Bố lớn tuổi sống bằng lương hưu, nhưng cứ đòi vay ngân hàng để chi tiêu hàng ngày

08/04/2022 - 14:54

PNO - Cuốn sách hay nhất, có thể thay đổi được đời sống tinh thần của bố mẹ, chính là tình yêu thương, chăm chút, chia sẻ của con cái với bố mẹ em.

Chào chị Hạnh Dung!

Năm nay bố em 66 tuổi, mẹ em 57 tuổi. Bố em là người gia trưởng, bảo thủ, càng già càng khó tính.

Bố có lương hưu tầm sáu triệu một tháng. Mẹ em làm ruộng, giờ già rồi chỉ ở nhà trông cháu, dọn dẹp nhà cửa. Nhà có hai chị em gái, kinh tế bình thường không chu cấp gì cho bố mẹ được.

Bố em vì sức khỏe yếu và điều kiện kinh tế, nên về hưu khi mới gần 40 tuổi (cách đây khoảng 30 năm). Sống ở quê, chút lương hưu của bố cộng với công việc đồng ruộng của mẹ  thì việc nuôi hai chị em em ăn học cũng khá vất vả.

Khi chúng em vào đại học, bố lúc nào cũng muốn mẹ bỏ làm ruộng để đi làm thuê, buôn bán, nhưng mẹ không chịu. Mẹ chỉ bán chút rau cỏ nhà trồng được.

Bố sức khoẻ yếu, không làm được gì nên chỉ thích nói và chỉ đạo người khác. Mẹ không chịu đi làm ăn xa như bố đã chỉ đường, vì khi đó bố và ông nội ở nhà hay cãi nhau, hơn nữa ông già rồi, mà mẹ bỏ đi làm xa thì sẽ mang tiếng với dân làng.

Khi ông nội mất, hai chị em em cũng đi làm rồi. Lúc này sổ lương của bố không đưa cho mẹ chi tiêu nữa, mà bố tự lĩnh, lúc nào thích thì đưa, không thích thì thôi.

Hai ông bà với sáu triệu/tháng, nếu khéo chi tiêu thì cũng sống khá ổn ở quê. Tuy nhiên, bố em lúc nào cũng đòi vay tiền ngân hàng để chi tiêu hàng ngày, bảo là để làm ăn. Khi mẹ không đồng ý, bố bảo mẹ ngu, ăn bám người khác, không biết lối làm ăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bố mẹ lúc nào cũng xung khắc với nhau. Nếu mẹ không làm theo ý bố, bố sẵn sàng đập đồ, dùng những từ ngữ không hay ho để mắng mẹ. Đôi lúc em còn tự hỏi, sao bố là người có văn hóa, có hiểu biết, mà có thể "ngoa ngoắt" như thế, dùng từ ngữ phóng đại, không đúng sự thật. Anh em, con cháu cũng chán, không ai góp ý được.

Năm ngoái bố nằm viện, chú em về thăm. Chú bảo thôi, chú không trông bố cháu đâu, để mẹ mày trông chứ bố khó tính không chịu được.

Nhiều lúc em nghĩ giá mà mẹ bỏ đi miền Nam kiếm tiền nuôi thân được, thì tinh thần cũng thoải mái. Nhưng em gái em chuẩn bị sinh con, rồi con nó nhỏ, mẹ thương con nên muốn chăm sóc con cái khi ở cữ.

Nhiều lúc em chán không muốn ra ở với bố mẹ. Bố khó tính, mẹ lại cằn nhằn bố với con cái. Mà không ra ở thì sợ bố mẹ cãi nhau. Bố tìm mọi cách để chọc tức mẹ. Vì bố hay đập đồ nên giờ mẹ không cằn nhằn trước mặt bố nữa, mà chỉ im lặng không nói năng gì.

Hôm nay, bố gọi điện cho bưu điện để các số lương hưu vay tiền về ăn tiêu. Em biết bố mẹ lại chuẩn bị có cuộc chiến mới. Và em thấy mệt mỏi, không biết nên làm gì để ngăn cản bố.

Em chỉ ước, bố ngồi im một chỗ, đừng làm gì, cứ để vợ con lo toan hết mọi việc thì vợ con nhàn, mà bố cũng có tiền đi du lịch, được ăn ngon mặc đẹp. (Quần áo vợ con mua cho thì chê, tự mình đi mua cơ, rẻ nhưng chất xấu. Ăn thì bố chỉ ăn đồ ăn nhanh như xúc xích, đồ đông lạnh, đồ ăn sẵn, nghiện rượu (1 ngày chỉ 1-3 ly nhỏ) và nước ngọt).

Hơn nữa, bố cũng chả biết tính toán làm ăn. Làm cái gì cũng vây, để thu được một đồng thì bố phải bỏ ra hai, ba đồng. Vậy mà có biết hạch toán đâu.

Em nhờ chị tư vấn xem có cách nào để bố em từ bỏ ý nghĩ vay tiền về tiêu không (vì chẳng có công to việc lớn gì). Chị có thể giới thiệu vài cuốn sách để bố mẹ em đọc để thay đổi tâm tính không ạ? Có thể là sách về hôn nhân, gia đình. Sách để giảm nỗi lo về cuộc sống,...

Em đã nhắm mắt coi như không nghe thấy, không nhìn thấy việc bố em làm để tránh cãi nhau. Nhưng mẹ em thì không thể, vì mẹ và bố còn phải lo toan việc cho họ hàng hai bên, rồi con cháu nữa. Em cũng khuyên mẹ coi bố như không khí rồi.

Em cũng xin nói thêm, bố em còn là kiểu người muốn vươn lên trong cuộc sống mà không làm được, gặp khó khăn sẽ kêu ca, suy diễn lung tung, võ đoán. Đôi khi có một vấn đề rất nhỏ thôi cũng suy diễn từ việc này đến việc khác, thậm chí liên kết cả sự việc từ xa xưa rồi.

Em rất mong nhận được sự chia sẻ của chị. Em cảm ơn

Mai Hoa

Em Mai Hoa thân mến, 

Khi đọc thư của em, viết rất dài và rất chi tiết, đến từng điều nhỏ nhặt, về những khó chịu mà em nhận được từ bố và mẹ, Hạnh Dung thật sự cảm thấy bị rối đầu với những gì em đưa ra.

Bởi thật sự, tất cả những chi tiết đó, theo Hạnh Dung thầy đều là những chuyện khá bình thường có thể xảy ra trong các gia đình có hai người già sinh sống cùng nhau, và có nhiều điểm mâu thuẫn nho nhỏ, tất nhiên phài có, khi cuộc sống không được thoải mái như đúng ra những người già nên có.

Cái gốc rễ của vấn đề chính là ở chỗ đó, em ạ. Là ở cuộc sống của bố mẹ không được viên mãn về kinh tế, nghèo nàn về tinh thần. Lỗi do ai, Hạnh Dung nghĩ cũng không cần phài phân tích, vì đó là cuộc đời họ đã đi qua với nhiều cố gắng của họ để nuôi các em ăn học.

Và giờ đây, khả năng kinh tế của họ chỉ có vậy, sức khỏe thì yếu. Họ lại còn tự dằn vặt tinh thần là không thể làm được gì nữa, không thay đổi gì được tốt hơn nữa.

Thật sự, với cái nhìn của người ngoài và cũng là người lớn tuổi, Hạnh Dung thấy thông cảm và thương họ, cả bố lẫn mẹ của em.

Vậy điều em cần phải làm và nên làm cho bố mẹ lúc này, theo Hạnh Dung không phải là phê phán, xét đoán, khó chịu với họ (bởi điều đó thì có ích gì?), tìm cách thay đổi họ theo ý của mình (có làm được điều đó không khi mà họ đã ở vào tuổi này?).

Hãy thương yêu, thông cảm và cố hết sức từ khả năng của mình, để làm điều gì đó tốt hơn cho họ, nếu không kinh tế thì cũng là tinh thần, nhằm giúp cuộc sống của họ tươi sáng hơn, màu sắc hơn.

Hãy thường xuyên ở bên cạnh họ, trò chuyện với họ, đưa con cháu về chơi cùng họ (chứ không phải là để con cháu cho họ trông, sử dụng lao động của bố mẹ một cách tự nhiên như đó là điều họ phải làm).

Hãy giúp đỡ họ được nhiều nhất trong khả năng của mình về kinh tế nữa, em ạ. Họ từng quá sức khó khăn mà vẫn có thể nuôi cả hai chị em ăn học tới đại học, thì sao bây giờ mình lại chỉ nhìn vào khó khăn của mình để mà nói: "Con không có khả năng giúp bố mẹ"?

Đã có nhiều người, với lý luận đó, khi bố mẹ mất đi, họ than tiếc vô cùng, vì biết có khi chỉ là đồng quà, tấm bánh, sự nhịn đi một chút vài tiện nghi hay thú vui nào đó, mà họ khiến bố mẹ vô cùng hạnh phúc. Quà con cái cho bao giờ cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của bố mẹ.

Em hỏi Hạnh Dung là nên mua sách gì cho bố mẹ đọc để thay đổi tâm tính? Điều đó, Hạnh Dung nghĩ, lại là một cách quá dễ dàng mà em chọn lựa để thay đổi cuộc sống của bố mẹ.

Em là người phải biết hơn cả bố mẹ cần đọc gì, xem gì, nghe gì, không có tủ sách chung cho tất cả mọi người đâu em. Mà cuốn sách hay nhất, tốt đẹp nhất có thể thay đổi được đời sống tinh thần của bố mẹ, chính là tình yêu thương, chăm chút, chia sẻ, thông cảm của con cái với tuổi già của bố mẹ.

Với bố mẹ, những người già đã đi qua cả một cuộc đời vất vả, đã hy sinh hết bản thân mình cho con cháu, Hạnh Dung nghĩ điều họ cần hơn cả là tình yêu thương, sự chăm sóc thật sự của con cái dành cho họ.

Và khi nhận được điều đó, họ sẽ bình tĩnh, an lòng, vui vẻ, thậm chí là hạnh phúc. Vì họ hiểu rằng tuổi già của họ an toàn, được đùm bọc và chở che, như họ từng làm hết mình, không tính toán thiệt hơn, cho con cái.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI