Bồ lúa nhà nông

04/11/2023 - 11:13

PNO - Thuận theo điều kiện tự nhiên, mỗi năm quê tôi chỉ trồng 1 vụ lúa, để dành ăn, chỉ khi dư mới bán. Nhưng không ai bán ngay lúc lúa chín, vì khi đó giá rất rẻ. Mọi người thường đem lúa về nhà trữ, chờ dịp cuối mùa, lương thực khan dần, giá lúa sẽ cao.

Xóm tôi, nhà nào cũng quây cái bồ đựng lúa - một trong những “tài sản” quan trọng nhất. Bồ lúa phải ở vị trí an toàn trong nhà, tránh tối đa sự ẩm mốc, mối mọt, chuột bọ…

Khi bông lúa ngoài đồng dần no hạt, trĩu xuống, gọi là cong trái me, nhà nhà bắt đầu chuẩn bị làm bồ chứa. Ba tôi chặt một số cọc gỗ, vót nhọn rồi đốn lá dừa nước, xé đôi, phơi nắng cho khô. Má đem tấm cà tăng đan bằng nan tre vừa mua từ chợ trải trên sân nắng, quét một lớp phân trâu pha loãng. Khi lớp phân khô dưới nắng gắt, tấm đan ánh lên màu xanh rêu. Hỏi tại sao phải làm vậy, má bảo để tránh mối mọt và trám bít các khe hở, không cho hạt lúa rơi ra ngoài. 

Tùy theo sản lượng lúa có thể thu hoạch được mà làm bồ. Năm nào trúng mùa, ba tôi vẽ đáy bồ hình vòng tròn thật lớn. Nhà nền đất, ba dễ dàng đóng các cọc đỡ theo chu vi cái vòng đó, lấy lá dừa bện tròn bên trong, cột chắc theo vòng cọc, dần cao lên khoảng hơn nửa mét. Trấu được đổ vào đáy bồ để ngăn ẩm. Vài lớp bao nhựa lót lên mặt trấu. Tấm cà tăng quấn vòng tiếp nối với lá dừa, tạo thành khối hình trụ cao gần 3 thước.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Bắc cái thang chắc chắn, những người đàn ông trong xóm lần lượt chuyền tay từng thúng lúa đổ vào. Cứ 2 thúng là 1 giạ, tương đương khoảng 20kg. Má dặn tôi cầm quyển sổ và cây viết ghi chép cẩn thận số lượng thúng lúa. Cứ mỗi lần mực lúa trong bồ cao thêm 2 gang tay, ba tôi buộc một sợi dây mây quanh tấm cà tăng, trợ lực và giữ cho nó tròn đều chắc chắn.

Lúc lúa đầy bồ và ngoài sân không còn gì, ba đến chỗ tôi xem sổ sách. Năm đó, gia đình tôi thu hoạch hơn 200 giạ. Mặt ba rạng ngời niềm vui. Các chú làm cùng cũng vui vẻ khen lúa nhà tôi trúng mùa, hạt nào hạt nấy to tròn vàng mẩy. Những việc nặng nhọc, hàng xóm tụ tập làm “vần công” như thế, hết việc nhà này lại sang nhà khác, giúp qua giúp lại, không cần so đo tính toán.

Má tôi dọn sẵn mâm cơm thịnh soạn, vừa ăn mừng ngày xong vụ mùa, vừa để cảm ơn hàng xóm đã giúp đỡ. Có chút rượu, ba tôi hưng phấn tính, một nửa số lúa là đủ ăn quanh năm, nửa còn lại sẽ bán khi được giá. Đó là năm đầu tiên nhà tôi có lượng lúa dư để bán nhiều hơn dự tính.

Ông cụ hàng xóm đã cho ba má tôi thuê 1 mảnh đất, do tuổi già sức yếu, vợ chồng ông không canh tác hết được. Ban đầu ông bảo bán, nhưng nhà tôi không đủ tiền để mua. Đúng như tôi nghĩ, ba tôi chờ dịp bán số lúa dư cộng với tiền tích góp để hỏi mua mảnh đất đó.

Các chú đùa bảo ba má tôi vợ chồng son, mới chỉ 1 đứa con mà thu hoạch hàng trăm giạ lúa đầy tràn bồ, sắp giống địa chủ rồi. Ba cười, nhà có cái bồ lúa thôi, sao giàu được, phải là lẫm lúa kìa, mới sướng. Mọi người ngơ ngác.

Ba giải thích, ngày trước, các địa chủ, quan lại có ruộng đồng cò bay thẳng cánh thường xây căn nhà rộng 3 gian chỉ để trữ lúa. Căn nhà được chia làm đôi, lối đi ở giữa, 2 bên là 2 cái “lẫm” hình chữ nhật, chứa lúa cao tận nóc. Mọi người mơ màng, đời nông dân ước bấy nhiêu thôi. 

Tôi chưa từng thấy lẫm lúa nhà giàu, chỉ thân quen với bồ lúa nhà mình và hàng xóm. Lũ trẻ chúng tôi thường leo vào bồ chơi trốn tìm hoặc mỗi khi… ăn lén món ngon nào đó. Bồ lúa cũng là nơi con mèo yêu thương của tôi thích nằm ngủ, thích dọn ổ sinh con.

Về sau, cuộc sống tốt hơn, mọi người thường bán lúa ngay lúc thu hoạch trên đồng. Nhà nông không còn trữ lúa cho cả năm, vì vậy thường được ăn cơm thơm mùi gạo mới. Cái bồ lúa trong nhà hoàn thành nhiệm vụ nên lui vào dĩ vãng. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI