Bố mẹ ly hôn, con trả giá đắt

10/03/2015 - 16:48

PNO - PN - Ly hôn ảnh hưởng đến cuộc sống của con trẻ nhiều hơn người ta tưởng. Một nghiên cứu mới đây tại Anh cho thấy, trẻ có bố mẹ ly hôn thường có kết quả thi cử kém, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu và thuốc gây...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gần như hai phần ba trẻ sống trong gia đình ly hôn cho biết sự tan vỡ hôn nhân của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi tốt nghiệp cấp II. Cứ tám em thì có một em tìm đến rượu hoặc chất gây nghiện để giải tỏa nỗi buồn.

Molly Baker, 15 tuổi cho biết cuộc ly hôn của bố mẹ tám năm trước vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống của em hiện nay. Molly nói: “Đôi khi em cảm thấy bị mắc kẹt giữa hai người, và thấy mình chỉ là người đưa tin cho bố mẹ”. Hàng tuần, Molly chia thời gian để sống giữa hai nhà, việc này gây khó khăn không ít cho việc chuẩn bị sách vở buổi học ngày hôm sau; thỉnh thoảng em lại để quên tập vở hoặc dụng cụ học tập ở nhà kia. Nhà trường khá thông cảm cho hoàn cảnh của em, nhưng ở trường cấp I em theo học, khi vụ ly hôn xảy ra, ai cũng biết nên việc giữ bí mật là không tưởng. Molly chia sẻ, em cũng không tin tưởng vào hôn nhân và có thể sẽ không kết hôn trong tương lai.

Bố mẹ Molly đã mắc phải sai lầm đầu tiên mà các chuyên gia về hôn nhân khuyên các cặp vợ chồng đã ly hôn không nên làm: đó là dùng con cái như người đưa tin. Điều này đặt thêm áp lực lên đôi vai của các em, khiến các em phải nghĩ cách giải quyết và thương lượng với những hoàn cảnh mà cha mẹ né tránh. Cách tốt nhất để trao đổi với nhau mà không phải đối mặt nhau là email. Nhưng email còn có thể được sử dụng như vật chứng nếu phải ra tòa, nên bố mẹ thường thận trọng khi sử dụng biện pháp này.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra ly hôn dẫn đến tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ, với một phần ba cho biết các em ăn nhiều hoặc ít hơn khẩu phần bình thường sau khi chứng kiến bố mẹ ly hôn.

Bo me ly hon, con tra gia dat

Tệ hơn, một trong ba em nói bố mẹ hay nói xấu nhau và kéo các em theo phe của mình. Một trong năm các em cho biết không được gặp ông bà nội ngoại nữa.

Chuyên gia chính sách cao cấp Sion Humphrey thuộc Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia chia sẻ: “Giáo viên chứng kiến việc các em suy sụp do bố mẹ chia ly hàng ngày. Thông thường, trường học luôn là điểm tựa đầu tiên các em tìm đến, nhưng không phải giáo viên nào cũng được huấn luyện kỹ năng chia sẻ chuyên nghiệp với các em” .

Báo cáo cũng cho thấy một phần tư các em không thể hoàn thành bài tập về nhà, 12% thú nhận bỏ lớp và 11% thấy đến trường sau khi bố mẹ ly hôn càng tăng thêm stress.

Ông Paul Coleridge, thẩm phán tòa án tối cao, người thành lập Quỹ từ thiện Hôn nhân (the Marriage Foundation) đau đáu: “Trẻ em hầu như không thể đạt được thành tích cao nhất trong khả năng khi đời sống tình cảm của các em đang ở trong tình trạng bất ổn, và sự tan vỡ trong gia đình ảnh hưởng lớn nhất đến điều này. Chúng ta cần thêm bao nhiêu báo cáo, nghiên cứu nữa để tất cả người lớn, kể cả chính phủ thức tỉnh và nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Thật không công bằng cho trẻ và những ảnh hưởng trong cuộc sống của chúng”.

Báo cáo ra đời trùng hợp với sự kiện các luật sư đang phát động phong trào kêu gọi các bậc phụ huynh đang chuẩn bị ly hôn có những cuộc thương lượng với nhau để tránh việc ra tòa. Các buổi nói chuyện này với sự hỗ trợ của luật sư giúp cho hai bên dàn xếp tài chính và con cái êm thấm, tránh tổn phí về tài chính và thời gian.

Hàng năm có khoảng 230.000 tại Anh và xứ Wales ly hôn, con số này sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn gia đình tại Anh.

Các chuyên gia cũng khuyên các bậc cha mẹ khi ly hôn không nên tìm sự an ủi nơi con cái. “Tuổi dậy thì muốn có mọi thứ trong tầm điều khiển của chúng, ly hôn làm các em cảm thấy cả thế giới như đảo lộn. Không nên kể lể hoặc tìm sự thông cảm ở các em. Tìm sự thông cảm và thấu hiểu ở các em là đặt thêm gánh nặng. Lại càng không nên lôi kéo các em vào những tranh chấp. Các bậc phụ huynh cần chứng tỏ vai trò bố mẹ, tìm sự giúp đỡ bên ngoài và hãy là chỗ dựa cho con cái”.

PHAN QUỲNH DAO 

(Theo Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI