PNO - Trước diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, việc ra mắt bộ sinh phẩm (bộ kit) thử SARS-CoV-2 của Học viện Quân y càng ý nghĩa hơn bao giờ hết. Với thành công này, Việt Nam sẽ chủ động và rút ngắn được thời gian xét nghiệm, từ đó đưa ra phác đồ điều trị sớm. Ít ai biết, nhóm các nhà khoa học mang áo lính của Học viện Quân y đã vào cuộc 20 ngày trước khi Việt Nam công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Thượng tá Hồ Anh Sơn, Trung tướng Đỗ Quyết và thiếu tá Hoàng Xuân Sử (từ trái qua) trong phòng làm việc
Tận dụng sự kết nối với mạng lưới
Thiếu tướng Phạm Đức Thọ - Phó chính ủy Học viện Quân y - chia sẻ, ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19, học viện đã thành lập năm tổ công tác phòng chống dịch.
Các tổ được phân công theo từng nhiệm vụ, trong đó tổ nghiên cứu và nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (thuộc học viện) là hạt nhân. Nhóm hạt nhân này gồm các nhóm nhỏ: nhóm thực hiện nhiệm vụ chính là nghiên cứu đề tài, làm ra bộ kit theo chu trình sản xuất, hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ; nhóm phát triển kit có độ nhạy cao hơn, phát hiện virus ở những người lành mang trùng, người mang virus nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài hoặc người có lượng virusthấp mà những xét nghiệm thông thường không phát hiện được; nhóm đi sâu phân tích những thông tin di truyền của virus…
Thiếu tá - tiến sĩ Hoàng Xuân Sử - Trưởng phòng Vi sinh y học, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, một trong ba thành viên chủ chốt nghiên cứu bộ kit thử SARS-CoV-2 - cho biết, bài báo khoa học đầu tiên về COVID-19 được công bố ngày 13/1/2019. Ngay sau đó, quy trình xét nghiệm được công bố trên tạp chí của Hội Truyền nhiễm quốc tế. Các nhà khoa học đã cảnh báo sự đe dọa của dịch này đến sức khỏe toàn cầu.
Tuy nhiên, bài báo công bố đó chỉ dựa vào những thông tin chia sẻ, còn thông tin chính thống từ phía Trung Quốc thì đến cuối tháng 12/2019, WHO mới nhận được dữ liệu gửi về. Ban đầu, họ chỉ cung cấp thông tin có một bệnh viêm phổi mà chưa rõ nguyên nhân. Sau đó, họ xác định được chủng viruscorona mới và đặt tên là nCoV, dựa vào công nghệ giải trình gen thế hệ mới. Nhưng ban đầu, trình tự gen cũng chưa được chia sẻ.
Đến khi Hồng Kông xuất hiện ca nhiễm, nhóm nghiên cứu của Hồng Kông phát hiện là do chủng corona và nhóm này đã chia sẻ nghiên cứu với các nhà khoa học ở Đức. Thông tin này tới Đức, phục vụ việc thiết kế các xét nghiệm. Ban đầu, các nhà khoa học Đức thiết kế dựa trên SARS-CoV gây dịch SARS năm 2003, trên chứng dương (là mẫu virus mà khi chạy xét nghiệm, phải cho kết quả dương tính, để đảm bảo chính xác cho các xét nghiệm hoạt động tốt) của chủng này.
Thiếu tá Hoàng Xuân Sử chuyên nghiên cứu, phát triển các xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử để phát hiện các tác nhân gây bệnh. Do đó, khi xuất hiện tác nhân mới, ông phải tìm đọc, nghiên cứu tài liệu rất nhiều. Khi xuất hiện dịch ở Trung Quốc, thiếu tá Sử đã tìm hiểu. Khoảng một tuần sau, xuất hiện ca bệnh ở Thái Lan và các quốc gia khác, ông bắt đầu quan tâm nhiều hơn. Ông tìm các tài liệu, quy trình, cách thức thiết kế các xét nghiệm. Ngày 21/1, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự đã đặt hóa chất để nghiên cứu.
Hôm sau, ngày 22/1, tại TPHCM, có hai bệnh nhân và ngày 29/1, Việt Nam công bố ca mắc COVID-19 đầu tiên sau khi có kết quả xét nghiệm. Đầu tháng Hai, xảy ra chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Vấn đề đặt ra là, để xét nghiệm những ca nghi ngờ, Việt Nam phải có công cụ xét nghiệm. Do đó, học viện đã tập trung mọi nguồn lực cũng như tận dụng các quan hệ hợp tác quốc tế để có được sự chia sẻ thông tin liên quan đến phát triển xét nghiệm này.
Thiếu tá Sử được một số giáo sư người Đức, người Pháp cung cấp thông tin. Các nhà khoa học đó cho biết, WHO đã khuyến cáo sử dụng mẫu SARS nếu chưa có mẫu COVID-19. Thiếu tá Sử lại liên hệ qua trang EAVG - trang chia sẻ virus của châu Âu và họ đồng ý tài trợ cho học viện mẫu chứng dương COVID-19.
Thành công từ kit thử Ebola 2014 đã giúp các nhà khoa học của Học viện Quân y có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu và chế tạo kit thử SARS-CoV-2
Ăn tết với cơm hộp, làm việc xuyên đêm
Những ngày đầu xuất hiện COVID-19, các nhà khoa học của học viện cũng như các nhóm nghiên cứu trên thế giới đều tập trung tìm phương pháp chẩn đoán, phát hiện bệnh và tìm cách phân loại virus trong môi trường nuôi cấy. Ngay sau khi bắt tay vào xây dựng kế hoạch nghiên cứu đề tài, nhóm đã liên hệ với đối tác tại Bệnh viện Charite (Berlin, Đức) để có thông tin di truyền, phương tiện xác định SARS-CoV-2 (khi đó gọi là 2019-nCoV).
Giữa gian phòng làm việc tứ bề là sách, thiếu tá Hoàng Xuân Sử chia sẻ, khi bắt tay nghiên cứu bộ kit phát hiện SARS-CoV-2, học viện thiếu thốn đủ thứ. Song những thiếu thốn đó không làm khó được những nhà khoa học mang áo lính. Thiếu tá Sử tủm tỉm khoe: “Kit thử SARS-CoV-19 thành công cũng nhờ chúng tôi đã có kinh nghiệm, cũng như đã tối ưu hóa công nghệ từ hồi làm kit thử Ebola năm 2014. Vì vậy, khi làm kit thử SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu đã có nhiều thuận lợi”.
Thượng tá - phó giáo sư Hồ Anh Sơn - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân đội, chủ nhiệm đề tài - có vẻ xanh xao, mệt mỏi sau chuỗi ngày dài chạy đua với dịch bệnh, nhưng nụ cười của ông vẫn tươi rói. Trong suốt thời gian thực hiện đề tài, kể cả tết Canh Tý, ngày nào ông và các thành viên trong nhóm nghiên cứu cũng ăn cơm hộp cho nhanh để còn dành thời gian làm việc. Nhiều đêm, nhóm nghiên cứu phải làm việc đến 2-3g sáng để hoàn thành việc chẩn đoán các mẫu bệnh phẩm và kịp thông báo kết quả cho bệnh viện.
Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y - kể: “Tính từ ngày 7/2 đến 4/3, khi được Bộ Y tế cấp phép, chúng tôi có chưa đầy một tháng để hoàn thành một bộ kit chuẩn”.
Nhắc đến quãng thời gian chạy đua cùng COVID-19, tướng Quyết xúc động: “Tất cả đều trong tâm thế chủ động, sáng tạo, hợp tác với nhau và làm ngày đêm. Chúng tôi đã phải làm việc gấp ba mới đảm bảo được thành công của công trình như hôm nay. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã dốc hết trí lực và quyết tâm, để thực hiện đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Chúng tôi là những người lính, nên càng phải xung kích”.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.