Bỏ hết hay chịu đựng?

29/06/2021 - 05:57

PNO - Tôi buồn và cô độc khủng khiếp. Tôi phải làm sao đây? Bỏ việc, bỏ gia đình hay chấp nhận tất cả, xuống nước năn nỉ tất cả? Tôi thật sự bế tắc…

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi đang lâm vào một tình cảnh vô cùng mệt mỏi. Hai năm vừa qua, vì dịch giã nên chồng và con tôi cùng thất nghiệp, tất cả đều ở nhà sống nhờ đồng lương của tôi. Tôi đi làm tuy lương không cao, nhưng cũng đủ nuôi cả nhà sống tiết kiệm và phụ giúp gia đình của con gái (hằng tuần tôi mua đồ ăn cho gia đình các con).

Thế nhưng gần đây ở chỗ tôi làm phát sinh mâu thuẫn. Vì là người thẳng thắn, trách nhiệm và tự trọng nên tôi trở thành người cô độc giữa những kẻ có lợi ích nhóm.

Họ dồn ép tôi, bịa đặt nhiều chuyện để hạ thấp danh dự của tôi. Quá bức xúc và mệt mỏi, tôi muốn xin nghỉ việc, tìm công chuyện khác làm, nhưng gánh nặng gia đình khiến tôi chùn bước.

Nhiều lúc quá buồn, tôi tâm sự với người nhà thì nhận lời trách móc xối xả. Ai cũng bảo tôi rằng lúc này có chỗ làm là tốt lắm rồi, đừng có gàn dở, ương bướng, cứng nhắc. Rằng tôi luôn là người không khéo cư xử, làm mất lòng chẳng những người ngoài mà cả bà con hàng xóm…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sâu xa trong những trách cứ ấy, tôi cảm nhận là tất cả đều sợ tôi bỏ việc thì cuộc sống sẽ khó khăn. Họ muốn tôi phải nhẫn nhịn, cúi đầu, chịu đựng vì sự bình yên của gia đình. 

Thật lòng, tôi biết tôi cũng chẳng thể nào bỏ việc lúc này. Thứ nhất vì tính tôi cũng cương trực, mạnh mẽ. Bỏ việc khác nào tôi chịu thua, chấp nhận mình sai? Lý do lớn hơn cả vẫn là tôi không thể bỏ việc khi cả nhà trông chờ vào một mình tôi. 

Thế nhưng tôi vẫn mong nhận được sự chia sẻ, động viên, cảm thông. Tôi muốn mọi người hiểu tôi và mong chồng con tôi nói: “Nếu mẹ mệt quá thì nghỉ đi. Để đó tôi lo/để đó con lo”. Nhưng không, chỉ có sự lo lắng vị kỷ của mỗi người.

Thế là những cơn tức giận của tôi bùng lên, thành gây gổ, cãi vã. Khi tôi nói ra điều mà mình nghĩ thì cả nhà tự ái. Chồng tôi lầm lỳ, không nói chuyện với tôi, con thì từ chối sự giúp đỡ của tôi.

Tôi buồn và cô độc khủng khiếp. Tôi phải làm sao đây? Bỏ việc, bỏ gia đình hay chấp nhận tất cả, xuống nước năn nỉ tất cả? Tôi thật sự bế tắc…

Thanh Hà (Q.2, TP.HCM)

Chị Thanh Hà thân mến,

Tất cả mọi mệt mỏi, mâu thuẫn, khó chịu trong cuộc sống của chị hiện nay, xin chị hãy quy về lỗi cho con… vi-rút COVID-19 cho nhẹ đầu.

Cuộc sống đang quá khó khăn, ai cũng có những áp lực, mệt mỏi. Những áp lực khiến nhiều người không điều khiển được cảm xúc, dẫn tới va chạm bực dọc lẫn nhau ở cả nơi làm việc lẫn ở nhà. Nghĩ được như vậy, trước tiên chị sẽ minh mẫn, tỉnh táo giải quyết mọi mâu thuẫn.

Một bí quyết để tâm trạng mình tốt hơn mà Hạnh Dung muốn chia sẻ với chị, dù khá lạ lùng, là đừng đếm lỗi người khác, hãy xem xét lại xem mình đã sai chỗ nào, sơ suất chỗ nào để mọi người phải xử sự như vậy.

Bởi nếu nhìn ra lỗi của mình, mình dễ dàng thay đổi, sửa chữa hơn là bắt người khác phải thay đổi. Và khi vận dụng ý chí, nghị lực để tự thay đổi mọi việc, chị sẽ thấy mình mạnh mẽ, thoải mái hơn.

Gia đình trách móc chị cứng nhắc, gàn dở, hay chị thử nhìn lại mình một chút. Có khi nào những người xung quanh đã mệt mỏi với chị và bây giờ, khi áp lực cuộc sống tăng lên thì mọi việc mới bộc phát.

Với người nhà, chị hãy đặt mình vào tình trạng của mọi người để thông cảm và chia sẻ. Hãy tự kiểm tra xem khi chị than thở và tỏ thái độ mệt mỏi thì chị cũng vô tình tạo áp lực cho mọi người trong tình cảnh đó hay không?

Mong muốn được chia sẻ phải chân thành và bình đẳng trong tư thế nói chuyện. Khi đòi hỏi sự quan tâm, có khi nào chị cũng làm những người thân tổn thương, tự ái?

Giải tỏa được các vấn đề tâm lý của mình sẽ giúp chị nhẹ nhàng hơn, gần gũi hơn với mọi người và chắc chắn sẽ được cảm thông hơn. Lòng biết ơn, sự giúp đỡ cũng tự nhiên mà đến. Mong chị mạnh mẽ hơn nữa để thật sự là chỗ dựa của mọi người. “Sông có khúc, người có lúc”, sẽ tới khi chị được đền đáp xứng đáng.

Thân mến!

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI