Hầu hết mọi người vẫn quan niệm rằng, cha mẹ có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc sẽ gây ra nhiều thiệt thòi và buồn phiền cho trẻ. Nhưng suy nghĩ này dường như lại không đúng với em Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 6, trường THCS Giảng Võ.
Thảo vốn là cô bé không được may mắn như những đứa trẻ khác vì cuộc sống hôn nhân của bố mẹ em vốn không hạnh phúc. Từ khi Thảo học lớp 4, bố mẹ em đã sống cuộc sống ly thân.
Thảo chia sẻ: "Khi em lên lớp 2 là bố mẹ em đã bắt đầu hay xảy ra xích mích, cãi lộn. Đến năm lớp 3 thì những cuộc cãi vã lại càng xảy ra nhiều hơn. Bố mẹ đi làm thì em còn được yên bình chứ, bố mẹ mà về đến nhà, nhìn thấy nhau thôi là bắt đầu cãi nhau. Những lúc như thế, đầu em cứ căng ra, nhiều lúc chỉ muốn nổ tung.
Em chẳng bao giờ quên được, có lần bố mẹ cãi nhau, mẹ tức quá cầm cái ghế ném ra thềm, chẳng may lúc đó em đi qua, thế là bị trúng luôn đầu, đau điếng.
Bố mẹ cứ cãi nhau, bố giận mẹ, mẹ giận bố, rồi cuối cùng người phải chịu khổ nhất lại là em. Mẹ thì chẳng mấy khi nói nhẹ với em cả. Thậm chí, cứ lấy em ra để xả giận, để lấy cớ nói bố. Hễ em làm sai cái gì là mẹ bắt đầu nổi giận, trút bực tức lên đầu em. Còn bố thì mỗi lần bảo em làm toán cũng chẳng được nhẹ nhàng như trước nữa. Bố thường cáu gắt, lại còn bảo em ngang ngạnh giống mẹ. Thực sự là em buồn lắm.
Đến năm lớp 4 thì bố mẹ em sống ly thân. Mẹ em thuê một phòng trọ, rồi dọn ra ở ngoài. Em vẫn ở cùng ông bà và bố nhưng thỉnh thoảng em cũng qua ở với mẹ. Thỉnh thoảng mẹ cũng về đón em, có khi ông bà mời ở lại ăn cơm thì mẹ cũng ở. Nhưng không có bố thì không sao chứ cứ có bố thì bắt đầu chiến tranh lại nổ ra, khiến em đinh tai nhức óc.
Sự việc cứ kéo dài như vậy đến năm em học lớp 5 thì bố mẹ ra tòa, làm thủ tục ly hôn. Mọi người vẫn động viên em rằng đừng buồn và bố mẹ sẽ vẫn luôn ở bên em. Nhưng thực chất thì em đâu có buồn, bố mẹ chia tay em càng mừng.
|
Ảnh minh họa. |
Vì từ ngày bố mẹ chia tay hẳn, em lại thấy cuốc sống của mình được tự do và thoải mái hơn. Không còn những cuộc cãi vã, em cũng không bị lôi ra làm cái bia trút giận của bố mẹ.
Bố mẹ cũng chẳng bao giờ lớn tiếng với em nữa. Còn mẹ, mỗi lần hẹn đón em sang, đều gọi điện nói rất nhẹ nhàng và hứa cho em đi chơi hoặc đi mua sắm. Ở nhà, bố mỗi khi đi làm về thì đều nở nụ cười rất tươi, hỏi xem "con gái bố hôm nay đi học có vui không, cần bố giúp gì về bài tập không?".
Một lần, không biết bố có chuyện gì ở công ty về nhà thấy mặt hằm hằm. Lúc đó, em mới tắm xong chưa kịp thu dọn đống quần áo mới lột ngoài dây phơi còn để trên giường. Thế là, em bị mắng một hồi. Em cũng có nói là "con chưa kịp dọn" thì bố liền ôm đống quần áo xô hết xuống sàn.
Em giận bố quá, khóc nức nở, gọi điện kể với mẹ, thế là mẹ sang đón em liền. Em ở với mẹ một thời gian thì bố lại sang đón em về và hứa sẽ không bao giờ như vậy nữa. Thực sự thì em cũng chẳng sợ bị bố hay mẹ mắng nữa. Vì em đã có chiến thuật cho riêng mình. Bố mà nặng lời là em sẽ sang mẹ còn mẹ mà quá với em thì em sẽ về với bố. Cuộc sống của em từ ngày đó vui vẻ hơn bao nhiêu"
Sau tâm sự của em Thảo, PV cũng có cuộc trò chuyện riêng với bố mẹ em. Bố của Thảo, anh Nguyễn Quốc Trung (40 tuổi) chia sẻ: "Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi không như mong muốn là một thiệt thòi vô cùng lớn cho con. Bây giờ con bé không còn có một gia đình trọn vẹn, cùng có bố, có mẹ ở bên.
Điều duy nhất tôi có thể làm cho con bây giờ là làm một cha thật tốt và sẽ bù đắp thật nhiều cho con bé. Tôi cũng không muốn nặng lời với con bé vì sợ nó sẽ buồn. Dù sao nó cũng là con gái nữa sẽ rất dễ bị tổn thương nên tôi không thể nào gây nhiều áp lực cho con nữa".
Còn chị Thu Hằng, mẹ của bé Thảo thì cho biết: "Tôi không có nhiều thời gian dành cho con gái. Hơn thế là không thể ở bên con mỗi ngày như trước đây nên mỗi lần gặp được con tôi sẽ cố gắng bù đắp tất cả những gì có thể cho con. Tôi không muốn làm một người mẹ xấu trong mắt con. Tôi sợ nhất là con gái sẽ gét tôi và không cần tôi nữa. Bởi vì nó là điều quan trọng nhất mà tôi có bây giờ".
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Minh Dương