Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đã có vốn cho đường sắt

17/04/2021 - 10:19

PNO - Việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021 vẫn đang chưa được triển khai. Phía Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho biết do thiếu vốn, trong khi đó Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đã giao vốn cho Cục Đường sắt Việt Nam theo đúng quy định.

Vừa qua, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc giao vốn và triển khai thực hiện vốn bảo trì đường sắt năm 2021. Theo đó, do vướng mắc về các quy định pháp luật nên đến nay chưa thể ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với 20 doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp chưa có kinh phí để mua vật tư, trả lương cho người lao động.

Việc bảo trì kết cấu hạ tầng của đường sắt Việt Nam đang gặp trục trặc về vốn.
Việc bảo trì kết cấu hạ tầng của đường sắt Việt Nam đang gặp trục trặc về vốn.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định vốn bảo trì đường sắt 2021 đã có, nhưng chưa thể triển khai do các doanh nghiệp chưa sẵn sàng ký hợp đồng. Theo Bộ GTVT, trước đây Tổng Cty ĐSVN trực thuộc Bộ nên hàng năm, Bộ duyệt kế hoạch bảo trì và giao vốn bảo trì cho Tổng công ty ký hợp đồng đặt hàng thực hiện với 20 doanh nghiệp bảo trì.

Tuy nhiên, tháng 11/2018, Tổng Cty ĐSVN được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, không còn trực thuộc Bộ GTVT quản lý nên theo Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ không thể giao vốn các năm tiếp theo cho Tổng Cty ĐSVN như trước. 

Cuối năm 2019, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT giao vốn bảo trì năm 2020 cho Cục ĐSVN để chủ trì triển khai thực hiện. Từ đây đã nảy sinh vướng mắc về các quy định pháp luật dẫn đến tháng 4/2020 vẫn không thể đặt hàng thực hiện bảo trì. Để giải quyết các vướng mắc, khó khăn này trong quá trình chuyển tiếp, mặt khác ý kiến các Bộ, ngành liên quan chưa thực sự thống nhất trong việc thực hiện giao vốn bảo trì đường sắt năm 2020, Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ đã đồng ý giao vốn năm 2020 cho Tổng Cty ĐSVN để triển khai thực hiện.

Đại diện Bộ GTVT cho biết đã phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông đường sắt và chế độ cho người lao động.

Theo báo cáo của Cục ĐSVN, sau khi được Bộ GTVT phân giao kế hoạch và dự toán, ngay trong tháng 1/2021, Cục đã tổ chức 5 cuộc họp với Tổng Cty ĐSVN và 4 cuộc họp với 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt để triển khai nhiệm vụ đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia năm 2021. Tuy nhiên, đến nay Tổng Cty ĐSVN và 20 công ty bảo trì đường sắt không đồng ý thương thảo ký hợp đồng đặt hàng vì theo Tổng Cty ĐSVN vẫn còn vướng mắc một số quy định pháp luật như: Điều 21 Luật Đường sắt, Điều 10 Nghị định số 46 và Luật Đấu thầu.

Trong khi đó, 20 công ty bảo trì cho biết, Tổng Cty ĐSVN giữ trên 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, nên theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Tổng Cty ĐSVN chưa chấp thuận cho phép, do đó các công ty chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng đặt hàng với Cục ĐSVN.

Về giải pháp để tháo gỡ những khúc mắc hiện nay, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Cty ĐSVN nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, có ý kiến đồng ý cho các đơn vị thành viên Tổng công ty nắm quyền chi phối ký hợp đồng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với Cục Đường sắt VN. Qua đó khẩn trương tiếp nhận dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế và thực hiện công tác bảo trì đường sắt quốc gia năm 2021 nhằm đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân đường sắt cũng như đảm bảo an toàn đường sắt.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI