Bố mẹ nên làm gì khi trẻ nói bậy?

24/09/2016 - 11:00

PNO - Khoảng 3-4 tuổi, trẻ có thể vô tình thốt ra những lời nói bậy. Nhưng lúc này trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của những câu nói đó. Hành vi này thường do trẻ bắt chước người lớn.

Bo me nen lam gi khi tre noi bay?
Trẻ nói bậy do chưa hiểu hết được ý nghĩ của những câu nói.

Trong quá trình nuôi dạy con, có lẽ không ít bậc phụ huynh bắt gặp con mình nói tục chửi bậy. Nhiều người tỏ ra rất ngạc nhiên rằng không hiểu vì sao con mình còn bé thế mà đã biết thốt ra những lời như vậy? Nhiều người lại không kiềm chế được cảm xúc và quát mắng con.

Chị Hoàng Thanh Vân (mẹ bé Sóc, đang học lớp mẫu giáo 3 tuổi trường Mầm non Ban Mai – Hà Đông) buồn rầu nói: "Tôi biết trẻ con hay bắt trước người lớn, vì thế ở nhà vợ chồng tôi không bao giờ nói bậy trước mặt con. Trước khi đi học bé Sóc rất ngoan ngoãn, không bao giờ biết nói bậy thế mà không hiểu sao từ lúc đi học về con hay sử dụng ngôn từ thiếu trong sáng quá! Điển hình, có hôm bà nội nhờ cháu lấy cốc nước. Cháu kêu: “Con đang vẽ tranh, bà bị mù hay sao mà không thấy còn sai con”.

Cả nhà tôi thực sự bị sốc khi nghe con nói vậy, vì từ trước đến nay con đâu có như thế. Ngay lập tức tôi bắt con đứng úp mặt vào tường đến khi nào chịu nhận lỗi thì thôi, tôi gặng hỏi thì cháu mếu máo nói trong oan ức: “Ở lớp mấy bạn cũng nói với nhau thế, con thấy lạ nên bắt chước”. Hôm sau đến lớp chị có hỏi lại cô giáo, thì cô bảo ở lớp thỉnh thoảng cũng có bạn nói những lời như thế, cô giáo có dặn đó là những lời nói bậy, các con không nên dùng. Lần sau bạn nào nói sẽ bị phạt”.

Chị tâm sự: “Tôi nghĩ do trẻ hay thích học những điều mới lạ mà không hề biết rằng đó là những lời nói bậy, dạo này tôi hay để ý đến lời nói của con để điều chỉnh dần".

Các chuyên gia tâm lý cho biết, khoảng 3-4 tuổi, trẻ có thể vô tình thốt ra những lời nói tục. Nhưng lúc này trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của những câu nói. Hành vi này thường do trẻ bắt chước người lớn, giống như trẻ đang cố học từ mới nhưng áp dụng lại không đúng cách.

Trẻ nói bậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân có thể là do bắt chước bố mẹ, do trẻ không được giáo dục nghiêm khắc, do tâm lý muốn bằng bạn, bằng bè, cũng có khi là do các phương tiện truyền thông mà bố mẹ không thể kiểm soát được.

Cha mẹ nên làm gì?

1. Không phản ứng thái quá

Khi thấy con nói bậy, bố mẹ không nên phản ứng quá gay gắt, mà hãy bình tĩnh để tránh trường hợp gây hiểu nhầm cho trẻ là việc chửi bậy sẽ được bố mẹ chú ý ngay lập tức.

Bo me nen lam gi khi tre noi bay?
Bố mẹ không nên phản ứng quá gay gắt, mà hãy bình tĩnh xử trí - Ảnh minh họa: Internet

2. Tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ lại nói bậy

Trước khi đưa ra một phán quyết với trẻ, bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân trước tại sao con lại nói bậy để từ đó đưa ra phương án giải quyết hợp lý.

3. Giải thích cho con biết ý nghĩa không hay của điều con vừa nói

Bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu nghĩa của những lời nói bậy của con và giúp con nhận ra những từ đó không được phép dùng.

4. Làm gương cho trẻ

Trẻ con vốn như tờ giấy trắng, tất cả những hành vi, lời nói của trẻ đều học được từ chính môi trường sống của mình. Vì vậy, muốn con không nói bậy người lớn chính là tấm gương tốt nhất để con noi theo. Người lớn không được nói bậy trước mặt trẻ.

5. Dạy trẻ cách kiềm chế cảm xúc

Nhiều trẻ nói bậy khi không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Để khắc phục hoàn toàn việc nói bậy bạn chỉ cần chỉ cho trẻ cách kiềm chế cơn tức giận của mình. Trẻ có thể hít thở, im lặng hoặc vào phòng yên tĩnh.

6. Nghiêm khắc với con

Bố mẹ có thể đưa ra hình phạt khi nghe con nói bậy, không cần thái độ gay gắt quá nhưng cần phải nghiêm túc để trẻ hiểu rằng mình vừa làm sai và cần phải nhận lỗi. Đồng thời bố mẹ cũng nên sửa lại cho con ngay.

Khả Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI