PNO - Mới đây, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, khi xây dựng đề kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học môn ngữ văn ở bậc phổ thông, cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu. Nhiều giáo viên cho biết, đây là một thách thức lớn nhưng cần thiết.
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa khi kiểm tra, thi cử nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu; phát huy cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ - văn học, khả năng tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh (HS).
Những thách thức với giáo viên
Hơn 2 năm thực hiện đổi mới dạy học, thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên (GV) ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - cho rằng, việc ra đề thi không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ trị được “bệnh” đoán đề, học tủ, học vẹt; phát huy được những cảm nhận riêng biệt của từng HS. GV không thể “nhét chữ” vào đầu HS như trước đây mà cung cấp những tri thức ngữ văn, kỹ năng cần thiết từng thể loại.
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa làm đề thi là một thách thức rất lớn với GV. Bởi một tác phẩm được chọn phải bảo đảm nhiều yếu tố, như: đúng thể loại đã dạy, đáp ứng tính giáo dục, thẩm mỹ, vừa sức với HS; ngôn từ trong tác phẩm phải đẹp - trong sáng - hay, độ dài vừa phải; tác giả của tác phẩm phải là người có tư tưởng chính trị đúng đắn, đời tư trong sạch… “Để chọn tác phẩm đáp ứng những yêu cầu này rất khó, nhất là khi không có nguồn tài liệu, ngân hàng ngữ liệu chính thống nào, không ai đứng ra kiểm duyệt các tác phẩm này. Nếu lựa chọn không kỹ, đề thi dễ gặp phải phản ứng trái chiều từ HS, phụ huynh, dư luận xã hội” - thầy Đỗ Đức Anh phân tích.
Học sinh Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) trong một tiết kiểm tra cuối năm
Đồng quan điểm, thạc sĩ Võ Kim Bảo - Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cũng chỉ ra, GV phải xử lý khối lượng công việc rất lớn vào mỗi đợt kiểm tra, thi cử. “Mỗi đợt thi, GV phụ trách soạn ít nhất 3 đề/khối trong vòng 2 tuần. Ban giám hiệu sẽ chọn 1 trong 3 nên đề phải đạt chất lượng như nhau. Riêng tôi là tổ trưởng bộ môn nên ngoài việc soạn đề cho khối Chín còn duyệt 9 đề khác của 3 khối còn lại. Thời gian ngắn nên rất áp lực. Ngoài các yêu cầu về nội dung, thể loại đúng chúng tôi còn phải dò từng dấu phẩy, dấu chấm… vì chỉ cần một sai sót nhỏ là bị phản ứng” - thầy Võ Kim Bảo chia sẻ.
Cô Nguyễn Thùy Thu Trang - GV ngữ văn một trường THCS tại TPHCM - cũng cho rằng việc ra đề thi ở bậc THCS chưa thống nhất. Trước đó, GV được yêu cầu ra đề gồm trắc nghiệm và tự luận trong khi GV chưa được tập huấn cách soạn câu hỏi theo dạng này nên khi làm câu hỏi - đáp án trắc nghiệm còn lúng túng. Cô nói: “Trong một đề phải có 8 câu hỏi trắc nghiệm, 8 câu gồm ít nhất 8 ngữ liệu khác nhau. Mà mỗi khối phải có ít nhất 3-5 đề, GV cần nguồn ngữ liệu lớn, chưa kể đề thi năm sau không được trùng năm trước… nên khó vô cùng”.
Ngoài ra, nhiều GV từ trước tới nay dạy học và ra đề thi đều dựa vào SGK nên chưa quen, có những người bị “đóng khung” trong chương trình cũ quá lâu, rất khó để thích nghi.
Cần lập ngân hàng đề
Ngoài những khó khăn với GV, việc đổi mới cách đánh giá, ra đề thi môn văn còn khiến thầy cô lo ngại HS học thiên về “kỹ thuật” làm bài, học thuộc các thể loại bài thay vì đào sâu, phân tích và cảm thụ tính thẩm mỹ trong văn học. Điều này dễ khiến các em làm bài hời hợt, nông cạn.
Theo cô Dương Ngọc Yến - Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Trường Chinh (quận 12) - nếu HS không cảm thụ được tính văn học - cảm xúc trong mỗi tác phẩm thì “chất văn” sẽ không còn nữa, môn ngữ văn sẽ như một môn khoa học. Còn với HS không có năng khiếu về ngữ văn sẽ gặp khó khăn trong việc diễn đạt. Bởi những ngữ liệu trong đề thi mới hoàn toàn, nhất là ở trong phòng thi, các em không có nhiều thời gian để đánh giá, suy ngẫm nên dễ lạc đề.
Dù vậy, nhiều GV cho rằng việc thay đổi cách dạy và học ngữ văn là hợp lý và cần thiết. Theo thầy Võ Kim Bảo, bản thân mỗi GV phải nỗ lực thay đổi, tích cực học hỏi để thích nghi với chương trình mới và giúp HS phát huy tốt năng lực của mình, khắc phục những vướng mắc hiện tại. Với cách ra đề mở, GV phải thay đổi tư duy khi chấm bài, chấp nhận lối suy nghĩ ngây thơ của HS, không áp đặt các em phải làm bài theo mong muốn của mình. Tuy nhiên, GV cần xây dựng bảng kiểm để đối chiếu các tiêu chí HS cần đạt, việc chấm bài sẽ khách quan và có cơ sở hơn.
Ngoài ra, làm việc nhóm theo tổ cũng giúp GV hỗ trợ và học hỏi nhau. Trong quá trình chấm bài, nếu có vướng mắc, đắn đo mọi người có thể cùng thảo luận, trao đổi đưa ra cách chấm phù hợp. Không chỉ đánh giá kết quả học tập, thường tháng Ba hằng năm Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi tốt nghiệp THPT minh họa. GV các trường sẽ xây dựng khối lượng ngân hàng đề thi cho trường để lên kế hoạch ôn thi cho HS lớp Mười hai.
Thầy Đỗ Đức Anh đề xuất, để GV tự tin và yên tâm hơn khi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa soạn đề thi, bỏ “lối mòn” trong dạy và ra đề lâu nay, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT nên thiết lập ngân hàng đề thi từng cấp ở tất cả môn, trong đó có môn ngữ văn. Đồng thời, các nhà quản lý nên kêu gọi GV đóng góp, giới thiệu các tác phẩm hay ở nhiều thể loại vào ngân hàng chung để cộng đồng GV có thể tham khảo lẫn nhau, lúc đó nguồn ngữ liệu sẽ dồi dào hơn.
Về phía HS, để làm tốt những dạng đề mở này, các em nên tăng cường đọc sách, xem tin tức thời sự, cập nhật kiến thức mới để có nền tảng kiến thức thực tế đa dạng và vững chắc nhằm ứng dụng vào bài làm của mình.