Bỏ kiểm dịch, có thả nổi chất lượng trứng gia cầm?

05/08/2016 - 18:19

PNO - Theo Thông tư 25 của bộ NNPTNT, từ ngày 15/8, người tiêu dùng có thể mua trứng trực tiếp từ các trại nuôi với giá rẻ, nhưng từ đây lại xuất hiện nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Người mua, người bán hưởng lợi

Theo Thông tư 25 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, trứng gia cầm tươi và chế biến (trứng bắc thảo, trứng muối, trứng lộn, trứng ăn liền…), từ ngày 15/8 các sản phẩm này sẽ được miễn kiểm dịch. Khi cơ quan thú y không còn vai trò giám sát quả trứng, sự kiểm soát chỉ còn lực lượng quản lý thị trường và cơ quan quản lý ATVSTP. Việc kinh doanh trứng gia cầm xem như sẽ trở về thời kỳ trước khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối năm 2003.

Giới tiểu thương bán trứng ở chợ và các chủ trại gà là hai đối tượng phấn khởi nhất, bởi từ nay họ không còn lệ thuộc vào các vựa trứng cấp 1, cấp 2; người tiêu dùng tại TP cũng được lợi vì có thể mua trứng với giá rẻ hơn, do mặt hàng này không phải gánh phí kiểm dịch hay qua các khâu trung gian. Theo ông Nguyễn Ngọc Khoa, chủ trại gà lớn ở miền Đông, nhiều năm qua người chăn nuôi luôn bị các vựa trứng cấp 1, cấp 2 và hai doanh nghiệp (DN) kinh doanh trứng bình ổn ở TP.HCM khống chế giá. Giá trứng họ trả cho các chủ trại luôn rất thấp, nhưng đến tay người mua thì quá cao, có thời điểm chênh lệch đến 30- 40%. Người nuôi gà không có quyền quyết giá trứng mà việc này nằm trong tay các đầu mối kinh doanh lớn ở TP, nên thường bị thua lỗ hoặc chỉ có lợi nhuận rất thấp.

Bo kiem dich, co tha noi chat luong trung gia cam?
Nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống thiết bị xử lý trứng gia cầm lo ngại thị trường sẽ xáo trộn

Ghi nhận đường đi của một quả trứng từ trại nuôi đến tay người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhìn thấy chi phí trung gian khá lớn. Cụ thể, hiện DN thu mua trứng gà loại 1 tại trại nuôi khoảng 1.700đ/trứng. Tiền vận chuyển về nhà máy xử lý hết 50đ. Chi phí nhân công, bao bì, khấu hao máy móc, điện nước, kiểm dịch hết khoảng 200đ, tổng cộng 250đ. Nếu bán ở siêu thị thì tốn thêm chi phí chiết khấu 8-10%, bán lẻ ở cửa hàng thì tốn chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước...

Thế nhưng, giá trứng đến tay người tiêu dùng luôn ở mức 2.400-2.600đ/trứng. Nhiều hộ nuôi cho rằng, với giá này, các DN có lãi đến 400-600đ/trứng. Trước đây, dù nhiều ý kiến cho rằng, giấy kiểm dịch trứng gia cầm chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng nhiều trong việc đảm bảo an toàn, nhưng khi loại giấy này bị bãi bỏ, lại có không ít người lo lắng chất lượng mặt hàng này sẽ bị thả nổi. Thực tế, nhiều chủ trại khẳng định, hầu hết các trại nuôi gà đẻ hiện đã được đầu tư quy mô lớn, hệ thống chuồng kín, gắn máy lạnh, nên quả trứng ra khỏi trại cũng sạch sẽ chứ không dơ bẩn như trước nên không đáng lo về vấn đề ATVSTP.

Có thả nổi chất lượng trứng?

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, việc bỏ kiểm dịch trứng gia cầm chắc chắn sẽ làm xáo trộn thị trường mặt hàng này vì việc kiểm dịch đã tồn tại suốt hàng chục năm, từng là biện pháp chính để kiểm soát dịch cúm gia cầm. Hiện nay, mặt hàng trứng gia cầm không còn bị đe dọa bởi dịch cúm nhưng thị trường đang tiến tới việc quản lý, phân phối mặt hàng này theo chuỗi để đảm bảo ATVSTP, nên nếu không còn giấy kiểm dịch mà quản lý thị trường không quản lý tốt sẽ chẳng còn DN nào hứng thú với việc đầu tư quản lý theo chuỗi. Theo ông Thiện, mặt hàng trứng gia cầm lưu thông trên thị trường hiện vẫn có đến 60-70% là từ các hộ nuôi nhỏ lẻ; DN đầu tư bài bản để làm trứng sạch vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Các DN có đầu tư hệ thống làm sạch, phân loại, xử lý trứng… như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân… nhận định, mỗi quả trứng được xử lý, cho vào bao bì, đóng nhãn mác trước khi ra thị trường chỉ có chi phí cao hơn từ 200-300đ so với trứng không được xử lý, đóng gói. Vì thế, dù giấy kiểm dịch được bãi bỏ, những công ty, cơ sở làm bánh… phải sử dụng nguồn trứng lớn làm nguyên liệu chắc chắn cũng không dám mạo hiểm sử dụng nguồn trứng trôi nổi, vì nếu xảy ra sự cố liên quan đến ATVSTP sẽ rất khó truy tìm nguồn gốc của trứng.

Chỉ những khách hàng nhỏ như quán cơm, tiệm ăn… tất nhiên sẽ tính đến yếu tố giảm giá mà chuyển sang sử dụng trứng từ những người cung cấp nhỏ lẻ. Các DN kinh doanh mặt hàng này dự báo, các siêu thị cũng sẽ bất lợi vì để trứng gia cầm vào được siêu thị bắt buộc phải có nguồn gốc và quy trình xử lý đảm bảo ATVSTP, đồng nghĩa với việc giá bán sẽ cao hơn trứng ngoài thị trường, không còn hấp dẫn người tiêu dùng được nữa.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM lo lắng, khi thực hiện Thông tư 25, các tỉnh sẽ không quan tâm, thậm chí buông lỏng việc kiểm soát, khả năng tái phát dịch cúm gia cầm sẽ cao. Bỏ kiểm dịch còn tạo điều kiện cho trứng từ các tỉnh phía Bắc, trong đó có trứng Trung Quốc, tràn vào khi có chênh lệch giá, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, ông Thảo đánh giá Thông tư 25 là một bước thụt lùi trong vấn đề quản lý.

Nếu không có sự kiểm dịch, người dân sẽ không biết đâu là trứng sạch, đâu là trứng bẩn, quy định mới sẽ tạo điều kiện cho trứng trôi nổi tràn lan và rất khó kiểm soát nếu xảy ra dịch bệnh. Nếu ăn phải trứng bị nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc đã bị nhiễm vi rút H5N1, các mầm bệnh này sẽ xâm nhập vào cơ thể khiến người tiêu dùng bị tiêu chảy, thương hàn, nhiễm cúm, thậm chí sẽ tử vong.

Ngoài ra, tại thời điểm xảy ra dịch cúm gia cầm trên diện rộng, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền xử lý trứng gia cầm để cung cấp trứng sạch ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để có được thiết bị xử lý hiện đại, nếu không có kiểm dịch, thì sản phẩm từ những dây chuyền sạch này sẽ chẳng khác gì sản phẩm của các cơ sở nhỏ đầu tư sơ sài hoặc chỉ được xử lý thủ công, không đảm bảo an toàn vệ sinh, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI