"Bố mẹ trực thăng", hãy buông tay con

09/03/2016 - 13:53

PNO - “Helicopter parents” (bố mẹ trực thăng) là cách gọi những ông bố bà mẹ “soi” con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình.

Những chiếc “trực thăng” lởn vởn ngay trên đầu, đeo bám đối tượng là hình ảnh liên tưởng khá sinh động để nhắc khéo những phụ huynh chẳng chịu “buông tha” con mình. Chuyện tưởng chừng chỉ xảy ra ở phụ huynh châu Á, giờ lại là vấn đề được quan tâm ở các quốc gia phương Tây vì nhầm lẫn giữa tình yêu thương và sự áp đặt.

Cây viết Elizabeth Broadbent chuyên về mảng nuôi dạy trẻ chia sẻ những hình ảnh thú vị chị quan sát từ một góc nhỏ công viên gần nhà. Có vài đứa bé hào hứng chạy nhảy, mồ hôi nhễ nhại, tay chân lấm bẩn nhưng khuôn mặt háo hức, đầy vẻ tò mò. Chúng xô đẩy nhau, nô đùa, cười nói. Cách đó không xa, vài đứa trẻ khác ngập ngừng chạm, nhìn chiếc bập bênh, xích đu. Chưa kịp tìm hiểu thì bố mẹ đã nhanh tay đỡ lấy con, buộc chúng chơi trong phạm vi cho phép. Có trẻ ngoan ngoãn chấp nhận nhưng có trẻ tỏ vẻ khó chịu. Hoặc có những trẻ vừa té ngã đã vội quay tìm “trực thăng cứu hộ”, trong khi những trẻ chơi độc lập nhanh chóng đứng dậy ngay khi vừa ngã sóng soài.

Bảo bọc con quá kỹ khiến trẻ mất đi khả năng đương đầu với khó khăn - Ảnh: YOUTUBE

Elizabeth Broadbent quan sát và ghi lại những gì mình nhìn thấy. Chị chia sẻ: “Tôi cũng có con, cũng là người mẹ nhạy cảm. Ba đứa trẻ nhà tôi còn rất nhỏ, lớn nhất năm tuổi, bé út tròn một tuổi. Tôi không thể bám lấy chúng để canh chừng. Tôi tập dần cho cá c con kỹ năng nhận biết và tránh nguy hiểm. Thế giới của chúng, chính chúng phải tự khám phá”.

Nhiều nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra, “bố mẹ trực thăng” những năm gần đây trở thành hiện tượng khá phổ biến. Theo một khảo sát, có đến 38% sinh viên năm nhất thừa nhận bố mẹ vẫn can thiệp, thay mình giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đối với sinh viên năm cuối, tỷ lệ này là 29%. Theo trung tâm khảo sát Pew, 73% phụ huynh từ 40-60 tuổi vẫn còn chu cấp tiền cho con (ngoài chi phí đại học).

Nhìn chung, gia đình càng khá giả, bố mẹ càng chăm chút con nhiều hơn. Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel, tác giả của nhiều quyển sách về làm cha mẹ xác nhận, nhiều khách hàng của cô nay là người trưởng thành gặp các vấn đề về tâm lý, loanh quanh tìm hiểu bản thân vì có “bố mẹ trực thăng”. Họ được bảo bọc quá kỹ đến mức chẳng còn khả năng đương đầu với khó khăn hay chấp nhận thất bại, đối diện với thực tế.

Những ông bố bà mẹ ấy không biết họ vô tình biến con thành “tù nhân” của sự quan tâm thái quá. Chia sẻ trên trang Reddit qua chủ đề “Điều tồi tệ nhất bạn gặp khi bố mẹ luôn cố chi phối mọi chuyện của bạn”, nhiều độc giả thẳng thắn bộc lộ cảm nghĩ. Một người viết: “Khi tôi lên đại học, bố mẹ vẫn gọi điện “hỏi thăm” tôi mỗi ngày.

Một lần, tôi có chuyến cắm trại cùng các bạn trong ba ngày mà nhà trường yêu cầu để điện thoại ở nhà. Tôi có báo với bố mẹ nhưng vô ích. Bố mẹ liên lạc với thầy cô, gọi điện cho tôi suốt chuyến đi khiến tôi phát ngượng. Bố mẹ đón ngay cổng ký túc xá hôm tôi trở về. Mở điện thoại ra, tôi mới biết gia đình còn liên lạc với bạn bè khiến họ cũng nháo nhào nhắn tin hỏi thăm có chuyện gì xảy ra với tôi. Tôi chịu đựng quá đủ chuyện bị kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi điện thoại riêng tư bất cứ lúc nào. Tôi cảm thấy ngột ngạt đến khó thở !”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI