Bỏ nhậu, khỏe cho mình chứ cho ai?

08/01/2020 - 05:10

PNO - Nhiều lúc nhìn những quán nhậu không còn chỗ ngồi khi thành phố lên đèn, tôi tự hỏi, người ta nhậu gì mà nhậu lắm thế?

 

Mấy hôm nay đi taxi, tôi cứ nghe các anh tài xế “phàn nàn” rằng giờ ra đường chẳng dám uống lon bia nào. “Lần này “gắt” quá!”, “Bị phạt cái là toi cơm”, “Tiền trả góp xe chưa xong mà còn “dính” phạt nữa là chết chắc”…

Những câu ta thán, những câu nói đùa, những tâm tình nửa chơi nửa thật, tôi nghe, cũng chỉ là chuyện phiếm thôi mà thấy được phần nào tâm tư của các ông.

Ảnh - phunuonline

Những ngày đầu năm 2020, có chuyện gì “hot” hơn chuyện lực lượng CSGT kiểm tra nghiêm ngặt nồng độ cồn của người lái phương tiện tham gia giao thông khắp cả nước. “Nóng” từ facebook ra đời thường, quán nhậu vắng hẳn. Số người bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu qua kiểm tra những ngày sau cũng đã giảm đi đáng kể. 

Có lần vui chuyện tôi hỏi một anh tài xế Grab: “Thế bỏ nhậu có…khó không anh?”. “Ừ thì cũng… được, mà uống lai rai vài ly cho nó vui. Nhẽ nào ngồi với anh em mà không uống?”. Rồi cũng anh tự “an ủi”, rằng sau này lỡ nhậu thì đi taxi, xe ôm về nhà. “Luật đâu có cấm nhậu” – anh vớt vát. Tôi bật cười. Chẳng ai cấm các anh nhậu cả. Nhưng uống đến đâu, uống bao nhiêu, có biết giữ sức khỏe cho bản thân hay không là lựa chọn của mỗi người.

Đã có bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm từ việc điều khiển phương tiện xe cộ khi đã uống rượu bia. Cuộc họp cuối năm 2019 tuyên truyền thông điệp “Đã uống rượu, bia – không lái xe” của Ban an toàn giao thông TPHCM đã đưa ra con số: 80%-90% vụ tai nạn giao thông do lái xe sau khi đã uống rượu bia, chủ yếu do nam giới gây ra.

Bao nhiêu đó đã thấy “ma men” đáng sợ như thế nào rồi. Tự chuốc họa cho mình, làm liên lụy đến người khác. Đó là chưa kể đến chuyện uống nhiều bia rượu sẽ hủy hoại sức khỏe, thậm chí hủy hoại cả hạnh phúc gia đình.

Ảnh: phunuonline

Tôi nhớ hoài một đêm mưa, lúc nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì nghe tin anh của chồng tôi, đi “nhậu khách” ở Đồng Nai bị té xe bất tỉnh. Nhận điện thoại của người lạ mà cả nhà hốt hoảng, cuống cuồng bắt taxi đi trong đêm mưa gió, đến bệnh viện mà người đi đường tốt bụng đã cho địa chỉ. Các anh em ở TPHCM đứng ngồi không yên. Cả buổi tối, bữa cơm nhà nháo nhào vì những cuộc gọi, hết người này đến người kia.

Cho đến khi gia đình vào viện, hỏi thăm bác sĩ mới thở phào, mừng rỡ. Anh vẫn nằm “hôn mê sâu”, nhưng không phải do chấn thương gì hết, mà là do… say xỉn quắc cần câu. Thế là lại thêm một đợt điện thoại khắp lượt vừa báo tin lành vừa… bực chồng của chị vợ. Nhưng đó là còn may. Người ta nói anh tự ngã, may là té vào lề đường, xe đè lên chỉ trầy xước một bên chân. Chứ còn nếu ngã ra bên ngoài, trên con đường nhiều xe tải như vậy, không biết chuyện gì đã xảy ra.

Về sau này, mỗi khi nhắc chuyện về anh, tôi đều nhớ hỏi thêm câu: “Bác ấy nay bớt uống rượu chưa?”. Nhắc như một nỗi ám ảnh. May mà, sau lần ấy, anh cũng đã tự biết kiềm chế. Câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, lúc nào cũng đúng.

Ảnh: phunuonline. Quán nhậu vắng khách sau khi có Nghị định "xiết" ma men cầm lái

Nhiều lúc nhìn những quán nhậu không còn chỗ ngồi khi thành phố lên đèn, tôi tự hỏi, người ta nhậu gì mà nhậu lắm thế? Có bao nhiêu người đàn ông “dzô dzô” khí thế trong những quán ăn sáng đèn đến khuya ấy là có bao nhiêu gia đình, mẹ/vợ/con đang đợi ở nhà. Rượu vào lời ra, khích bác nhau một chút lại lao vào đánh nhau, say xỉn về nằm lăn ra nhà không biết trời trăng mây nước.

Đàn ông có biết khi say, bản thân trông trở nên thảm hại thế nào không?

Hồi đọc quyển sách Bức xúc không làm ta vô can của TS Đặng Hoàng Giang, tôi dừng lại ở thông tin Việt Nam là một trong những nước uống bia đứng trong top đầu thế giới. Thật không có gì đáng tự hào cả. Người Việt với truyền thống nông nghiệp lúa nước, mùa lúa thì ra đồng, mùa nông nhàn thì “tụ tập lai rai". Đó là hệ quả của lối sống nông thôn làng xã, ít việc, ít cạnh tranh, có tính cộng đồng, tụ bạ khề khà được xem là chuyện bình thường. Ấy vậy mà, ở thành phố năng động hiện đại, người ta lại bỏ thời gian vào việc nhậu nhẹt ta bà nhiều đến như vậy. Sức khỏe của con người có giới hạn. Người biết gìn giữ sẽ duy trì được thể trạng tốt, đầu óc minh mẫn. Người “rượu bia thả cửa” chẳng khác nào tự mình giảm tuổi thọ của mình, kèm theo vô số bệnh tật.

Các đệ tử lưu linh hay viện lý do: buồn mới nhậu. Thật ra, vui họ cũng nhậu. Mà không buồn không vui, miễn rảnh là nhậu. Thích là làm, không có nói nhiều.

Bỏ nhậu, bớt nhậu, trước nhất là tốt cho sức khỏe của bản thân mình, chứ cho ai đâu? Mà con người cũng thật kỳ lạ. Vẫn ý thức được điều đó chứ, mà cứ lao vào. Cho đến khi “có luật” và hình phạt đánh vào túi tiền mới bắt đầu biết sợ. Thời gian ngồi nhậu hàng giờ ấy, thay vì vậy, dành cho những việc lành mạnh hơn, như tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Hoặc dành cho những người thân yêu, tập trung phát triển khả năng của bản thân, bắt đầu những sở thích cá nhân… Phụ nữ vẫn "tấm tắc" thân hình sáu múi của cánh mày râu, có ai ngưỡng mộ bợm nhậu bụng bia khật khà khật khưỡng đâu?

Có bao nhiêu điều hay ho tốt đẹp đang chờ, sao không chọn, mà phải cứ là “đi nhậu”?

Từ Phong

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI