Bộ máy hành chính thành phố Thủ Đức cần sắp xếp ra sao?

06/10/2020 - 13:35

PNO - Sáng 6/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM, giai đoạn 2019-2021.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM được thành phố ấp ủ nhiều năm qua, bao gồm: đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức và đề án sáp nhập, đặt tên mới đối với 19 phường thuộc sáu quận: 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Trước đó, các quận này đã lấy ý kiến cử tri đối với 54 phường liên quan. Kết quả, đối với đề án thành lập thành phố Thủ Đức, tỷ lệ bình quân cử tri đồng ý phương án sáp nhập ở quận 2 là 82%, quận 9: 97%, quận Thủ Đức: 98%. Về tên gọi thành phố Thủ Đức, tỷ lệ ủng hộ ở quận 2 là 76%, quận 9: 96% và Thủ Đức: 97%.

Đối với việc sắp xếp 19 phường sáu quận, bình quân cử tri đồng ý lần lượt quận 2 là 84%, quận 3: 88%, quận 4: 92%, quận 5: 91%, quận 10: 97%, quận Phú Nhuận: 97%.

Người dân thuộc 54 phường liên quan sáp nhập đã được lấy ý kiến
Người dân thuộc 54 phường liên quan sáp nhập đã được lấy ý kiến

Tại hội nghị phản biện, các chuyên gia đô thị, nhà xã hội, kiến trúc sư… bày tỏ sự ủng hộ việc triển khai đề án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều hơn sự cần thiết của việc sáp nhập cùng một số tác động đến đời sống của người dân.

Tiến sĩ Võ Kim Cương cho rằng, có hai công việc với chính quyền cần giải quyết, một là giải quyết hành chính thường nhật của người dân, đặc biệt trong vấn đề xin phép xây dựng, chuyển nhượng đất đai...; hai là giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thành phố mới hiện đại sáng tạo tương tác cao.

“Rất cần phương án tổ chức bộ máy hành chính đảm nhiệm hai chức năng này sao cho hiệu quả cao nhất” - ông Cương nói.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng cần làm rõ hơn vì sao lấy tên thành phố Thủ Đức cùng các vị trí đặt trụ sở đơn vị hành chính. Bà Hòa cũng cho rằng đề án chưa thể hiện được việc đánh giá mục tiêu, tác động sau khi thành lập, sáp nhập; nhất là ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân có tốt và thuận tiện hơn không?

“Cơ sở hạ tầng quyết định gì trong đề án này. Đối với thành phố Thủ Đức, các chuyên gia đánh giá độ lún của đất khi xây dựng ở quận 2, quận 9 lớn thì việc xây dựng hạ tầng có ảnh hưởng ra sao” - bà Hòa nêu vấn đề.

Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định, ông ủng hộ việc sáp nhập song đề án cần lưu tâm đến tình hình an ninh trật tự
Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định, ông ủng hộ việc sáp nhập song đề án cần lưu tâm đến tình hình an ninh trật tự

Thiếu tướng Phan Anh Minh - nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM - cho biết: "Tôi ủng hộ và thấy sự cần thiết của đề án. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để có lợi nhất cho người dân". 

Theo ông Minh, từ "kinh nghiệm" những địa danh đổi tên tùy tiện, có nơi đổi ba lần chưa vừa lòng lại đổi tiếp, như thế không chỉ khổ cho dân mà cán bộ quản lý địa bàn cũng khổ. Vấn đề quản lý dân cư biến động cũng là một nội dung cần lưu tâm, nhằm đảm bảo tình hình an ninh, trật tự xã hội.

“Nếu buộc phải đổi thì cần lý giải rõ ràng và đảm bảo đây là lần đổi cuối cùng” - ông Minh nói và cho rằng, mọi quyết định đều nên dựa trên tâm tư nguyện vọng của người dân.

Lý giải thêm về sự cần thiết của đề án, ông Phạm Hoàng Tân - Trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy quận Thủ Đức - cho biết, ba quận 2, 9, Thủ Đức cơ bản có sự tương đồng do từng tách ra từ huyện Thủ Đức.

Phản biện ý kiến ví von "liệu chiếc áo có quá chật cho cả ba "người" mặc", ông Tân cho hay, nếu để ba quận tách riêng thì vẫn sẽ phát triển, nhưng sự phát triển nhanh hay chậm, theo một lộ trình đáp ứng yêu cầu ra sao phải đòi hỏi có sự tác động của Nhà nước. Như vậy, việc sáp nhập ba quận đồng nghĩa đã chọn được mô hình quản lý phù hợp nhất.

Ông Phạm Hoàng Tân lý giải sự cần thiết của đề án
Ông Phạm Hoàng Tân lý giải sự cần thiết của đề án

Về vấn đề đặt trụ sở, ông Tân cho hay, chọn UBND quận 2 làm trụ sở thành ủy thành phố Thủ Đức, quận Thủ Đức đặt cơ quan hành chính và quận 9 làm cơ quan MTTQ như dự kiến không ảnh hưởng quyền lợi, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Ban đô thị Hội đồng Nhân dân TPHCM - cho rằng, hiện nay toàn thể người dân, các chuyên gia, nhà khoa học đều quan tâm việc sáp nhập. Cơ quan nhà nước đã thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Việc phải bàn lớn nhất chính là vấn đề sáp nhập ba quận với việc đề ra ba mục tiêu rõ ràng: hình thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm nhân lực chất lượng cao. Đó là những mục tiêu rất lý tưởng giúp TPHCM phát triển.

Như vậy, yêu cầu cao nhất cần tận dụng hạ tầng kỹ thuật ba quận, ráp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương thành tam giác kinh tế, tạo hành lang, cơ sở tốt nhất cho sự phát triển.

Ông Nhựt cũng cho hay, trong bối cảnh thành phố trực thuộc thành phố nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa có, chỉ có thành phố trực thuộc tỉnh thì cần có các tiêu chí cụ thể, áp dụng từng bước để thí điểm.

Thông qua các ý kiến phản biện, tới đây, Hội đồng Nhân dân TPHCM sẽ họp và cho ý kiến Sở Nội vụ tham mưu UBND TPHCM hoàn tất đề án, trình Bộ Nội vụ trước ngày 25/10.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI