Bố mẹ hãy thay đổi

12/01/2016 - 10:02

PNO - Với vai trò là người có trách nhiệm lớn nhất trong sự trưởng thành của trẻ, bố mẹ cần đặt ra những mục tiêu cho chính mình.

Đây cũng là cơ hội để bố mẹ sửa chữa những sai lầm trong cách dạy, giáo dục và đối xử với con cái trong năm cũ.

Những việc phạt đòn

Trong thời hiện đại, vẫn còn nhiều bố mẹ sử dụng hình phạt đánh đòn trẻ khi chúng không nghe lời. Cách dạy này thường không hiệu quả về lâu dài. Vì thế, bố mẹ không nên lạm dụng hình phạt này. Nhưng dù hiểu được việc này, đôi khi bạn cũng mắc sai lầm.

Có thể trong những lúc nóng nảy, bạn đã vô tình phá vỡ chính những điều luật mà mình đặt ra. Nếu đã từng sai lầm như vậy, hãy nghiêm khắc kiềm chế bản thân để ngừng hoàn toàn việc đánh phạt trẻ và tìm đến các giải pháp dạy con tốt hơn.

Lời nói điềm tĩnh

Việc bố mẹ quát tháo con cái có lẽ còn phổ biến hơn cả việc phạt đòn. Đối với nhiều bậc cha mẹ, việc lên giọng thậm chí còn trở thành một thói quen, và là cách duy nhất để họ ra lệnh cho con cái. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc quát tháo con cái cũng có thể để lại tác hại không khác gì phạt đòn, đôi khi còn thúc đẩy trẻ thực hiện các hành vi xấu khác. Vì thế, thay vì lên giọng khi dạy con, bố mẹ hãy đặt ra mục tiêu phải luôn giữ bình tĩnh, giọng nói điềm đạm và giải thích rõ ràng hơn.

Dạy trẻ về hậu quả tự nhiên chứ không phải hình phạt

Trẻ làm một việc gì đó sai trái thì phải bị bố mẹ phạt - đó là một suy nghĩ gần như ai cũng có. Những hình phạt phổ biến nhất thường được khuyên dùng bao gồm việc tước đi một số đặc quyền của trẻ (thời gian chơi, quà vặt...) hay cấm túc.

Tuy vậy, những hình phạt như thế không hẳn là cách dạy trẻ tốt nhất. Thực tế, bạn rất dễ mắc phải việc đặt ra những mức hình phạt quá nặng cho hành vi xấu của con, dẫn đến làm tổn thương trẻ, giảm động lực để bé cố gắng sửa chữa. Giải pháp tốt hơn, nên được sử dụng trước khi bố mẹ áp dụng các hình phạt khác, là dạy cho trẻ hiểu hậu quả từ hành vi xấu của mình.

Bo me hay thay doi
Ảnh mang tính minh họa

Không đe doạn hờ

Ở chiều trái ngược với những người hay thích phạt con là những ông bố bà mẹ dọa trẻ chỉ bằng lời mà chẳng bao giờ thực sự phạt con. Nếu bạn cứ tiếp tục làm việc đó, con trẻ sẽ dần quen và không còn sợ lời đe dọa nữa. Bố mẹ chỉ nên đưa ra một lần cảnh cáo duy nhất và mạnh dạn áp dụng hình phạt nếu trẻ cố ý làm sai, như thế bé mới hiểu bố mẹ nghiêm túc trong việc thực hiện kỷ luật. Thói quen “dọa hờ ” rất khó phá vỡ, nhưng để dạy con hiệu quả hơn, hãy đặt quyết tâm từ bỏ việc này.

Cải thiện tính kiên nhẫn

Dù bạn có thực hiện các biện pháp kỷ luật đúng cách cho con, trẻ cũng cần phải có thời gian để thích ứng và sửa đổi. Dĩ nhiên, trẻ con đòi hỏi có thời gian học hỏi lâu hơn nhiều so với người trưởng thàn, điều này có thể làm nhiều bố mẹ mất bình tĩnh. Đó là chưa kể mỗi đứa trẻ có khả năng thích ứng và tốc độ trưởng thành khác nhau.

Bố mẹ cần phải kiên nhẫn với trẻ, cùng lúc quan sát để ý tốc độ học hỏi của bé để khuyến khích, tạo cơ hội cho con tự cải thiện chính mình. Đây có thể là điều khó nhất để cải thiện, bởi không phải bố mẹ nào cũng có tính kiên nhẫn. Nhưng vì lợi ích của con cái, bạn hãy cố gắng theo đuổi mục tiêu này.

Tận hưởng niềm vui với con

Việc dạy dỗ và kỷ luật con gần như không bao giờ đem đến niềm vui cho cả hai phía bố mẹ và trẻ, nhưng cũng không có nghĩa là bạn phải luôn nghiêm nghị với bé. Hãy sẵn sàng để tạo cơ hội vui đùa, quậy phá và làm những trò ngớ ngẩn với trẻ. Có thể đó là khi bạn cùng con dọn dẹp đống đổ vỡ mà trẻ lỡ tạo ra trước đó, hay khi kể cho bé về một câu chuyện minh họa cho hậu quả của việc làm sai. Những lúc như thế không chỉ sẽ tiếp thêm động lực để trẻ học hỏi mà còn là những giây phút quý báu bạn có thể trải qua cùng con.

Xuân Hạo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI