Thế nào là tài?
Dư luận trong thời gian gần đây vẫn tiếp tục xôn xao trước tình trạng bổ nhiệm cán bộ siêu tốc tại một số cơ quan, đơn vị nhà nước. Trả lời báo chí, những người có trách nhiệm đều khẳng định việc bổ nhiệm là cần thiết cho địa phương và hoàn toàn đúng quy trình.
Trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng, trẻ hóa đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước là cần thiết. Việc trọng dụng những người có tài và đưa họ lên nắm giữ các vị trí quan trọng là chủ trương được nhiều Bộ, ngành thực hiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc này cần phải có lộ trình, không thể nhảy cóc một cách quá nhanh như hiện tượng báo chí nêu vừa qua. Đồng thời dù đưa ra lý do nào thì quá trình bổ nhiệm trên cũng có vấn đề và cần xem xét, đánh giá lại.
“Chúng ta trẻ hóa cán bộ là đúng nhưng phải bổ nhiệm như thế nào, đưa vào các vị trí ra sao? Đó là vấn đề chúng ta phải tính.
|
Ảnh minh họa |
Giải thích bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng để giữ chân người tài tôi cho rằng cũng chưa hợp lý, đó chỉ là cách chống chế thôi. Thế nào là tài? Đương nhiên khi bổ nhiệm ai cũng nói có năng lực nhưng đó chỉ là tiềm năng thôi.
Muốn biết giỏi hay không thì phải trải qua thi thố, thể hiện trước nhiều người, phải kinh qua các vị trí khác nhau", ông Tri thẳng thắn bày tỏ.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, cách làm này không rõ ràng khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ về quá trình bổ nhiệm cũng như năng lực thực sự của cán bộ trẻ.
So sánh với Nhật Bản, ông Tri cho rằng, ở nước này để lên chức trưởng phòng thì phải kinh qua vị trí Phó Giám đốc Sở, lên Phó Vụ trưởng thì phải từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở tại các địa phương. Lên những chức vụ cấp Vụ đó là quản lý chuyên nghiệp, không thể nào nhanh được. Thông thường mỗi vị trí phải trải qua quá trình điều hành, lãnh đạo ít nhất 1 năm.
Theo chuyên gia, ta không giữ tu tưởng cực đoa, cần trọng dụng người tài nhưng tất cả phải có những quy trình đúng đắn, trải qua công việc, năng lực hoạt động thực tiễn để bổ nhiệm.
Hơn nữa, đối với những cán bộ trẻ học tập ở nước ngoài thì thực tiễn chưa trải qua nhiều nên khó có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề.
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nêu quan điểm: "Chẳng hạn như người bình thường phải 5 năm mới được thăng chức nhưng 1 người nào đó có năng lực nổi trội hơn thì thời gian ngắn hăn, trong 2 năm chẳng hạn, chứ không thể một vài tháng đã được thăng thức.
Chúng ta không thể thông cảm cho những lý do bắt buộc phải đề bạt để giữ chân cán bộ. Đó chỉ là ngụy biện thôi. Tôi từng làm nhiều năm liền về tuyển dụng cán bộ nhiều năm rồi nên nắm rõ việc này".
Phải sàng lọc trên thực tế
Thẳng thắn nhìn nhận, vị chuyên gia cho rằng, việc bổ nhiệm siêu tốc vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Theo ông, ngoài việc cán bộ thật sự có tài và năng lực thực sự thì nhiều trường hợp các dựa vào các mối quan hệ thân quen hay theo lợi ích nhóm để bổ nhiệm.
Ông Tri nhìn nhận: “Đây có thể là lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội hoặc vật chất. Tôi nghĩ rằng, đó là khâu khiếm khuyết. Bên trong của cái gọi là quy trình đang tồn tại nhiều vấn đề. Chắc chắn một ông lãnh đạo đứng đầu có thế lực hoặc có ảnh hưởng khi đưa ra ý kiến về việc bổ nhiệm cán bộ thì đương nhiên không có phản biện. Thường là tâm lý là như thế. Cấp dưới không dám làm trái ý của cấp trên. Nếu giả sử bổ nhiệm theo quy trình đó mà đúng thì chúng ta phải sửa lại quy trình”.
Trước việc bổ nhiệm cán bộ siêu tốc, vị chuyên gia cho rằng, để tránh những tình trạng bổ nhiệm siêu tốc hay xử lý cán bộ chậm trễ như thời gian qua, đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi và vận dụng mô hình tiên tiến từ các nước vào thực tiễn.
Yếu tố quan trọng nhất đề thay đổi theo ông đó là cơ chế tuyển dụng, phải chú trọng đến năng lực của cán bộ chứ không nên nhìn vào bằng cấp, học hàm, học vị.
Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý nhìn nhận: “Cơ chế hiện nay của chúng ta rất khác so với thời kỳ trước. Trước đây khi còn bao cấp hay chiến tranh, để được đi học thì nhà nước sẽ là người bỏ tiền. Nhưng hiện nay mọi thứ đã khác. Tôi ở doanh nghiệp nhưng hoàn toàn có thể đi thi và đăng ký học tập tại nước ngoài theo nhu cầu.
Bằng cấp của chúng ta hiện nay cũng không phải sàng lọc về mặt thực chất. Nó mang tính hình thức. Khi tôi có tiền thì có thể đi học và nhận nhiều bằng cấp. Bây giờ giở chứng chỉ, bằng cấp nhiều hầu hết cán bộ đều có bằng thạc sĩ, người có bằng tiến sĩ.
Nhưng nếu chúng ta chỉ chọn cán bộ dựa vào bằng cấp thì chưa thật sự chuẩn, chỉ mang tính hình thức. Cần chứng chỉ gì giờ người ta cũng có thể kiếm được. Quan trọng, tôi cho rằng mỗi vị trí đó phải có một sự sàng lọc, thông qua hoạt động thực tiễn để chọn được những con người thật sự tài giỏi”.
Một vấn đề cũng được ông nhấn mạnh, đó là việc cần phải chú trọng đến việc quy trách nhiệm cá nhân cho những người đứng đầu để họ nâng cao ý thức của bản thân trong việc lựa chọn, tuyển dụng cán bộ.
Đông