Bộ Giao thông Vận tải muốn siết xe khách, xe hợp đồng trá hình

03/10/2023 - 20:33

PNO - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP) ngoài kết quả đạt được, còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử, hoạt động quản lý tuyến cố định, xuất hiện tình trạng xe bỏ bến ra bên ngoài hoạt động để cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình nhưng vẫn giữ chỗ trong bến và có diễn biến ngày càng phức tạp, vẫn còn tình tạng xe không đến bến xe thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận lệnh vận chuyển nhưng vẫn thực hiện hành trình chạy xe trên tuyến.

Rất nhiều xe khách đăng ký giữ chổ trong bến xe nhưng không hoạt động trong bến.
Rất nhiều xe khách đăng ký giữ chỗ trong bến xe nhưng không hoạt động trong bến. Ảnh minh họa

Dự thảo lần này quy định doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép khai thác tuyến đối với xe đang vào bến nếu một tháng chạy dưới 70% số chuyến đăng ký. Quy định này nhằm đảm bảo các đơn vị vận tải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng phương án chạy xe đã đăng ký, hạn chế việc chỉ giữ chỗ nhưng không hoạt động. 

Dự thảo đề xuất thu hồi phù hiệu của ôtô nếu trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho thấy một tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy trở lên, hoặc một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính vi phạm tốc độ dưới 5 km/h). Với các xe vi phạm chạy quá tốc độ, Sở Giao thông Vận tải sẽ không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu.

Các nội dung bổ sung trên để đảm bảo tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, khắc phục tình trạng hiện nay, đơn vị vận tải xin cấp lại ngay sau khi phù hiệu bị thu hồi. Đồng thời, đảm bảo công bằng, minh bạch trong xử lý vi phạm, đảm bảo các trường hợp vi phạm đều được xử lý theo đúng quy định nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý nhà nước.

Dự thảo cũng quy định, xe du lịch, hợp đồng chỉ được đón khách tại một địa điểm, trả khách tại một địa điểm theo hợp đồng. Xe không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp hoặc có trên 10 ngày một tháng tại một địa điểm cố định. Ngoài ra, xe không được chạy quá 10% số chuyến trùng lặp theo địa giới hành chính cấp xã hoặc cấp huyện trong một tháng. Việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

Quy định này được sửa đổi chặt chẽ hơn so với hiện hành để kiểm soát hoạt động của xe hợp đồng, xe du lịch, hạn chế tình trạng xe chạy như tuyến cố định, đón trả khách như xe khách.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định không được quảng cáo hoặc đăng tải một trong các thông tin sau dưới mọi hình thức: hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách (người); địa điểm đón, trả khách.” để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng cung cấp thông tin như tuyến cố định.

Anh Hào

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI