Bố mẹ Việt chiều, con phát bệnh "mãi tuổi lên ba": Hãy yêu thương đúng cách

02/12/2016 - 15:30

PNO - Khi đứa trẻ tự quyền ra quyết định, bố mẹ tôn trọng quyết định của mình, thì đứa trẻ sẽ trưởng thành, tự tin hơn, tính chủ động cao hơn.

Ông Nguyễn Thế Long - Chuyên gia đào tạo của Youth Development Corporation - Một tổ chức chuyên đào tạo kĩ năng sống, đã chia sẻ thêm những câu chuyện về một số trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý, bản thân ông đã từng gặp tại trung tâm của mình.

Đa phần phụ huynh Việt đều bao bọc con

Trước tiên, tôi không phán xét chuyện này đúng hay sai, nhưng việc bao bọc, quan tâm đến con là một vấn đề thường gặp phải ở phụ huynh của châu Á, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Chúng ta phải có cái nhìn hai chiều, nếu như không bao bọc, quan tâm đến con đó sẽ là một sai lầm, dẫn đến tổn thương cho con khi gặp phải mặt trái của xã hội, mà không được hỗ trợ, đặc biệt với những bạn gia đình có điều kiện, vì khi có điều kiện thì sẽ trở thành tâm điểm chú ý của một số thành phần không tốt. Vì thế, tâm lý của phụ huynh gia đình có điều kiện là muốn bao bọc con, tránh để con gặp phải tình huống xấu, nên thực sự cũng phải hết sức thông cảm cho họ.

Tuy nhiên, việc quan tâm bao bọc con ở mức độ nào thì phù hợp là điều chúng ta phải xem xét. Nếu không bao bọc, để con sống tự nhiên hoang dã, thì có thể con gặp phải tổn thương không may. Nếu bao bọc con quá mức, chiếm hết không gian sống của con thì nó lại tước đi cơ hội của con được va chạm, được trưởng thành sau mỗi thất bại, vấp ngã trong cuộc sống.

Bo me Viet chieu, con phat benh
Ông Nguyễn Thế Long.

Ví dụ, một đứa trẻ giống như một cái cây non, điều cần là nước và không khí, ánh nắng mặt trời và một chút ít gió bão để thử thách khả năng của nó.

Nếu như chúng ta yêu thương nó quá, đem bỏ vào hộp, rồi nhét vào két sắt thì chắc chắn không có nắng, mưa, sâu bọ nào làm ảnh hưởng được đến nó, nhưng thân sẽ héo ùa, da nhợt nhạt, thiếu sức sống. Để đem ra ngoài thiên nhiên thì sức cạnh tranh của nó không cao, khả năng sức sống không lớn.

Còn trên thực tế khi tôi làm việc với hơn 1000 phụ huynh và các học sinh, thì các câu chuyện phụ huynh bao bọc con dẫn đến con bị sang chấn tâm lý là việc thường xuyên. Bởi vì tình hình xã hội có nhiều yếu tố tác động đến con, tâm lý phụ huynh đa phần rất muốn bao bọc, xuất phát từ nỗi sợ hãi của họ khi cho con đi ra ngoài.

Cái chúng tôi luôn trao đổi với phụ huynh đó là việc nếu bao bọc con quá mức sẽ dẫn đến một tư duy ỷ lại của con. Các bạn bé tuổi thì xuất hiện biểu hiện không phải làm việc nhà tất cả mọi thứ dựa vào cô giúp việc, không chỉ sinh hoạt cá nhân mà tất cả các việc khác. Lớn thêm một chút thì không chịu học hành, ỷ lại mối quan hệ của bố mẹ, không có mục tiêu, không có ước mơ của mình.

Các bạn độ tuổi lớn hơn như cấp 3, sinh viên không chủ động sắp xếp tương lai, ỷ lại vào sự lo lắng của bố mẹ, không chịu phấn đấu, tất cả đều sống với tư duy kiểu gì cũng sẽ có người lo cho mình, đó là một sự nguy hại vô cùng lớn.

Các trường hợp cụ thể

Một trong số những trường hợp hiện giờ chúng tôi vẫn phải làm việc với phụ huynh và bạn đó. Cụ thể như bạn Đ năm nay lớp 12, gia đình rất có điều kiện, sau khi hết lớp 12 thì đi du học bên Đức.

Nhưng hiện tại gia đình bạn ấy gặp phải khó khăn đó là không hiểu bạn ấy suy nghĩ gì, quá trình giao tiếp giữa bố mẹ - con cái rất khó, đặc biệt, bố mẹ cảm thấy không thoải mái, khi mà hỏi con mục tiêu, kế hoạch của con là gì? thì trả lời luôn là con không biết phải làm gì?. Hỏi con biết phải chuẩn bị gì chưa thì cũng là con chưa biết, không biết phải làm sao.

Từ lúc sinh ra đến nay, Đ luôn được bố mẹ lo lắng cho rất nhiều, sự sắp xếp của bố mẹ rất lớn từ học hành, ăn uống, các mối quan hệ, đi chơi ra sao. Chính vì thế, bản thân Đ không có cơ hội lo lắng, chuẩn bị nên sự chủ động không có.

Bây giờ 1 năm nữa đi du học, bản thân Đ thấy choáng ngợp với việc chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, phải sắp xếp kế hoạch cuộc đời của mình, đặt ra mục tiêu phấn đấu. Từ đó xảy ra tình trạng lo lắng, có những lúc bị căng thẳng, dẫn đến stress, chúng tôi đang phải đồng hành cùng với gia đình có biện pháp tâm lý trao đổi, có những buổi gặp mặt để chia sẻ những góc nhìn, dần dần giúp Đ thay đổi tư duy không thích chia sẻ với bố mẹ, giúp từng bước một thay đổi hành động, tầm nhìn.

Bo me Viet chieu, con phat benh

Điều đơn giản ở đây, tất cả mọi thứ khi bố mẹ lo lắng hết cho thì gần như bạn ấy không phải làm gì, khi không làm gì thì gần như tư duy về thói quen không có, nên khi cơ hội đến không nắm bắt được, hoặc đưa các bạn ra một môi trường khác, mà ở đó bố mẹ không phải lúc nào cũng bên cạnh, cũng như việc một con chim chưa có cánh bị bố mẹ đẩy ra khỏi tổ.

Hay đến một trường hợp ở lứa tuổi nhỏ hơn, bạn T là học sinh lớp 6, gia đình rất có điều kiện, được bố mẹ bao bọc tốt. Mới nhỏ tuổi nhưng lúc nào cũng có tâm lý phải dùng đồ đắt tiền, sanh chảnh, nên khi nhìn thấy những bạn khác thì T luôn quan sát bên ngoài đánh giá, mặc cái gì, chơi đồ gì, nếu giống như mình thì thấy cùng đẳng cấp và chơi cùng.

Nó dẫn đến việc, dù đã học tại trường Quốc tế nhưng một số bạn trong lớp tẩy chay, ban đầu thì ít, sau đó, gần như cả lớp. Tâm lý của T thấy mình bị cô lập lại, bị stress vô cùng nặng, ảnh hưởng đến học tập. Khi bố mẹ thấy con gặp phải vấn đề này đã tìm đến các khóa học của chúng tôi, giúp T học cách chấp nhận thế giới quan, điều kiện - hoàn cảnh của người khác.

Còn trường hợp mà học sinh cấp 1 được bao bọc, thì dẫn đến trường hợp "gà công nghiệp", gần như giặt quần áo, lau nhà, rửa bát toàn do cô giúp việc hỗ trợ, không biết làm gì cả.

Ở các khóa học ngoài trời, khi các bạn khác biết nhóm lửa, nấu cơm thì các bạn này đứng ngây ra, sợ bỏng, sợ nóng, sợ bẩn. Nên khi bạn ấy đi ra một môi trường đòi hỏi sự tự lập lớn hơn, bạn ấy sẽ bị choáng ngợp, không biết làm gì, bạn nào tích cực thì sẽ cảm thấy khó chịu với bản thân vì không làm được gì cả, nhưng bạn nào tiêu cực thì quay lại trách móc ngược bố mẹ, tại sao ở nhà đang bình yên thì bắt con ra đây khổ sở, vất vả.

Những biểu hiện của trẻ

Với chúng tôi vấn đề mấu chốt nhất là tạo tư duy cho đứa trẻ vì sự bao bọc quá lớn của phụ huynh dẫn đến cho đứa trẻ có một tư duy "chưa trưởng thành". Tất cả mọi thứ đều dựa vào bố mẹ, trong tiềm thức luôn có một suy nghĩ nếu không làm được, không cố gắng, phấn đấu sẽ có bố mẹ hỗ trợ hoặc một ai đó bên cạnh, cho nên động lực phấn đấu của đứa trẻ bị triệt tiêu hoàn toàn.

Việc của chúng tôi là giúp đứa trẻ nhìn nhận, thay đổi thế giới quan về mặt tư duy là người chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, tất cả mọi chuyện phải tự quyết định, người quan trọng nhất quyết định chính là bản thân mình, khi trẻ có tư duy đó thì chúng tôi hỗ trợ tiếp theo đứa trẻ bắt đầu tự tạo ra kế hoạch cho cuộc sống, thay đổi hành vi nhỏ nhất đến hành vi lớn hơn.

Ví dụ như đối với các bạn cấp 1 chúng tôi thay đổi hành vi từ việc tự chăm sóc cá nhân, các bạn cấp 2 tự có kế hoạch trong học tập, các bạn cấp 3 thì chúng tôi làm cho các bạn suy nghĩ sâu hơn về tương lai, nghề nghiệp, ước mơ của mình.

Nghĩa là đầu tiên thay đổi tư duy, sau đó thay đổi hành vi, rồi rút kinh nghiệm từ những hành động. Vì trong quá trình hành động không phải lúc nào cũng thành công, thành quả ngay, chắc chắn sẽ vấp váp, thất bại, thời điểm thất bại đó chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn ấy, để nhìn nhận và đứng dậy sau các thất bại.

Còn biểu hiện cụ thể của trẻ được bao bọc quá, khi đến trung tâm có 2 điểm đáng chú ý nhất: thứ nhất, các bạn ngại tiếp xúc với các bạn khác, bởi thường có tâm lý được bao bọc tốt, tránh người khác vì lo sợ. Cứ hình dung nhà có điều kiện, còn thuê vệ sĩ riêng cho con, quá trình tiếp xúc với ai, tương tác với ai đều bị giám sát, nên trẻ có tâm lý ngại tiếp xúc với mọi người, sợ ảnh hưởng, phiền hà đến người xung quanh; thứ hai, nhà có điều kiện thì có suy nghĩ các bạn còn lại không cùng đẳng cấp với mình nên không chơi, có thể một số trường hợp bị cộng đồng các bạn còn lại xa lánh, tẩy chay, ghét bỏ, dẫn đến tổn thương về mặt tâm lý.

Còn độ tuổi bị vấn đề về tâm lý thì ở tất cả các lứa tuổi, vì khi bố mẹ bao bọc sẽ để trẻ hình thành tư duy ỷ lại, biểu hiện ở các độ tuổi khác nhau. Nhỏ thì dựa vào các cô giúp việc, lớn thêm một chút việc học hành ỷ lại vào mối quan hệ của bố mẹ, không có mục tiêu trong học tập, không có ước mơ gì, tất cả mọi thứ bố mẹ đã hỗ trợ mình rất tốt, không có nhu cầu phải cố gắng. Lớn thêm sinh viên, cấp 3 bị tâm lý "không trưởng thành", chờ sự sắp xếp của bố mẹ, hỏi ước mơ, sở thích cũng không biết.

Phải biết yêu thương đúng cách

Còn làm sao để con không bị tác động bởi việc bố mẹ bao bọc quá, thì phụ huynh phải biết cách giáo dục của họ hiện tại hơi mang tính chất kinh nghiệm bản thân, tình yêu thương lớn, điều kiện có nên bao bọc nhiều. Thế nhưng, yêu thương là không sai, nhưng phải đúng các, mỗi đứa trẻ đều cần các khoảng không gian riêng.

Tôi xin nói lại một đứa trẻ cũng như một cái cây, nó luôn cần nước, không khí, ánh sáng mặt trời và một ít sâu bọ đó là khó khăn, thử thách giúp đứa trẻ lớn hơn. Phụ huynh phải học cách chấp nhận, một phần nào đó phải làm việc với chính bản thân mình, sự bao bọc không đến từ đứa trẻ mà đến từ phụ huynh, từ nỗi sợ con gặp vấn đề này, vấn đề khác, không dám cho con vấp ngã, thất bại, nên đã tước đi quyền được thất bại, đứng dậy sau thất bại của mỗi đứa trẻ.

Không phải quăng con ra cuộc sống, thích để con làm gì thì làm, con làm gì cũng được, nhưng cần quá trình đồng hành cùng con, tăng quá trình tương tác với con, khi con quyết định làm gì thì hãy luôn hỏi tại sao con làm điều đó. Khi phụ huynh can thiệp vào quá trình tác động của con thì cũng giải thích được tại sao còn làm điều này và không làm điều khác.

Khi trẻ làm việc gì đó luôn có quá trình "cùng trưởng thành", khi con gặp thất bại hay khó khăn nào đó, hãy ngồi lại với đứa trẻ, hỏi chuyện sau một khó khăn này con học được điều gì, nếu lần sau con gặp lại chuyện này con sẽ hành động ra sao, khi đó trẻ sẽ có chính kiến của mình.

Khi đứa trẻ tự quyền ra quyết định, bố mẹ tôn trọng quyết định của mình, thì đứa trẻ sẽ trưởng thành, tự tin hơn, tính chủ động cao hơn.

Châu An (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI