Bố mẹ bắt trả hiếu bằng việc nuôi em trai

22/11/2021 - 18:01

PNO - Hai vợ chồng tôi liên tục cãi vã vì bố mẹ cô ấy buộc con gái phải báo hiếu bằng cách nuôi em trai.

Tôi và vợ kết hôn đã được 15 năm, có với nhau hai mặt con. Gia đình tôi sống rất hạnh phúc nếu như không bị ảnh hưởng quá nhiều từ phía nhà ngoại. Cô ấy là chị cả trong một gia đình ba chị em. Ba mẹ cô ấy rất gia trưởng, chỉ coi trọng con trai. Mãi khi gần 50 tuổi, ông bà mới sinh được cậu út để nối dõi nên vô cùng chiều chuộng.

Hai ông bà khoán việc nuôi dạy em trai út cho các chị, mà trong đó vợ tôi là chị cả phải chịu trách nhiệm chính. 

Cậu em của vợ tôi được cưng chiều từ bé, chơi bời lêu lổng. Ông bà đặt cả hy vọng vào cậu ta nên muốn cậu học trường đại học quốc tế. Cậu ta đã chuyển ba trường mà vẫn không chịu chuyên tâm học tập, thường xuyên trốn học.

Ông bà bất lực với con trai thì lại gọi điện thoại cho vợ tôi, trách móc rằng chị gái có gia đình riêng nên thiếu quan tâm, bỏ rơi em ruột.

Mỗi lần nghe điện thoại từ bố mẹ đẻ là vợ tôi lại khóc. (Ảnh minh hoạ)
Mỗi lần nghe điện thoại từ bố mẹ đẻ là vợ tôi lại khóc. (Ảnh minh hoạ)

Không chỉ thế, ông bà còn hay nhìn vào con cái của chúng tôi để so sánh với con trai mình, muốn vợ tôi cũng phải lo toan cho em được điều kiện giống như vậy.

Vợ tôi là người rất nặng tình cảm, tuy đã lập gia đình nhưng chưa bao giờ cô ấy không nghĩ cho bố mẹ và các em. Khi chúng tôi đi ăn nhà hàng, đi du lịch, thi thoảng cô ấy vẫn buột miệng nói: “Nếu có cả ông bà và cậu ở đây nữa thì vui nhỉ”.

Tôi yêu vợ, thương con nên cũng vì thế mà luỵ cả gia đình nhà vợ. Chưa bao giờ tôi tiếc hay hẹp hòi khi thấy vợ mình lo cho bố mẹ và các em. Tôi còn tâm niệm rằng nếu đến người sinh thành ra mình, cùng dòng máu với mình mà còn không đối xử tốt thì làm sao cô ấy tốt với một người hoàn toàn xa lạ là chồng như tôi được.

Thế nhưng bên phía nhà ngoại ngày càng đi quá giới hạn. Vợ tôi luôn phải nghe những cuộc điện thoại trách móc của bố mẹ về cậu em trai. Nửa đêm vợ chồng tôi đang ngủ bố mẹ cô ấy cũng gọi để hỏi vợ tôi có biết cậu em đi đâu mà giờ vẫn chưa về. 

Bố mẹ tôi cho rằng vợ tôi cần báo hiếu công sinh dưỡng bằng cách nuôi em trai. (Ảnh minh hoạ).
Bố mẹ tôi cho rằng vợ tôi cần báo hiếu công sinh dưỡng bằng cách nuôi em trai (Ảnh minh hoạ).

Không khí của gia đình tôi thăng trầm theo từng cuộc điện thoại của bố mẹ cô ấy. Cứ nghe điện thoại của bố mẹ gọi xong là cô ấy khi thì khóc, lúc thì thất thần.

Cho tới lúc tôi vô tình đọc được tin nhắn về cuộc nói chuyện giữa vợ và nhóm chat của gia đình thì không thể kìm nén nổi tức giận. Vợ tôi bị bố mẹ kể công sinh dưỡng, nói rằng nếu không phải chia sẻ bớt tiền bạc tài sản nuôi chị thì em trai đến bây giờ có bị thiếu hụt vậy không? 

Ông bà nhắc vợ tôi phải nhớ khi ông bà còn tuổi trẻ, sức lao động thì đã dồn hết nuôi hai chị, chị cả lớn nhất nên được lợi hơn cả. Tới em trai thì bố mẹ đã già nên không đủ lực lo cho em như chị. Chính vì vậy ngoài nuôi con của mình chị còn phải trả hiếu cho bố mẹ bằng cách nuôi em tới khi em trưởng thành.

Kể từ khi ấy, tôi cảm thấy gia đình ngoại không hề yêu thương người con gái là vợ tôi. Cô ấy hết lần này tới lần khác bị chính cha mẹ đẻ lợi dụng, bóc lột, làm tổn thương.

Tôi đề nghị với vợ không liên lạc điện thoại với nhà ngoại nữa, trừ khi là vấn đề nghiêm trọng như sức khoẻ, tính mạng. Những cuộc điện thoại làm gì có yêu thương, tình thân gì mà chỉ là sự đòi hỏi vô lý.

Tôi nói với vợ, em chỉ có trách nhiệm báo hiếu bố mẹ là lo cho sức khoẻ của ông bà. Có miếng ngon em gửi về cho hai cụ, thi thoảng mời hai cụ đi du lịch cùng con cháu. Ông bà ốm đau thì em chăm sóc, thuốc men, hỏi han. Em không có trách nhiệm phải nuôi con trai của ông bà.

Vợ tôi ngoài mặt thì bằng lòng nhưng tôi biết cô ấy vẫn không đủ cứng rắn với gia đình bên ngoại. Cậu em trai cầm xe máy, cầm máy tính ông bà cũng gọi chị cả đi chuộc về. Nó bỏ nhà đi bụi cũng là tại chị thiếu quan tâm em.

Tôi thấy vợ mình bao đồng quá, đa đoan quá. Tôi và vợ thường xuyên tranh cãi về cậu em út của cô ấy. Cô ấy mải lo cho em, cho bố mẹ thế kia thì còn mấy thời gian lo cho các con và gia đình của chính mình.

Tôi hy vọng vợ biết cân nhắc nặng nhẹ trước khi tổ ấm của chính mình bị tan vỡ. (Ảnh minh hoạ)
Tôi hy vọng vợ biết cân nhắc nặng nhẹ trước khi tổ ấm của chính mình bị tan vỡ. (Ảnh minh hoạ)

Vì những khúc mắc như trên nên tôi và nhà vợ không mấy thuận hoà. Tôi bỗng thấy ghét bố mẹ cô ấy. Vì họ mà gia đình tôi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.

Đến giờ này tôi càng nhận ra trong mắt bố mẹ vợ chỉ có con trai mới là con. Bởi nếu cũng thương yêu vợ tôi thì họ đâu đối xử với cô ấy và gia đình riêng của cô ấy như thế.

Cuộc hôn nhân của chúng tôi đang bị đẩy tới bờ vực. Tôi không hy vọng bố mẹ vợ thay đổi cách đối xử mà chỉ mong vợ mình biết cân nhắc nặng nhẹ, đừng để tổ ấm bị tan vỡ.

Bảo Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI