Bỏ nghề để giữ chồng?

28/06/2021 - 05:59

PNO - Ba má chồng cũng nhiều lần nói xa gần rằng muốn về làm tôm hay làm khô thì ba má tạo điều kiện, cho cái này cái kia. Nhưng em thấy mình không thể đổi nghề.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em về làm dâu nhà chồng được bốn năm, đã có một bé trai. Nhà chồng em đông con, có sáu chị em cả thảy, ba trai ba gái, chồng em là con trai kế út. Ba má chồng em xưa nay kinh doanh ngành thủy sản, có hồ nuôi tôm, có xưởng làm khô, có cửa hàng thủy hải sản lớn ở thành phố. Khi lấy chồng, em làm nghề dạy học. 

Lấy chồng rồi em mới biết, các anh chị làm dâu, làm rể ba má trước kia đều có các nghề nghiệp khác nhau, nhưng rồi đều đổi nghề để kinh doanh thủy sản của gia đình. Nhiều lần chồng em hỏi em tính chừng nào nghỉ dạy về phụ anh lo công chuyện nhà.

Ba má chồng cũng nhiều lần nói xa gần rằng muốn về làm tôm hay làm khô thì ba má tạo điều kiện, cho cái này cái kia. Nhưng em thấy mình không thể đổi nghề. Em yêu nghề đi dạy, mỗi lần phải theo chồng ra xưởng, em không chịu nổi mùi tanh của cá, tôm và cũng không thích quản lý công nhân hay giao dịch buôn bán. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, khi nói chuyện với chị dâu, vợ anh Ba, em mới biết, chị nói chị đổi nghề, không phải vì thích làm thủy sản hay muốn mau giàu, mà vì, nếu chị không tham gia vô công chuyện làm ăn của chồng thì không quản được tiền bạc.

Anh Ba chồng chị đã có thời gian bị người đàn bà khác quyến rũ, chút nữa thì gia đình tan nát mà tiền bạc cũng trắng tay. 

Chị dâu bảo: “Nếu mình không vô cuộc, tiền bạc do mấy ổng nắm hết, rất dễ sinh chuyện này kia”. Em nghe rồi suy nghĩ nhiều. Bởi có những lúc chồng em nhậu nhẹt bên ngoài, tiêu tiền vung tay, lúc về nhà quần áo xe cộ còn nhiều dấu vết đáng nghi. Em nghĩ hay mình đổi nghề, như các anh chị dâu rể. Mới nghĩ tới đó đã thấy buồn chị ơi…

Minh Tuyến (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Em Minh Tuyến thân mến, 

Công việc, nghề nghiệp là cái duyên của mỗi người. Đôi khi nghề chọn mình chứ nào phải mình muốn chọn nghề mà được.

Em yêu nghề dạy học, cảm thấy mình không chịu đựng nổi nghề cá, vậy mà lại tính đổi nghề. Lý do bỏ nghề dạy học là do muốn giữ chồng.

Thử hình dung mình đổi sang một nghề mà mình không thích, chắc chắn khó mà giỏi, cũng khó mà sâu sát quản lý chặt chẽ hết tiền bạc. Cũng chẳng có gì đảm bảo chồng em sẽ chung thủy, sẽ không lăng nhăng.

Nhiều bà vợ kè kè bên cạnh chồng, càng kiểm soát chặt, đức ông chồng càng thấy ngột ngạt, muốn vượt rào đó thôi.

Sao em không tìm cách khác để vừa giữ được chồng, vừa theo được nghề nghiệp đã yêu thích, chọn lựa gắn bó? Khi em bỏ nghề tức là mình từ bỏ một phần con người mình. Trong khi biết đâu sự khác biệt về nghề lâu nay chính là điều tạo nên sức thu hút của em? 

Gia đình cũng nào phải chỉ có ông chồng, mà còn là con cái. Em thử nói chuyện với chồng, với các con, rồi cùng anh ấy tìm cách giải quyết trọn vẹn cho cả hai.

Có thể em học thêm một khóa kế toán chẳng hạn. Có chuyên môn, em tham gia quản lý một phần vốn liếng, tham gia làm sổ sách kinh doanh để nắm được tình hình làm ăn buôn bán của gia đình, chứ không hoàn toàn bỏ nghề dạy học.

Còn việc chồng nhậu nhẹt bên ngoài, vung tiền quá tay… mình phải tìm cách khác để điều chỉnh. Bao nhiêu người đàn ông kinh doanh lừng lẫy mà không cần vợ phải bỏ nghề, phụ việc cho mình.

Em muốn giúp chồng, có thể bằng nhiều cách chứ không phải cứ xông vào làm cùng chồng ở mọi nơi mọi lúc mới là giúp. Còn có một cách khác để giữ chồng, là giữ gìn bản thân để chồng đừng chán, đừng lạc lối, phải không em?

Thông thường, đối với các gia đình đã có sản nghiệp, các thế hệ sau được định hướng để vươn lên cao hơn, sử dụng sản nghiệp của gia đình để đạt đến những tầm phát triển mới, chứ ít khi bị ràng buộc vào các sản nghiệp đó.

Em hãy bình tĩnh chọn lựa các khả năng, sắp xếp việc nhà. Gia đình có kinh tế, nhưng mỗi thành viên trong gia đình đều hạnh phúc với công việc, với sự nghiệp của mình thì niềm hạnh phúc mới trọn vẹn. Chúc em thành công, em nhé.  

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI