Hao tốn quá nhiều công sức, tiền của
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng cho biết, thí sinh thi 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị phải cả 2 tháng. Chưa kể tiền của đổ vào kỳ thi. Dù chưa có thông tin, con số thống kê cụ thể về kinh phí cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng dư luận ước đoán “tốn hàng ngàn tỉ đồng”. Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, riêng tỉnh Đồng Nai dự kiến chi 10 tỉ đồng kinh phí tổ chức. Nếu xem đây là kinh phí trung bình để tổ chức kỳ thi ở một địa phương thì ngân sách phải chi cho kỳ thi là 640 tỉ đồng; chưa kể hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an ở khắp các tỉnh, thành, quận, huyện phải tham gia giải tỏa giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại các hội đồng thi; hàng ngàn thanh niên tình nguyện, hàng chục ngàn đoàn viên tham gia hỗ trợ thí sinh, kỳ thi… và rất nhiều chi phí, công sức khác.
Cồng kềnh, tốn kém như vậy nhưng tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cao chót vót khiến dư luận đặt vấn đề về sự cần thiết của kỳ thi này. Trong 5 năm gần đây, 2019 là năm có tỉ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT thấp nhất: 94,06%. Năm 2018, tỉ lệ này là 97,57%; năm 2020 là 98,34%; năm 2021 là 96,8% và năm 2022 là 98,57%. Như vậy, trung bình mỗi năm chỉ có 2,93% tổng số học sinh trượt tốt nghiệp. Chưa kể năm 2022, có nhiều địa phương đạt tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên 99% như: Sơn La (99,6%), Ninh Bình (99,49%), Đồng Tháp (99,38%), Điện Biên (99,24%)…
|
Sinh viên tình nguyện hỗ trợ tại điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - Ảnh: Anh Ngọc |
Hồi đầu năm, cử tri ở TPHCM, Lâm Đồng đã gửi đến Bộ GD-ĐT kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giao lại cho các địa phương tổ chức thi hoặc có hình thức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cử tri TP Hải Phòng đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh bằng cách căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện ở trường phổ thông…
Đây không phải là vấn đề mới đặt ra. Cuối năm 2021, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng nêu, có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không? 10 năm trước, cử tri các tỉnh An Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ đã đề nghị Bộ GD-ĐT không tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét kết quả cuối năm học, vì tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp rất cao và xét tốt nghiệp sẽ tiết kiệm được ngân sách nhà nước.
Nên có một kỳ thi nhẹ nhàng hơn
Càng những năm gần đây, điểm thi tốt nghiệp THPT càng rời xa mục đích kép là xét tuyển đại học (ĐH). Bởi, nhiều trường ĐH đã tổ chức kỳ thi riêng. Ngoài kỳ thi tốt nghiệp, còn có 10 kỳ thi (năm 2022 có 7 kỳ thi) khác được tổ chức. Ở quy mô rộng là các đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi riêng, kết quả được 8 trường sư phạm cùng sử dụng để xét tuyển…
Hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển ĐH, nhưng duy nhất phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là “muộn”. Tất cả phương thức khác đều là xét tuyển sớm. Một ví dụ là ngay trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 95% học sinh lớp Mười hai Trường phổ thông liên cấp Edison (tỉnh Hưng Yên) đã đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường ĐH.
Từ giữa tháng Sáu đã có 11 trường ĐH công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2023. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Luật Hà Nội… đã thông báo kết quả xét tuyển sớm. Năm ngoái, trong tổng số 521.000 thí sinh trúng tuyển nhập học, có trên 50% thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm.
Thực tế đó một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT không. Theo tiến sĩ Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trong bối cảnh hiện nay, chưa nên bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi điểm thi tốt nghiệp hiện còn được sử dụng để đối sánh với điểm học bạ. Kết quả thi tốt nghiệp cũng là căn cứ đánh giá chất lượng học sinh giữa các địa phương, các cơ sở giáo dục. Theo ông, Bộ GD-ĐT nên giao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp.
Còn Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VIII) - cho rằng, vẫn cần một kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng nhẹ nhàng và ít tốn kém hơn. Kỳ thi này nên do các tỉnh tổ chức, nhằm cấp bằng tốt nghiệp và có số liệu để đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương; từ đó Nhà nước có các chính sách nhằm điều chỉnh đầu tư giáo dục cho các địa phương để có sự cân bằng trong cả nước. Như vậy, vừa có căn cứ đánh giá kết quả đào tạo bậc phổ thông, vừa không quá nặng nề, tốn kém.
Thay đổi cách thi đã quá cũ Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng, hệ thống ĐH tư cùng sự mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo của các trường công đã khiến giấc mơ ĐH của thanh niên trở nên hiện thực hơn rất nhiều. Điểm thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều ý nghĩa với con đường vào ĐH. Bên cạnh đó, việc bắt buộc thi tốt nghiệp sẽ dễ dẫn đến tâm lý môn chính, môn phụ ở cả học sinh, giáo viên và phụ huynh. Như thế, là rời xa mục tiêu của giáo dục “nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam” (điều 2, Luật Giáo dục 2019). Giáo viên cũng sẽ dạy để làm sao học sinh đậu tốt nghiệp, nên kiến thức cơ bản của sách giáo khoa sẽ được coi là toàn bộ nội dung giáo dục. Học sinh sẽ chỉ được học những kiến thức trong sách và không có cơ hội tham gia các hoạt động giáo dục thú vị, các bài học giúp khám phá bản chất sự vật, hiện tượng - những điều giúp các em phát triển toàn diện. Một số giáo viên dạy bậc THPT cho rằng, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT là kết quả toàn diện gần như duy nhất của 12 năm học. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT bộc lộ nhiều hạn chế, tốn kém mà không đúng tính chất đánh giá kết quả giáo dục phổ thông. Việc xác định một số môn cho là quan trọng để đưa vào một kỳ thi, trong một vài ngày là cách thi đã quá cũ. Điều 29 Luật Giáo dục 2019 quy định rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông là: Phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, nhằm phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân… Do vậy, cần phải có cách thi phù hợp, đáp ứng mục tiêu đó. Để tránh học tủ, học lệch; tất cả môn học lớp Mười hai cần phải được thi kết thúc môn. Các môn học cũng cần được sắp xếp sao cho việc thi kết thúc môn không dồn vào cuối năm học, vừa khiến học sinh áp lực thi cử, vừa không hiệu quả trong việc học. Điểm xét tốt nghiệp nên là điểm trung bình của các môn học đó. |
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có vai trò riêng của nó. Kết quả của kỳ thi là cơ sở để công nhận đạt yêu cầu tối thiểu của chương trình phổ thông cho người học; đồng thời giúp cải thiện chất lượng quá trình giáo dục trước đó. Kết quả này còn thể hiện trách nhiệm giải trình của hệ thống giáo dục, ngành giáo dục địa phương về những đồng tiền thuế đã tiêu đi. Ông cũng cho rằng chưa có chứng minh nào về tác động của kỳ thi đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Trong khi đó, một số quốc gia đã có nghiên cứu ảnh hưởng của kỳ thi đối với nguồn nhân lực ở thị trường lao động. Ví dụ, Trung Quốc cũng từng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. Sau đó, họ giao cho chính quyền địa phương tự quyết định việc có tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không - thì một số tỉnh đã bỏ, một số tỉnh để mỗi thành phố tự tổ chức kỳ thi. Nhưng rồi nhiều tỉnh đã phát hiện chất lượng giáo dục phổ thông không đảm bảo. Trung Quốc đã yêu cầu tất cả địa phương phải tổ chức thi đánh giá năng lực tổng hợp. Kết quả thi này được họ dùng làm cơ sở xét tuyển ĐH. |
Minh Tuệ