Bố mẹ “trực thăng” vè vè trên đầu con

10/11/2020 - 05:39

PNO - Bố mẹ “bao lo”, bố mẹ “trực thăng” luôn vè vè bay trên đầu để giám sát và sẵn sàng chi viện cho con cái mọi lúc mọi nơi chính là một kiểu yêu thương “độc hại”. Nó tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên không chịu lớn, tạo ra những đứa con thụ động, chỉ biết “nhận” mà ít khi biết “cho”.

Vì yêu thương con vô điều kiện

Cách đây mấy hôm, tình cờ lướt web, tôi thấy cộng đồng chia sẻ một clip mẹ chồng thay con dâu đòi lại công lý. Người con ruột của bà theo nhân tình, bỏ bê vợ con. Vấn đề đáng quan tâm ở đây không hẳn là những lời chì chiết hay phân tích phải trái đầy sắc sảo của bà cụ với kẻ thứ ba, mà điều làm tôi chú ý là cách hành xử của người con trai. Anh ta thấy mẹ đến là đóng cửa, chẳng thèm nói năng, bỏ vào phòng khác ngồi.

Liên quan đến vụ việc này, vài ngày sau lại có một clip khác của cô con dâu trần tình về cuộc sống vợ chồng và về công ơn của người mẹ chồng. Đại loại, từ hỗ trợ vật chất đến can thiệp tinh thần, mẹ luôn có mặt kịp thời và vô điều kiện. Tôi mới ngộ ra, có khi anh chồng này ngoại tình không hẳn vì chán chê cô vợ, mà vì quá ngột ngạt trong bầu không khí bảo bọc của người mẹ ruột, bèn tìm cách đổi gió cho cuộc đời thêm phần dễ thở cũng nên. 

Những bậc phụ huynh “bao lo” luôn hành xử dựa trên nguyên lý “vì yêu thương con cái vô điều kiện”. Khi con còn nhỏ thì món gì ngon nhất trên mâm đích thị là phần của con. Thấy con người ta có đồ chơi đẹp nhất định phải mua cho con mình để không thua kém bạn bè. Lớn lên chút thì giúp con chạy điểm, chạy trường, chọn ngành, chọn nghề. Đến khi con đủ tuổi dựng vợ gả chồng thì cũng đào ra, vén vào, rồi muốn thay con nuôi cả cháu. 

Liệu, có khi nào họ tự nhìn lại để thấy: vì mình quá ôm đồm nên không chỉ mình khổ, mà con cái cũng khổ theo? 

“Kẻ thứ ba” xuất hiện

Bố mẹ “bao lo”, bố mẹ “trực thăng” luôn vè vè bay trên đầu để giám sát và sẵn sàng chi viện cho con cái mọi lúc mọi nơi chính là một kiểu yêu thương “độc hại”. Nó tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên không chịu lớn, tạo ra những đứa con thụ động, chỉ biết “nhận” mà ít khi biết “cho”. Ngay đến khi bố mẹ già, sức tàn lực kiệt thì những đứa con đó vẫn không ngừng đòi hỏi, khi gặp thất bại họ sẵn sàng đổ lỗi cho môi trường, hoàn cảnh hay bất kỳ ai khác, miễn không phải chính bản thân mình. 

Chỉ đến khi “kẻ thứ ba” xuất hiện thì cuộc đời như kịch bản viết sẵn của những cậu ấm cô chiêu mới có cơ hội đổi chiều. Đó là những người con dâu hoặc con rể của gia đình. Họ có thể lớn lên trong môi trường hoàn toàn khác, được trao cho quyền tự lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về những suy nghĩ và hành động của mình ngay từ nhỏ. Và tất nhiên, điểm chung của họ khi “nhập gia” là rất khó “tùy tục”.

Chưa bàn đến chuyện đúng sai, sự khác biệt luôn mang đến ít nhiều khó chịu. Những người khôn khéo sẽ biết chờ đợi thời cơ, sắp xếp lời lẽ và cách hành xử để “uốn nắn” những “thói hư” trong gia đình chồng/vợ một cách từ tốn và khéo léo. Còn với những người có bản tính nóng vội, muốn đi tắt đón đầu, luôn cảm thấy chướng tai gai mắt vì những điều mâu thuẫn, thì chuyện tổn thương, đổ vỡ chỉ trong tầm tay. 

Còn yêu thương thì không bỏ cuộc

Khác biệt thế hệ sẽ không là vấn đề nếu mọi người trong gia đình đều biết cách lắng nghe và tiếp nhận. Và, những người trẻ đừng mong bố mẹ mình sẽ thay đổi thói quen. Bởi nếu có thì sự thay đổi ấy chỉ mang tính xoa dịu nhất thời chứ không phải thay đổi để phát triển. Chính chúng ta, những người trẻ bằng tinh thần chủ động, cởi mở, phải là những người mở đường đầy kiên nhẫn. Chúng ta phải thẳng thắn trao đổi những điều được và chưa được, dù có lúc sẽ làm bố mẹ buồn, hoài nghi về lòng hiếu thuận.

Có người nói, gia đình là để yêu thương chứ không phải để lựa chọn. Với bố mẹ là sự thấu hiểu chứ không phải lý lẽ đúng sai. Tôi không cho là vậy. Với thiên hạ xã giao bên ngoài, đôi khi bạn có thể nhập nhằng giữa tình và lý. Nhưng nếu đã là gia đình cùng sống chung dưới một mái nhà, thì chúng ta càng nên rõ ràng, cương nhu đúng lúc. Bởi đó là những người bên cạnh chúng ta, tương tác, ảnh hưởng và chi phối qua lại nhiều nhất. Chúng ta sẽ cùng trao đổi, chia sẻ mọi tâm tình về sự khác biệt dựa trên tinh thần yêu thương và tôn trọng.

Phép mầu không có thật, nhưng những món quà sẽ xuất hiện nếu chúng ta biết chờ đợi và không ngừng gửi trao. Ngoài giữ cho mình tâm thế không bỏ cuộc, thì chúng ta phải tin một ngày nào đó, bố mẹ sẽ lắng nghe và thay đổi. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI