Bỏ lịch tái khám, ngại tới bệnh viện vì… sợ corona

05/02/2020 - 07:04

PNO - Tâm lý e ngại phòng khám, bệnh viện vì sợ lây chéo virus corona chủng mới khiến nhiều phụ huynh chần chừ đưa con đi bệnh viện, thậm chí bỏ cả lịch tái khám.


Không dám đưa con đi khám bệnh hô hấp

Bé N.T.A., 8 tuổi, con gái chị N.T.P. (ở quận 7, TPHCM) tự nhiên húng hắng ho. Con ho, cả nhà lo, vợ chồng chị P. không ai bảo ai nhìn nhau ái ngại theo mỗi tiếng ho của con. 

Chẳng dám nhắc tới từ mà bất cứ ai cũng đang sợ hãi nhưng chị P. và ông xã không thôi ám ảnh, thấp thỏm theo dõi con. Chị liên tục hỏi: “Con có đau họng hay khó thở không?” và lâu lâu lại đưa tay sờ trán con gái. 

Nếu là ngày thường, chắc chắn chị sẽ chở con ra ngay phòng khám chuyên khoa hô hấp gần nhà, thế nhưng hôm nay lại chần chừ, trì hoãn. 

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm coronavirus. (Ảnh: phunuonline)
Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm coronavirus. Ảnh: phunuonline

Chị P. tâm sự: “Nhỡ con bé chỉ cảm mạo bình thường, đưa ra đó là nơi chuyên khám cho các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp, chẳng may con coronavirus nào đó... đi lạc, lây cho con tôi thì phải làm sao?”.

Để con ở nhà và tự điều trị bằng siro ho, chị P. cũng không yên tâm. Tuy gia đình chị P. không đến Trung Quốc nhưng có lui tới một số điểm du lịch trong nước dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đọc báo thấy thông tin một số bệnh nhân phát hiện nhiễm coronavirus từ Vũ Hán có ghé qua các điểm du lịch đó, chị P. lại càng lo lắng: liệu con bé ho như vậy chỉ là do cảm; có nên cho bé làm xét nghiệm coronavirus để yên tâm? 

Tâm lý e ngại đưa con đi khám bệnh hô hấp không chỉ xảy ra với riêng gia đình chị P.. Khi thấy con trai 9 tuổi hắt xì liền ba cái, chị P.T.T. (ở quận 10) lo đến mất ngủ. Cả nhà bàn nhau nếu bây giờ tình trạng bệnh của con nặng hơn, ho và sốt nữa thì thì cho bé khám ở đâu. Bệnh viện là nơi có biết bao nguồn lây nhiễm, vào đấy khám nhỡ chẳng may lây chéo rồi bị cách ly thì khổ.

Ngay cả ra tiệm mua thuốc mà chị T. cũng ái ngại, theo chị, ngoài bệnh viện, phòng khám thì nhân viên bán thuốc dễ trở thành nguồn lây bệnh nhất (?!). 

Bỏ cả tái khám lẫn chích ngừa vì sợ… corona

Không riêng người có các triệu chứng về đường hô hấp mới ngại đi khám, không ít bệnh nhân có lịch tái khám cũng muốn trì hoãn tới bệnh viện trong thời điểm này. 

Chị H.T.T.X. (ở huyện Nhà Bè) cho biết mẹ mình có lịch tái khám tiểu đường và một số bệnh chuyển hoá vào cuối tuần này tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhưng do bệnh này không phải cấp cứu nên gia đình chị quyết định đi mua đơn thuốc cũ cho bà uống thêm một tháng. 

“Mẹ tôi là đối tượng có nguy cơ trở nặng nếu nhiễm coronavirus do bà có rất nhiều bệnh lý nền. Môi trường bệnh viện lại quá đông người nên chúng tôi hoãn tái khám tháng này cho… chắc ăn” - chị X. nói.

Trẻ em được trang bị khẩu trang và kỹ năng phòng tránh lây nhiễm coronavirus. (Ảnh: phunuonline)
Trẻ em được trang bị khẩu trang và kỹ năng phòng tránh lây nhiễm coronavirus. Ảnh: phunuonline

Không chỉ thế, một phụ huynh e ngại đưa con nhỏ tới bệnh viện chích ngừa đã nhờ bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM tư vấn. Theo chị này, em bé đã đến lịch chích nhắc nhưng chị sợ bé còn nhỏ, cho ra ngoài dễ bị lây coronavirus nên có ý bỏ không chích mũi này.  

Hoang mang thái quá, chưa chết vì corona đã chết vì bệnh

Một số câu hỏi đang được các phụ huynh trăn trở đó là: Nếu con có các triệu chứng bệnh hô hấp vào thời điểm này thì đi khám ở đâu mới an toàn? Có thể tự yêu cầu làm xét nghiệm coronavirus được không? Có nên lui tới bệnh viện trong thời gian này nếu không có bệnh lý cấp tính cần cấp cứu?

Người dân có ý thức phòng tránh lây nhiễm coronavirus rất đáng hoan nghênh nhưng không nên hoang mang thái quá. Ảnh: Thanh Huyền.
Người dân có ý thức phòng tránh lây nhiễm coronavirus rất đáng hoan nghênh nhưng không nên hoang mang thái quá. Ảnh: Thanh Huyền.

Để giải đáp nỗi lo lắng của phụ huynh và người dân, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo:

- Trước đây con cái bị ốm, cha mẹ đưa đi khám ở đâu, bây giờ vẫn làm như vậy. Số ca nhiễm coronavirus tại nước ta rất ít (chưa gọi là dịch) và đã được cách ly theo dõi. Không có chuyện lây chéo coronavirus ở phòng khám hay bệnh viện. 

- Chỉ làm xét nghiệm coronavirus khi có yếu tố dịch tễ (lui tới vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế). Bác sĩ sẽ là người chỉ định làm xét nghiệm nếu thấy cần thiết (không phải ai thích cũng yêu cầu được). 

- Vùng dịch ở đây là từ Vũ Hán về và tiếp xúc trực tiếp với người từ Vũ Hán về. Mọi người cần phân biệt rõ tại một số thành phố du lịch của Việt Nam phát hiện người nhiễm coronavirus không có nghĩa thành phố đó là vùng dịch.

Tâm lý "vì vừa đi Nha Trang hay Cần Thơ chơi tết về, bỗng bị ho và ám ảnh mình có thể lây nhiễm bệnh do những thành phố này mới phát hiện có người dương tính với coronavirus" là lo lắng thái quá.

- Những ai đang điều trị bệnh lý mạn tính tới lịch tái khám vẫn cần tới bệnh viện bình thường. Đừng để chưa chết vì corona đã chết vì không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh phải đưa trẻ đi chích ngừa, chích nhắc đúng lịch (mẹ nên bế bé úp mặt vào phía mình khi lui tới nơi đông người). Nếu bỏ chích ngừa còn nguy hiểm cho trẻ em hơn vạn lần, nguy cơ sẽ làm trỗi dậy nhiều dịch bệnh cùng một lúc.

Thanh Huyền                                              

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI