"Bố già" và nỗi buồn ngành y

19/03/2021 - 07:26

PNO - Xem xong phim "Bố già", một bác sĩ gọi cho tôi giọng thảng thốt: “Ông bố có chết không em?”. Đó không chỉ là thắc mắc của riêng anh mà còn là nỗi trăn trở, ấm ức của nhiều bác sĩ yêu nghề y như chính mạng sống mình. Câu hỏi như nghẹn lại: “Ngành y trên phim là vậy sao?”.

Thật ra đó cũng là bức xúc của tôi và nhiều người làm trong ngành y.

Ở cuối phim, hình ảnh bắt cận bàn thờ có di ảnh người cha. Nghĩa là ông đã chết. Dù phim không nói rõ ông mất vì lý do gì, nhưng ngay cảnh trước đó, phim đặc tả cảnh hai cha con bước vào ca phẫu thuật và người cha năn nỉ bác sĩ cứu mình vì “tôi còn ham sống lắm”.

Phim chuyển cảnh, người con cởi chiếc áo và người xem thấy rõ vết thương trên người anh do ca phẫu thuật hiến thận cho cha. Nghĩa là ca phẫu thuật đã diễn ra, và người cha thì không còn sống. Không thể có cách lý giải nào khác rằng người cha chết vì ca mổ không thành công. 

Trấn Thành trong phim Bố già
Trấn Thành trong phim Bố già

Tử vong trong quá trình phẫu thuật hay hậu phẫu, là chuyện không quá hiếm trong y khoa. Nhưng nhà làm phim quên, hoặc không biết rằng, hiện nay chỉ có một số cơ sở y tế lớn, uy tín mới được phép thực hiện ghép tạng. Đây là một kỹ thuật cao trong y khoa và trên thực tế, để thực hiện một ca ghép tạng - cụ thể như ghép thận, cả ê-kíp y bác sĩ vài chục đến gần cả trăm người làm việc kỹ lưỡng, tính toán, đánh giá cẩn thận, toàn diện sức khỏe của người hiến tạng và người nhận.

Bất cứ điều gì, dù nhỏ nhặt nhất cũng được xem xét tỉ mỉ để đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật, cũng như hạn chế thấp nhất tai biến. Do vậy, chuyện người cha tử vong sau ca phẫu thuật ghép tạng không đại diện cho ngành ghép tạng thực tế ở nước ta. 

Trong những năm qua, ngành ghép tạng ở Việt Nam phát triển rất mạnh và được cả thế giới ghi nhận với rất nhiều ca phẫu thuật thành công. Đã có những cuộc cho-nhận xuyên quốc gia, một người hiến ghép cho nhiều người, hay ghép tạng từ người cho chết não cũng đã thành công trọn vẹn. Ấy vậy mà phim Bố già, một ca phẫu thuật trước đó không cho thấy cảnh báo nguy cơ đặc biệt nào, nếu có nguy cơ thì đó là người con, vì anh ấy có bệnh lý tim mạch - mà kết cuộc ông bố lại chết. Cái chết của người cha ngoài việc cho thấy nhà làm phim hoặc đã thiếu hiểu biết, hoặc cố tình làm lệch hình ảnh của ngành y, qua đó phủ nhận thành quả lao động của một ngành nghề cao quý. 

Trong bối cảnh vẫn còn đó những phim Việt ra rạp kiểu mì ăn liền, “thiếu muối”, thì sự xuất hiện của Bố già cho thấy phim được đầu tư nghiêm túc, công phu. Nhưng tiếc rằng, vì tham kịch tính, muốn có nhiều cao trào, điểm nhấn và cái kết bất ngờ, mà các nhà làm bộ phim này đã chọn con đường dễ cho mình, nhưng vô tình ảnh hưởng đến nghề nghiệp khác. 

Gia Ngọc (Quận 10)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI