Bố mẹ chạy 'sô' đưa con đi học thêm, bé lớp 6 viết nhật kí 'thấy chán đời' vì học

26/11/2016 - 06:51

PNO - Nhắc đến học là khóc, vừa đi đường vừa xúc cơm ăn, kiệt sức vì học, trầm cảm vì học... là những câu chuyện đã quá quen mà các phụ huynh đang có con em trong hành trình theo đuổi chữ "học" được chứng kiến.

Nhiều ba mẹ đã rớt nước mắt khi nghe, đọc những câu chuyện xa xôi... nhưng lại hiện hữu trong chính cuộc sống gia đình mình.

Bé lớp 6 viết nhật ký "thấy chán đời" vì học

Chia sẻ với báo Phụ nữ TP.HCM, chị Nguyễn Thị H. (Đống Đa, Hà Nội) không giấu nổi nước mắt và sự mệt mỏi vì đã "gồng mình" cùng con bước vào con đường "học".

"Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường dưới chế độ ăn học khắt khe của con gái lớp 6 mà tôi luôn tự hào cho đến khi con gái nhỏ của tôi bật khóc và nói với mẹ thứ giọng không thể nghẹn ngào hơn "Con thấy mệt mỏi lắm rồi, con không muốn học thêm nữa", lúc ấy hai mẹ con cùng khóc.

Muốn con học giỏi, học vượt lên, tôi đã không hiểu mà mắng con, cố nhồi nhét con cả thế giới kiến thức ngoài kia, thậm chí còn đay nghiến, mắng mỏ con bằng những lời lẽ không kiểm soát nổi.

5h45p sáng, mở mắt ra là ăn sáng, vội vàng còn đi học, học cả ngày, không được gặp ba mẹ, em gái, đến tối về tranh thủ ăn uống rồi lại học và 22h đêm mới được gấp quyển sách lại và cho đi ngủ. Chưa kể thứ 7, chủ nhật con phải đi học thêm ngày 2 ca nữa. Đến việc đơn giản là đưa đón con thôi, tôi và chồng áp lực đã cãi nhau không biết bao nhiêu lần...

Bo me chay 'so' dua con di hoc them, be lop 6 viet nhat ki 'thay chan doi' vi hoc
(Ảnh minh họa)

Cho đến một ngày, khi đọc được quyển nhật ký của con... Có những hôm trang nhật ký cong veo và nhòe chữ vì giọt nước mắt đã khô. Một cô bé lớp 6 có thể viết những dòng khiến tôi đau thắt: "Cuộc đời này mệt mỏi thật, chẳng có gì.... Con ước mình không phải học". Tôi thực sự choáng váng và không nghĩ rằng trong đầu con lại từng hiện ra những điều khủng khiếp ấy. Tôi đã tỉnh ngộ!".

Cúi gập lưng sau áo mưa của bố để ăn bữa tối trên đường đi

Cùng hoàn cảnh với chị H., anh Trần A. (Cầu Giấy) tâm sự thật câu chuyện "chạy sô" của con gái mình cách đây 3 năm:

"Khoảng 16h45, tôi đón con gái ở cổng trường, đưa con đi học 2 sô liên tiếp ở nhà thầy cô lúc 17h30 và sô thứ 2 khoảng 19h40. Bố con tôi có 10 phút để di chuyển từ nhà cô này đến nhà cô kia. Vậy nên con chẳng bao giờ được về nhà ăn tối trong khoảng thời gian ấy. Con có thể ăn tạm thứ gì đó để lấy sức trước khi vào giờ học như: xôi, bánh gạo, bún dọc đường....

Hôm ấy, trời mưa to dữ dội, con gái ngồi sau co dúm, chệnh choạng xúc hộp xôi ăn, cúi còng lưng sau áo mưa của bố. Đi dưới mưa mà thương con chảy nước mắt, nhất là ở chỗ hội có xe ô tô con cứ phóng ào ào, té nước làm hai bố con ướt như chuột, nước mắt cả vào hộp xôi, phải vứt cả hộp xôi đi. Hôm ấy, tôi đã áy náy rất nhiều và thương con rất nhiều".

Anh nói: "Phụ huynh chúng ta ai chẳng muốn con cái mình pải học tập thật tốt, phải giỏi toàn diện, phải đứng số 1, số 2... lại còn phải hơn con nhà nọ , thắng con nhà kia... và kết quả là: chả bao giờ tôi thấy con gái mình có thời gian cho riêng con cả".

Chị Nguyễn Thu T (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Mình xót xa rất nhiều mỗi khi đọc được bài báo về con áp lực, kiệt quệ vì học. Mỗi ngày đưa con đến trường, mình đều tự nhủ đây là những năm tháng hiếm hoi con còn được vui chơi thỏa thích mà không phải lo việc nhồi nhét kiến thức vào đầu con... mình đã luôn nghĩ như vậy.

Bo me chay 'so' dua con di hoc them, be lop 6 viet nhat ki 'thay chan doi' vi hoc
(Ảnh minh họa)

Con chưa vào lớp 1, mình còn nghĩ chưa đầy 2 năm nữa thôi, con mình vào lớp 1, từ đó trở đi, con phải vật lộn quay cuồng với cuộc đời rồi, hai mươi năm tiếp theo, con sẽ chẳng mấy khi được thanh thản mà buộc phải gánh trên lưng 1 gánh nặng kiến thức VÔ VỊ mà con phải bằng cách nào đó, nhồi hết vào cái đầu bé nhỏ của con. Thế nhưng, đến giờ mình cũng đang trong guồng quay mà không thể kiểm soát nổi.

Xem ảnh những tên đồ tể nhồi nhét, bơm nước cống, nhét thức ăn vào miệng những con bò, con trâu, con chó, con gà con vịt đáng thương để tăng trọng hòng bán kiếm lời; nhìn những con vật giãy giụa đau đớn khổ sở vì bị nhồi nhét, mình lại liên tưởng đến hình ảnh các cháu bé đang ngày đêm bị những người lớn như chúng ta nhồi nhét kiến thức vào đầu, bất kể ngày đêm như vậy.... Hãy nghĩ lại đi".

Học trên đường đi, học cả trong nhà vệ sinh, học cả trong khi ngủ mơ

Nghe cứ như đùa, nhưng kỳ thực đó là cảnh ăn học của một cậu học sinh lớp 6, theo lời kể của chị Nguyễn Thanh N. (Hà Nội).

"Con không kịp học những bài thuộc lòng, hoặc do tâm lý quá sợ cô kiểm tra nên con đã vùi đầu vào học ngay cả khi trên đường đi học. Vừa chở con đẳng sau, vừa nghe con lẩm nhẩm mà xót. Về đến nhà, thậm chí con đi vệ sinh cũng tranh thủ cầm quyển sách chạy vào học thuộc. Đang giờ ăn thấy chuông báo gọi cửa cũng phải mở cửa mời gia sư vào phòng học. Con không kêu ca nhưng có hôm vào phòng, con miên man trong giấc mơ đọc bài thuộc lòng mà lúc tối con có ngồi học. Tôi đau đớn và xót xa vô cùng.

Nghĩ con đường học của con sao khác cha mẹ ngày xưa đến thế. Tuổi thơ tôi là những ngày đi học nửa ngày, còn nửa ngày ra đồng chăn trâu, cắt cỏ... tuy có vất vả nhưng trong trẻo và hạnh phúc vô cùng. Đời người đáng bao nhiêu? 6 tuổi ,hàng ngày đã phải vật lộn với những lo lắng học hành, thi cử. Lớn hơn chút thì cơm áo, gạo tiền... chẳng một giây phút nào sống riêng cho bản thân sao?", chị đặt câu hỏi.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI