Bố mất, mẹ ở với ai?

05/08/2020 - 11:21

PNO - Sau đám tang bố, cả nhà ngồi lại với nhau, bàn bạc: “Giờ mẹ sẽ ở với ai?”. Bao nhiêu năm qua, bố mẹ không ai chịu vào thành phố sống với các con.

Bao năm hai ông bà hôm sớm có nhau, con cái cũng yên tâm phần nào. Nhưng giờ, chỉ còn lại mẹ…

Nhà bố mẹ chị M. đất vườn rộng thênh thang. Lúc còn sống, bố chị hay nói với các con: “Đứa nào chịu về thì bố giao đất cho cả đấy”. Nhưng sáu người con của ông, ai cũng chọn thành phố làm đất sống. Nhà ở phố là chung cư, hoặc cất trên khoảnh đất mấy chục mét vuông san sát với nhà bên cạnh, chẳng có vườn. Còn nhà quê, đất rộng nhưng không ai về. Lúc còn khỏe, bố chị trồng nhiều loại cây, rau quả, con cháu mỗi dịp về tha hồ ăn, hái mang vào thành phố. Những năm sau này, ông không cuốc đất nổi nữa, chỉ còn lại vườn cây ăn quả lâu năm. 

Nhiều lần, các con mỗi người góp một tiếng, ngỏ ý muốn đưa bố mẹ vào phố sống. Bố mẹ ưng ở với đứa nào cũng được. Đã vào thử rồi, nhưng chỉ được mươi hôm ông lại đòi về. Nói thành phố chật chội, sáng đi tập thể dục cũng không thoải mái, lại cứ lo lắng xe cộ đông đúc. Ngày ngày lẩn quẩn trong mấy bức tường bê tông, ông chịu không nổi. Bà về theo ông. Nhưng giờ ông đã mất rồi…

Người già giữa phố thị thật lẻ loi. Ảnh minh họa
Người già giữa phố thị thật lẻ loi. Ảnh minh họa

Những căn nhà phố không rộng lắm, phòng ốc thiết kế cho vợ chồng con cái. Giờ thêm một người già, các anh em nhà chị M. đều thống nhất, mẹ về ở với đứa nào thì nhà dành một căn phòng cho mẹ, hai con tạm thời ở chung một phòng. Rồi bàn đến công việc, chuyện làm ăn mỗi người mỗi khác, ai sẽ là người có nhiều thời gian chăm sóc mẹ nhất. Khu vực người nào đang sống có thể khiến người già cảm thấy thoải mái nhất… 

Nhưng có một điều cả nhà quên: là phải hỏi ý kiến xem mẹ muốn sống cùng đứa nào. Cho đến khi các con ngỏ ý, mẹ già vẫn không chọn ở với ai. Nói bà còn tự lo được, đến khi nào không thể tự chăm sóc bản thân được nữa mới phiền đến con cháu. Ngôi nhà ở quê thờ tổ tiên, giờ có thêm bàn thờ ông, bà muốn ngày ngày ra vào hương khói thăm nom. Ở quê còn có chòm xóm láng giềng. 

Không thuyết phục được mẹ, anh em chị M. bàn nhau lắp camera trong nhà để có thể thăm nom mẹ từ xa. Khoảng cách Bắc Nam chứ có gần gụi gì. Bà đồng ý. Camera được lắp ở phòng khách, phòng bếp, ngoài cổng. Từ ngày nhà mẹ có camera, chị M. hay mở lên xem, cứ thấy mẹ một mình vò võ ra vào trong căn nhà ba gian, xót xa mà không biết phải làm cách nào.

Mẹ già mẹ ở với ai? - có lẽ là điều khiến các con đau lòng nhất khi mà trong những lựa chọn của mẹ, không phải là ngôi nhà nào của các con. Một người già từng nói với tôi, ở với đứa nào cũng ngại làm phiền con cháu.

Ở với con trai thì ngại con dâu, ở với con gái lại ngại con rể. Có người con đàn cháu đống nhưng tuổi già vẫn ở một mình. “Đến lúc nào tuổi cao sức yếu, không còn tự lo cho mình được, lúc đó đứa nào đón về thì đi” - có những người già như mẹ chị M., đã lựa chọn như vậy. 

Nhiều lúc xem các video con cháu quay được cảnh ông/bà/cha/mẹ ngồi trước bàn thờ nói chuyện với người bạn đời đã mất, cứ chảy nước mắt. Thế giới của người già có những điều con cháu không thể nào hiểu được. Cuộc sống đô thị mỗi lúc một bận rộn, công việc và cuộc đời có biết bao áp lực và những lựa chọn, nhiều khi con cái không còn đủ thời gian để ngồi nghe hết, hiểu thấu với những câu chuyện của người già.

Nỗi cô đơn, bức bối trong những ngôi nhà phố và sự thiếu vắng thời gian quan tâm, chăm sóc của con cái có lẽ là lý do chính yếu khiến những người già chọn ở một mình.

Có thời gian ở nơi trọ cũ, người viết rưng rưng hoài khi mỗi sáng chiều đi làm đều ngang qua ngôi nhà có khung cửa sổ, nơi ấy lúc nào cũng có bóng dáng gầy guộc của một người già. Lúc bà ngồi may vá, khi bưng tô cơm ăn, hoặc chỉ đơn giản là nhìn ra ngoài con hẻm buổi sáng người người lại qua. Đôi mắt người già trong thành phố ấy cứ neo lại trong lòng, để thấm thía và thấu hiểu cho những người già chọn ở lại quê nhà. 

Thành phố đầy đủ tiện nghi vật chất, là nơi chốn cho con trẻ nhiều cơ hội học tập, xây dựng sự nghiệp, có công ăn việc làm… Nhưng thành phố không phải là nơi thích hợp với người già đã quen với không gian ruộng đồng, vườn tược. Hôm trước ngồi taxi, trong câu chuyện tình cờ với người nữ tài xế, biết thêm có một người mẹ khác cũng không chọn theo gia đình vợ chồng chị về thành phố. Cuộc mưu sinh khiến các con phải rời quê nghèo đến đô thị kiếm sống, mẹ già chọn ở lại mảnh đất quê để trong nhiều đêm trở giấc, chị lại giật mình lo lắng. 

Mẹ già, mẹ ở với ai? Câu hỏi trở về khi chợt nhớ đến người già trong nhà mình. 

Lục Diệp

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hoang Thanh 05-08-2020 15:46:42

    Thật ra người già muốn ở cùng con cháu cho vui, nhưng cách sinh hoạt của con cái, cháu chắt có sự khác biệt rõ rệt. ban ngày các con đi làm, cháu đi học, chiều tối mọi người trơ về nhà nhưng phần lo ăn uống, tắm giặt, học bài, xem tivi, bọn trẻ thì chơi game . . người già vẫn thui thủi 1 mình, người già muốn nói chuyện nhưng câu chuyện của người già thường gắn liền vơi chuyện ngày xưa, những người quen ở làng quê . . chỉ có con trai hay con gái của ông bà mới biết đó là ai, nên ông bà không thể nói chuyện đó với cháu, con dâu, con rể, cách nói chuyện cũng chậm rãi từ từ, vì thế con cháu chỉ nghe được câu trước câu sau là chạy mất, nguời già lại ngồi thở dài nhìn xa xăm, im lặng, cứ thế khoảng cách cứ xa dần, người già dễ cảm thấy cô đơn vì thiếu người nói chuyện. Thật ra mô hình nhà nuôi dưỡng người già ở các nước rất hay, các ông bà có thể sinh hoạt chung với những người cùng thế hệ, có suy nghĩ, phong cách giống nhau, nhưng ở VN chưa có 1 nơi nuôi dưỡng tốt thật sự dành cho người già, hoặc có nơi để các cụ có thể đến đó nói chuyện, sinh hoạt cùng nhau mỗi ngày - sáng đi chiều về như vậy thì thì hay biết mấy. Các con cháu có thể yên tâm đi làm, đi học mà không phải lo lắng : không biết lúc này cha mẹ mình đang làm gì giữa bốn bức tường. Các cụ cũng sẽ thoải mái hơn khi sinh hoạt trong môi trường phù hợp với lứa tuổi, tuổi thọ sẽ được kéo dài, các cụ sống vui, sống khỏe không còn cô đơn giữa các con cháu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI