Bộ khay trầu hộp 170 năm tuổi

11/05/2024 - 06:11

PNO - Bộ khay của bà sơ tôi được bảo quản như món kỷ vật của thời gian. Lâu lâu cha lại sai tôi mang khay ra lau chùi rồi đặt về chỗ cũ - nơi thờ phụng tổ tiên.

Cha nói bộ khay trầu hộp là di vật bà sơ tôi để lại, tuổi đời trên 170 năm. Cả khay và hộp đều làm cùng chất liệu là gỗ gõ mật bền chắc nên vẫn còn giữ nguyên được hiện trạng. Không còn đựng miếng trầu chung rượu trong đám tiệc cưới hỏi của nhiều thế hệ trong gia tộc, có khi cả bà con chòm xóm, bộ khay trầu hộp bây giờ được đặt trang trọng trên bàn thờ ông bà.

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần có người đến hỏi mượn khay trầu hộp là biết ngay nhà ấy sắp có hôn sự. Cha kể, trừ lễ xem mắt, tất cả nghi thức sau đó từ lễ nạp tài, vấn danh, dạm hỏi rồi đến rước dâu đều nhất thiết phải có bộ khay trầu hộp.

Bộ khay trầu hộp trên 170 năm tuổi của bà tác giả
Bộ khay trầu hộp trên 170 năm tuổi của bà tác giả

Với ông già bà cả thời ấy, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Không riêng dịp cưới hỏi trọng đại, ngày thường khi khách tới chơi, gia chủ đem trà nước ra tiếp, sau mời ăn trầu. Hình ảnh chủ khách vừa trò chuyện vừa têm trầu với một chút vôi, kẹp một miếng cau chẻ nhỏ rồi bỏ vào miệng bỏm bẻm nhai là hình ảnh mà lâu rồi tôi không còn được nhìn thấy.

Với người xưa, trầu cau còn là biểu tượng đẹp đẽ của tình yêu và sự cam kết. Trong đám cưới hỏi, luôn phải có một người đức cao vọng trọng bưng khay trầu rượu sang “ăn nói” với đàng gái mà “xin dâu”. Khay làm bằng gỗ quý có hình vuông, trên khay gồm hộp hình trụ tròn đựng trầu, bình rượu kiểu nhỏ và 2 chung rót rượu.

Thông thường, trong khay trầu rượu đám hỏi có 4 miếng trầu và đám cưới là 6 miếng. Vào trước hôm đến nhà gái, người chủ hôn sẽ nhờ một người đã có gia đình mà gia đình đó phải ấm êm hạnh phúc để têm giúp những miếng trầu lễ này, để lấy phước từ người têm.

Trầu têm theo kiểu cánh phượng hoặc có thể giản đơn nhưng phải bày biện sao cho đẹp mắt. 2 chung rượu có cặp có đôi là tượng trưng cho sự thủy chung. Khi rước dâu về bên đàng trai, sau màn lễ gia tiên, tân lang tân nương sẽ dùng đôi chung này mời rượu lẫn nhau, uống xong sẽ cùng úp chung xuống gọi là giao bôi hợp cẩn.

Tặng vật, nữ trang cho cô dâu cũng phải đặt vào hộp nhỏ, cho vào khay hộp. Khi trình mâm quả, giới thiệu, trà nước xong, vị trưởng tộc nhà trai sẽ mang khay trầu rượu trình lễ vật rồi xin phép nhà gái cho chú rể ra mắt gia tiên. Chiếc khay hộp tuy đơn sơ nhưng là vật không thể thiếu trong biết bao hôn sự đã thành hồi đó.

Từ thời ông bà sơ, ông bà cố, ông bà nội, ba mẹ cho đến đời chúng tôi, thật không thể đếm được có bao nhiêu cặp đã nên đôi, bao nhiêu vị đã từng cầm bộ khay trầu hộp của bà sơ tôi đi ăn nói, để gia đình từ đó có thêm người, để biết bao thế hệ nảy nở sinh sôi, kế thừa và tiếp nối.

Thời bây giờ, nghi thức cưới hỏi đã được rút ngắn nhiều. Lục lễ xưa chỉ còn lại lễ hỏi và lễ cưới. Nhiều đôi xa xôi địa lý nên giản lược luôn lễ hỏi, chỉ còn duy nhất lễ cưới để thông báo đến họ hàng. Không còn ai ăn trầu nên bộ khay trầu hộp có khi không được sử dụng. Nếu có thì trong lúc thuê mâm quả, nhà trai sẽ thuê luôn khay hộp từ tiệm dịch vụ cưới hỏi và với ý nghĩa hình thức hơn là thực chất để dâng rượu, mời trầu.

Không chỉ bởi cũ kỹ, vì không còn ai đi mượn khay trầu hộp nên bộ khay của bà sơ tôi được bảo quản như món kỷ vật của thời gian. Lâu lâu cha lại sai tôi mang khay ra lau chùi rồi đặt về chỗ cũ - nơi thờ phụng tổ tiên, để mỗi lần giỗ chạp hay tết nhất, cháu con về thắp hương ông bà đều có thể nhìn ngắm lại món đồ thuộc về ký ức.

Hẳn là cha có ý khi để thân quyến họ tộc nhìn vật mà nhớ thuở cha mẹ 2 bên trầu cau đường hoàng tới nói mà ăn ở với nhau sao cho vẹn tròn.

Hiền Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI