Bỏ giá trần vé máy bay chỉ lợi cho Vietnam Airlines

16/12/2019 - 06:40

PNO - Có ý kiến cho rằng, đề xuất của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bỏ mức giá vé trần nội địa chỉ có lợi cho hãng này.

Hai lần Vietnam Airlines muốn bỏ giá trần

Năm năm trước, Vietnam Airlines (VNA) đưa ra đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nhưng không được chấp thuận. Mới đây, trên một diễn đàn về du lịch, ông Lê Hồng Hà - Phó tổng giám đốc VNA - tiếp tục đề xuất bỏ mức giá trần nội địa đang áp dụng cho các hãng hàng không hiện nay. Theo ông Hà, việc giữ trần giá vé khiến các hãng hàng không khó linh hoạt trong việc điều chỉnh tăng, giảm giá vé. Thị trường hàng không đang mở cửa, nên để thị trường điều tiết thay vì quy định cứng nhắc.

Dù có sự xuất hiện của một số hãng bay mới, nhưng thực tế, VNA và Vietjet Air vẫn là hai hãng chiếm giữ thị phần lớn nhất với mức trần giá vé cho các đường bay nội địa ở mức 1,6-3,7 triệu đồng/khách. Chính sách mức giá trần được áp dụng nhằm quản lý giá vé, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu không có công cụ quản lý này, việc nâng giá vé của một vài hãng có thể khiến các hãng khác phải nâng giá theo.

Bo gia tran ve may bay chi loi cho Vietnam Airlines
Việc bỏ trần giá vé máy bay có thể khiến giá vé máy bay dịp lễ, tết tăng vọt

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc bỏ mức trần giá vé máy bay là phù hợp với quy luật thị trường. Tuy nhiên, trong ngành vận tải hàng không, việc bỏ giá trần vé không phù hợp, do tính thị trường chưa rõ nét. Trong ba hãng hàng không lớn thì VNA vẫn là công ty nhà nước (dù đã cổ phần hóa), do nhà nước chi phối. Hãng này đang chiếm thị phần, cơ sở vật chất lớn nhất, nên vẫn mang tính chất dịch vụ công. Do vẫn ít nhiều mang tính độc quyền, số lượng các hãng cung ứng dịch vụ trên thị trường quá ít nên không thể để thị trường tự điều tiết. Ngoài ra, mặt bằng thu nhập của người Việt vẫn thấp, nên cần phải có sự điều tiết của nhà nước.

“Nếu áp dụng việc bỏ giá trần, chắc chắn ảnh hưởng đến việc quản lý hãng hàng không của nhà nước. Nhà nước sẽ không can thiệp nếu ngành đó cạnh tranh lành mạnh, mà cạnh tranh lành mạnh thì doanh nghiệp chỉ có thể giảm giá chứ không thể tăng” - ông Hiển nhận định.

Người tiêu dùng không được lợi

Đã có những lo ngại ban đầu từ phía người tiêu dùng nếu giá trần được bỏ. Thông thường, vào những dịp cao điểm như tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại luôn cao hơn nguồn cung vé từ các hãng và VNA thường bán vé với giá kịch trần. Nếu bỏ giá trần, rất có thể giá vé sẽ tăng cao ngất ngưởng vào dịp này, các hãng khác cũng sẽ tăng giá theo.

Đại diện Công ty Du lịch Tugo cho biết, chính sách giá vé trần chỉ ảnh hưởng đến các đại lý bán vé máy bay và hành khách chứ không ảnh hưởng tour. Yếu tố ảnh hưởng duy nhất giữa các hãng hàng không và công ty tour đó là cam kết chỉ tiêu của hai bên. Nếu năm nay đạt được chỉ tiêu thì năm sau vẫn giữ giá đó. Theo đại diện TransViet Travel, thông thường, đơn vị này làm việc với các hãng hàng không lớn, đã có những hợp đồng đặt chỗ 1-2,5 năm tiếp theo, nên trước mắt, việc bỏ mức giá trần (nếu có) chưa thể tác động đến đơn vị lữ hành.

Dưới góc nhìn cá nhân, vị đại diện Tugo cho rằng, không nên bỏ giá vé trần, vì chỉ tính riêng dịp cao điểm như lễ, tết, giá vé sẽ tăng không thể kiểm soát, thiệt hại lớn nhất thuộc về người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nếu bỏ giá trần, VNA nhích giá cao thì khách hàng vẫn bỏ tiền mua. Trong khi đó, các hãng khác vẫn theo đuổi phân khúc vé giá rẻ. Điều này cho thấy, VNA sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất nếu đề xuất bỏ mức trần giá vé được thông qua. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI