thể tại khu vực cầu phao sông Hóa và cầu phao dân sinh - cầu ông Khởi, các lực lượng đã phải thu gom, xử lý tiêu hủy 395 xác lợn.

Thứ trưởng Tiến cũng cho hay, trong chiều 13/5, Bộ NN-PTNT cũng đi kiểm tra và phát hiện tại Bắc Giang, khu vực giao lưu giữa huyện Phú Hòa (Bắc Giang) và tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra tình trạng thả lợn chết trên sông, đây chính là nguyên nhân khiến mầm bệnh lây lan.

Tại nhiều nơi, kỹ thuật tiêu hủy không bảo đảm, lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ nhưng không có bạt/ni lon để lót, che đậy, dẫn đến các chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, thậm chí cả máu lợn rơi vãi ra môi trường....

Bên cạnh đó, tại các địa phương có tình trạng chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh

Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp là do việc quản lý vận chuyển. Thứ trưởng Tiến cho biết, do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn.

Bo NN-PTNT de xuat hang loat Bo, nganh vao cuoc chong dich ta lon chau Phi
Bộ NN-PTNT đề xuất hàng loạt bộ, ngành, lực lượng cùng vào cuộc

Việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ địa phương có dịch đến các địa phương khác chưa được thực hiện nghiêm theo quy định; hoạt động tại các chốt kiểm dịch cấp xã có dịch bệnh chưa đem lại hiệu quả cao...

Tăng cường thu mua, cấp trữ đông lợn thịt để giảm nguy cơ mắc bệnh

Để phòng, chống dịch tả lợn, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Bộ NN-PTNT cũng đề xuất Chính Phủ giao cho hàng loạt Bộ, ngành vào cuộc. Cụ thể, đề xuất Bộ Công Thương chủ trì, tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN-PTNT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức chống dịch.

Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong việc tiêu hủy lợn. Huy động các lực lượng của địa phương, kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,… cùng vào cuộc tiêu hủy, vệ sinh khu vực dịch bệnh...

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI